Trẻ sơ sinh nhiễm giang mai từ trong bụng mẹ: Tình trạng đáng lo ngại ở nhiều quốc gia

11/04/2023 - 06:00

PNO - Bệnh giang mai là một bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn, thường lây lan qua quan hệ tình dục hoặc tiếp xúc trực tiếp. Tuy nhiên, thai phụ cũng có thể truyền bệnh cho em bé đang phát triển trong bụng, gọi là bệnh giang mai bẩm sinh. Điều đáng lo ngại là tình trạng này đang tăng ở nhiều quốc gia.

 

Một em bé nằm ngủ giữa đống đồ chơi tại nhà chăm sóc và bảo trợ Sanctum ở tỉnh Saskatchewan, Canada ẢNH: REUTERS
Một em bé nằm ngủ giữa đống đồ chơi tại nhà chăm sóc và bảo trợ Sanctum ở tỉnh Saskatchewan, Canada - Ảnh: Reuters 

Cuộc chiến từ lúc còn trong bụng mẹ

Venus Johnson bước vào thế giới bằng một cuộc chiến sinh tử. Bé ngừng thở ngay sau khi sinh và các bác sĩ phải gấp rút xoa bóp lồng ngực, bế lộn ngược để làm sạch chất nhầy khỏi phổi. Đó là hậu quả của bệnh giang mai bẩm sinh mà Venus mắc phải từ trong bụng mẹ. Bà Danae Johnson - mẹ của bé - nói: "Con bé là một chiến binh dũng cảm khi có thể vượt qua điều đó".

Bé Venus được đưa đến phòng chăm sóc đặc biệt dành cho trẻ sơ sinh, nơi em được đặt nội khí quản và điều trị bằng cách truyền kháng sinh tĩnh mạch liên tục trong 10 ngày tiếp theo. Giờ đây, cô bé đã 18 tháng tuổi, đã hồi phục sau lần nhiễm trùng ban đầu, tuy nhiên các bác sĩ nói rằng Venus có thể sẽ phải chịu hậu quả suốt đời vì căn bệnh này. Cô bé có dấu hiệu nhiễm trùng tiềm ẩn và phải được kiểm tra hằng năm để đảm bảo rằng bệnh không quay trở lại. 

Venus là một trường hợp may mắn, vì nếu người mẹ không được điều trị, bệnh giang mai có thể dẫn đến thai chết lưu. Nó cũng có thể làm hỏng các cơ quan và xương của em bé hoặc gây hại cho thị giác và thính giác.

Vào năm 2021, hơn 200 trẻ sơ sinh ở Mỹ mắc bệnh giang mai bẩm sinh đã chết. Đáng lo ngại, tỉ lệ mắc bệnh giang mai bẩm sinh đang gia tăng ở mức báo động tại Mỹ và nhiều quốc gia khác. Theo Bộ Y tế Canada, số trẻ mắc bệnh giang mai bẩm sinh ở Canada đang tăng với tốc độ nhanh hơn nhiều so với Mỹ hoặc châu Âu. Cụ thể, tỉ lệ trẻ sinh ra mắc bệnh giang mai đạt 26/100.000 ca sinh vào năm 2021, tăng gấp 13 lần trong vòng 5 năm so với mức 2/100.000 vào năm 2017.

Các chuyên gia tin rằng nguyên nhân dẫn đến con số trên là do việc sử dụng chất gây nghiện methamphetamine ngày càng tăng và người dân không được tiếp cận kịp thời với hệ thống y tế công cộng. Tessa - một phụ nữ bản địa, 28 tuổi - cho biết, cô nghiện ma túy trong nhiều năm và là người vô gia cư khi mang thai ở thành phố Saskatoon, tỉnh Saskatchewan. Tessa không được chăm sóc trước khi sinh cho đến khi cô ấy chuyển dạ vào tháng 11/2022. Đó cũng là lúc cô ấy có kết quả xét nghiệm dương tính với HIV và giang mai. Tessa kể rằng con gái cô được bác sĩ kê một đợt kháng sinh kéo dài 10 ngày, tiêm tĩnh mạch và hiện đã khỏe mạnh.

Xu hướng có thể ngăn chặn

Năm 2016, các quốc gia đã cam kết tại cuộc họp Đại hội đồng Y tế thế giới về việc hành động để có thể giảm 90% các trường hợp mắc bệnh giang mai mới từ năm 2018 đến năm 2030; giảm tỉ lệ các trường hợp mắc bệnh giang mai bẩm sinh mới xuống dưới 50/100.000 ca.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), điều quan trọng nhất là tất cả phụ nữ phải được sàng lọc và điều trị bệnh giang mai sớm như một phần của dịch vụ chăm sóc tiền sản chất lượng cao. Ngoài ra, các hệ thống và chương trình y tế cần đảm bảo rằng mọi phụ nữ được chẩn đoán mắc bệnh giang mai và các đứa trẻ sơ sinh của họ đều được điều trị hiệu quả.

Oman, Cuba và Sri Lanka là 3 trong số những quốc gia đã gần như loại bỏ hoàn toàn việc lây truyền bệnh giang mai từ mẹ sang con trong những năm gần đây. Các chuyên gia y tế công cộng coi bệnh giang mai bẩm sinh là "sự kiện không đáng xảy ra" bởi vì gần như mọi trường hợp đều có thể phòng ngừa. Điều trị kịp thời - ít nhất 30 ngày trước khi sinh - giảm 98% nguy cơ lây nhiễm từ mẹ sang con.

Mặt khác, bệnh giang mai được điều trị bằng penicillin, một trong những loại kháng sinh lâu đời nhất và rẻ nhất thế giới. Dù vậy, ngày càng có nhiều thai phụ không được xét nghiệm hoặc điều trị kịp thời để ngăn chặn sự lây truyền từ mẹ sang con. Mẹ của Venus là con gái của bà Johnson. Vì cô không có nhà riêng, bà Johnson đã đưa con gái đến phòng cấp cứu địa phương để được chăm sóc nhưng bị từ chối. Người mẹ trẻ chỉ được chẩn đoán và điều trị một thời gian ngắn trước khi Venus chào đời.

Để đảo ngược xu hướng, các cơ quan y tế công cộng tại Mỹ đang cố gắng tiếp cận những phụ nữ có nguy cơ truyền bệnh giang mai cao nhất cho con của họ, bao gồm những người vô gia cư, mại dâm hoặc sử dụng ma túy. Tiến sĩ Deepika Sankaran - bác sĩ chuyên khoa sơ sinh và trợ lý giáo sư tại Đại học California (Mỹ) - chia sẻ: "Nhiều lần, phụ nữ mang thai có nguy cơ mắc bệnh giang mai cao đến phòng cấp cứu để được chăm sóc nhưng các bác sĩ ở đó không nghĩ đến việc kiểm tra căn bệnh này, vì không phải lúc nào bệnh cũng có triệu chứng rõ ràng".

Sankaran cho biết, cô đã nói chuyện với các đồng nghiệp trong phòng cấp cứu và thành lập một phòng khám bệnh giang mai nhỏ ở trung tâm y tế cộng đồng nơi cô làm việc tại Marysville, California. Giờ đây, mọi phụ nữ mang thai đến khoa cấp cứu đều được xét nghiệm máu để sàng lọc bệnh giang mai.

Bang New Mexico - nơi có tỉ lệ giang mai bẩm sinh cao thứ hai ở Mỹ sau Arizona - cũng áp dụng cách tiếp cận tương tự. Tiểu bang gần đây đã mở rộng một quy chuẩn y tế công cộng ban hành vào năm 2021, coi tất cả phụ nữ trong tiểu bang là đối tượng có nguy cơ cao bị nhiễm bệnh giang mai.

Quy định yêu cầu các bác sĩ xét nghiệm giang mai cho tất cả phụ nữ mang thai 3 lần: trong 3 tháng đầu của thai kỳ, trong 3 tháng cuối và cuối cùng là khi sinh. Nếu kết quả dương tính, họ sẽ được tiêm một mũi penicillin trước khi rời đi. Vào tháng Ba, Bộ Y tế Canada đã phê duyệt kỹ thuật xét nghiệm giang mai và HIV có thể cho kết quả trong vòng chưa đầy 1 phút, qua đó cho phép các bệnh nhân được điều trị ngay lập tức. 

Châu Á đau đầu về xu hướng lây nhiễm giang mai

Nhiều quốc gia châu Á cũng đang đau đầu về xu hướng lây nhiễm giang mai. Viện Các bệnh truyền nhiễm quốc gia Nhật Bản (NIID) báo cáo gần 13.000 trường hợp mắc bệnh giang mai trong năm 2022, con số cao nhất về nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục kể từ năm 1999.

Nhiều trường hợp mắc bệnh giang mai có liên quan đến ngành công nghiệp tình dục và việc tìm bạn tình qua các ứng dụng hẹn hò. Người đàn ông 25 tuổi mắc bệnh lây qua đường tình dục nói với đài NHK (Nhật Bản) về việc sử dụng các ứng dụng hẹn hò: "Vì đại dịch, tôi không có nhiều cơ hội gặp gỡ người khác. Cảm thấy cô đơn, tôi bắt đầu sử dụng các ứng dụng hẹn hò và có rất nhiều cuộc tình một đêm".

Thái Lan cũng chứng kiến sự gia tăng các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STDs) trong những năm gần đây, với bệnh giang mai và bệnh lậu chiếm hơn một nửa trong số các trường hợp STDs vào năm 2021. Các nhóm đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất là những người từ 15-19 và 20-24 tuổi. Điều này thúc đẩy Chính phủ Thái Lan phân phát 95 triệu bao cao su miễn phí trước ngày lễ tình nhân năm 2023. 

Tại Úc, các ca chẩn đoán bệnh giang mai tăng lên vào năm 2021 sau khi giảm trong năm 2019-2020, với sự gia tăng ổn định ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Trong cùng khoảng thời gian, số ca chẩn đoán giang mai bẩm sinh tại xứ sở chuột túi cũng tăng lên đáng kể. Phần lớn các ca nhiễm (60%) xảy ra ở nhóm trẻ người bản địa và cư dân đảo Torres Strait - vốn chiếm khoảng 5% tổng số trẻ sơ sinh của quốc gia này.

Ở Ấn Độ, tỉ lệ nam giới sử dụng bao cao su làm biện pháp tránh thai chính đã giảm từ 75% vào năm 2011 xuống còn 42% trong năm 2021. Xu hướng này khiến các chuyên gia về bệnh lây truyền qua đường tình dục lo ngại, vì số ca bệnh giang mai đang ở mức cao nhất kể từ năm 1991, với tổng cộng 171.074 ca mắc mới vào năm 2021. Ấn Độ cũng ghi nhận sự gia tăng bệnh giang mai bẩm sinh, với 2.677 ca mắc mới vào năm 2021 và ít nhất 139 trẻ sơ sinh chết vì bệnh này vào năm 2020. 

Kawana Kei - giáo sư trưởng tại Đại học Y khoa Nihon (Nhật Bản), chuyên gia về bệnh giang mai và các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác - chỉ ra rằng, các phương pháp giáo dục và phòng ngừa là biện pháp hiệu quả nhất để ngăn chặn bệnh lây lan. Ông giải thích: "Các lớp giáo dục giới tính tại các trường học thường không đề cập đến các chủ đề như STDs hoặc bệnh giang mai, vì vậy để nâng cao nhận thức, chúng ta cần thêm nhiều cơ hội để những người trẻ tuổi có thể nhận được thông tin, bao gồm cả ở nhà”. Ông cũng khuyến khích tăng cường xét nghiệm, đồng thời đánh giá cao việc những trung tâm chăm sóc sức khỏe ở Tokyo và một số khu vực khác cung cấp dịch vụ xét nghiệm miễn phí, ẩn danh.

Ngọc Hạ (theo Washington Post, CNN, Reuters, WHO)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI