PNO - Nhiều trẻ được cha mẹ cho nghỉ học, cô lập trong nhà… để ngừa dịch COVID-19, bệnh tay chân miệng nhưng để con bơ vơ một mình, không trò chuyện khiến trẻ rối loạn tâm lý lúc nào không hay.
Trong hỗ trợ tâm lý cho trẻ, cha mẹ luôn là người quan trọng để giúp trẻ lấy lại cân bằng
Khi gọi bé không phản ứng
Ngồi trước khu khám tâm lý Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP.HCM, bé T.H.K., hai tuổi, chìm vào thế giới riêng của mình. Bé đưa mắt nhìn theo chiếc xe đồ chơi đang được một bệnh nhi khác kéo tới kéo lui. Bé không biểu lộ cảm xúc. Chị Nguyễn Thị Hồng, mẹ bé K. (ngụ ở Q.1, TP.HCM) cho biết hai tuần nay con trai không phản ứng khi có người gọi. Qua khai thác bệnh sử, các chuyên gia tâm lý của bệnh viện ghi nhận, vì sợ “dính” COVID-19, bé K. phải nghỉ đi nhà trẻ. Bà ngoại, bà nội thay nhau trông bé. Mới đây, khi nghe bệnh tay chân miệng bùng lên, ba mẹ bé hạn chế cả người quen đến chơi. Mỗi ngày, bé chơi trong cũi một mình, chỉ có bà nội gần 70 tuổi ngồi gần để canh. Gần một năm ở nhà, bé không chạy nhảy như trước, ít ăn, ngủ vật vờ, không nói chuyện…
“Hai - ba ngày đầu, tôi nghĩ trời nóng nên con mệt. Vợ chồng tôi đi làm cũng đuối sức nên khi thấy con không đòi đi chơi, không chạy nhảy thì tranh thủ nghỉ ngơi. Đến cuối tuần, thay vì đòi đi siêu thị, công viên, bé vẫn yên lặng, luôn cầm chiếc xe ô tô nhựa. Tôi thử lấy lại mấy lần nhưng mỗi khi rời chiếc xe là bé khóc. Mới đây, bé không nói chuyện cũng không chịu ăn, tôi phải ép uống nước trái cây để không kiệt sức. Tôi sợ con tự kỷ hay ở nhà một mình bị té ngã nên đưa đến bệnh viện mới phát hiện ra bệnh”, chị Hồng lo lắng.
Chuyên viên tâm lý Nguyễn Hải Uyên, Khoa Tâm lý - Vật lý trị liệu Bệnh viện Nhi Đồng 2, cho biết bé K. bị rối loạn tâm lý kéo dài nhưng người nhà không hay. Thời gian qua, nhiều trẻ bị rối loạn tâm lý, chậm nói, thậm chí không nói, thụ động… được cha mẹ đưa đến bệnh viện này điều trị tăng lên. Đa số trẻ ở độ tuổi từ 18 tháng đến dưới 5 tuổi. Trong 10 trẻ thì có đến 8 trẻ bị rối loạn tâm lý do “ở nhà một mình” như: rối loạn lo âu, sợ hãi, thoái lui ngôn ngữ, rối loạn giấc ngủ…
Ngồi ôm con đợi đến lượt khám, chị Mai Anh (ngụ tỉnh Bình Dương) kể, con gái chị mới hơn 3 tuổi bỗng nhiên nói nhiều từ vô nghĩa, sau đó thì im lặng. Để chúng tôi chứng kiến biểu hiện lạ này, chị cầm con vịt đồ chơi yêu thích của bé lên, bé nói “hích”, “bíp”, gọi tên thì bé lại nhìn đi nơi khác. Bé chìm vào thế giới riêng của mình với những hình ảnh nhân vật hoạt hình trang trí tại Khoa Tâm lý - Vật lý trị liệu rồi nói “hăng”, “miu”…
Sau gần 40 phút tư vấn, tìm hiểu nguyên nhân, các chuyên viên phát hiện trước đó khoảng sáu tháng, do dịch COVID-19 nên nhà trẻ tạm đóng cửa một tháng. Sợ dịch, chị Mai Anh cho con nghỉ học luôn từ lúc đó đến tháng 1/2021. Đầu tháng 2/2021, chị cho bé đi học lại được gần hai tháng, rồi lại “cho con vào cũi” vì nghe bệnh tay chân miệng. Giai đoạn này, bé khác hẳn, ít nói chuyện, quấy khóc không rõ nguyên nhân, suốt ngày chỉ làm bạn với máy tính bảng.
Cha mẹ là bức tường bảo vệ con
Chuyên viên tâm lý Nguyễn Hải Uyên nhận định: cha mẹ lo lắng cho con trước dịch bệnh bủa vây là đúng, nhưng không nên cắt ngang việc đến trường cũng như hạn chế tối đa sự tiếp xúc của trẻ với môi trường xung quanh. Nhất là sự quan tâm, kết nối từ cha mẹ. Lên hai tuổi, bé đã phân biệt được quen, lạ và bắt đầu khám phá thế giới xung quanh. Đặc biệt, ba tuổi, trẻ sẽ bước vào “giai đoạn xã hội hóa”, thích tiếp xúc với những trẻ khác, kết nối với thầy cô, người xung quanh. Do đó, nếu đột ngột bị ngắt ngang việc đến trường, suốt ngày lủi thủi trong phòng khiến trẻ hụt hẫng, trầm lặng và hình thành các rối loạn khác do trẻ không hiểu nguyên nhân.
Chưa kể, với những trẻ hiếu động, những ngày đầu sẽ chạy nhảy, khám phá khắp nhà, các nguy cơ như điện giật, té ngã cầu thang, va chạm với bàn ghế, đồ vật trong nhà, thậm chí trèo ra ban công… rất dễ xảy ra.
“Việc hạn chế hoạt động, hạn chế tiếp xúc, tương tác với người xung quanh dẫn đến trẻ giảm khả năng tự phục vụ, thích ứng, nhận thức cũng như vốn ngôn ngữ. Cha mẹ lại quá bận, nhiều người đi làm về thấy con đã được người giúp việc, ông bà cho ăn, vệ sinh cá nhân xong thì yên tâm nghỉ ngơi, ít chơi đùa, trò chuyện hay ẵm bồng… khiến bé cảm thấy khoảng cách xa dần.
Thêm phần phụ huynh cũng cho trẻ xem điện thoại, máy tính bảng khá nhiều nên trẻ rơi vào thế giới riêng của mình, rối loạn ngôn ngữ. Nặng hơn, trẻ bị rối loạn lo âu, chỉ cần người bên cạnh không ngồi sát bên thì trẻ đã co rúm sợ hãi, khóc thét đòi, có trẻ chán ăn, rối loạn giấc ngủ, thờ ơ với mọi thứ. Cha mẹ cần nói chuyện để trẻ không có cảm giác bị bỏ rơi, thiếu an toàn”, chuyên gia tâm lý Nguyễn Hải Uyên khuyến cáo.
Dành ít nhất một tiếng mỗi ngày để chơi cùng con
Các bác sĩ dinh dưỡng cho rằng, một đứa trẻ có khá nhiều năng lượng, “nhốt” trong nhà, không thể chơi đùa, chạy nhảy để giải phóng năng lượng, lâu dần dẫn đến cáu gắt, căng thẳng.
Khi được “tháo cũi” trẻ sẽ phấn khích, chạy nhảy nhiều, đùa giỡn quá khích làm phụ huynh nhầm tưởng trẻ bị tăng động hay mắc bệnh gì đó và tiếp tục “nhốt”. Lúc này, trẻ sẽ la hét, quấy khóc, ăn vạ thậm chí phát sinh hành động tiêu cực như chửi, đánh lại
người lớn.
Vì vậy, cha mẹ cần quan tâm đến cảm xúc của con nhiều hơn là quan sát con mình an toàn. Mỗi ngày, cha mẹ nên dành ít nhất một giờ để chơi đùa, tương tác với trẻ qua trò chơi như chuyền bóng, cùng tô màu, hát cho trẻ múa… đừng “khoán” con mình cho người giúp việc hay ông bà.