Trẻ quá ngoan có thiếu tự tin?

31/12/2017 - 13:48

PNO - Nếu cháu ngoan hiền, đó cũng là một cá tính anh ạ, không hẳn những cô bé mạnh mẽ, biết tranh cãi với người khác mới là cá tính.

Tôi có một cô con gái 13 tuổi. Cháu rất ngoan, ngoan đến mức tôi e ngại. Vợ chồng tôi bảo bọc, cưng chiều cháu từ nhỏ. Cháu học đến lớp Hai, vợ tôi còn mang trái cây lên cổng trường cho con ăn trong giờ ra chơi, vì sợ con không đủ chất.

Nhiều cha mẹ than phiền dạy con rất khó, cháu nhà tôi lại rất dễ bảo, nói gì cũng răm rắp nghe theo, cứ như một cái máy. Vừa rồi, cháu xin mua Ipad, tôi mới nói “đắt tiền lắm, con chưa cần dùng đâu”, cháu vâng lời ngay, không ì eo như nhiều trẻ khác.

Tre qua ngoan co thieu tu tin?
Ảnh minh họa

Thưa chuyên gia, có ai đó bảo, những đứa trẻ ngoan thường sau này không trưởng thành. Bản thân tôi cũng mong con có cá tính một chút, biết bảo vệ mình, biết lý lẽ chứ không nên lúc nào cũng “gọi dạ, bảo vâng”. Tôi phải làm sao?

Công Tuấn (Nha Trang)

Anh Công Tuấn mến, 

Đọc thư, tôi hình dung con gái anh là một cô gái ngoan hiền, thùy mị nết na, kiểu người truyền thống mà theo tiêu chí người xưa là rất được đề cao. Chúc mừng anh chị đã nuôi dạy cháu nên người. Cháu có được tâm tính như vậy quả không hề dễ dàng. 

Điều anh lo ngại là khi xã hội thay đổi, hiện đại hơn, cạnh tranh hơn, tính cách của cháu sẽ khó được coi là trưởng thành để độc lập, tự tin. Tôi không rõ tiêu chí ngoan của anh khi đánh giá cháu là như thế nào? Ở trường, ở lớp cháu có bị bạn bè bắt nạt hay bạn bè rủ sao nghe vậy không?

Khi học bài, cháu có chăm chỉ phát biểu, đặt câu hỏi cho thầy cô hay ngồi nghe thụ động?… Còn rất nhiều điều tôi muốn hỏi anh để biết cháu là ai, ngoan kiểu nhút nhát thụ động hay ngoan vì biết nghe lời hay lẽ phải của cha mẹ, thầy cô? 

Nếu cháu ngoan hiền, đó cũng là một cá tính anh ạ, không hẳn những cô bé mạnh mẽ, biết tranh cãi với người khác mới là cá tính. Cháu có biết bảo vệ bản thân, biết lý lẽ, trưởng thành hay không tùy thuộc vào kiến thức, kỹ năng và thái độ của cháu - đó chính là năng lực bên trong.

Sâu xa hơn là giá trị sống của cháu như thế nào sẽ quyết định kiến thức, kỹ năng, thái độ đối với mọi người, mọi việc. Có những người luôn khiêm cung nhã nhặn, người khác tưởng ngoan hiền theo kiểu dễ bắt nạt, nhưng khi gặp chuyện mới hiểu người này rất bản lĩnh, có chính kiến, không dễ sai khiến. 

Nếu anh chị luôn nêu gương tốt cho con, nói lời thuyết phục thì chuyện cháu nghe lời ngay đó là sự nể trọng đối với cha mẹ. Chuyện mua Ipad, anh chị phân tích đúng, cháu nghe ngay là vì hiểu chuyện, biết thương cha mẹ, biết tiết kiệm, không se sua chạy theo bạn bè. 

Nếu anh chị nói sai, cậy quyền làm cha mẹ mà ép nhưng cháu vẫn nghe theo, lúc đó hãy đặt dấu hỏi xem con đang cố ý như ngoan hiền cho cha mẹ vui, rồi sau lưng làm ngược lại, ở nhà ngoan hiền nhưng ra ngoài xã hội thì hung bạo; hay cháu ngoan hiền kiểu ai bảo gì nghe nấy, không có chính kiến? Anh chị cần khách quan nhìn nhận lại tính cách của cháu ở nhiều mối quan hệ trong gia đình, trường lớp để hiểu con hơn mới có thể lựa chọn cách dạy phù hợp.

Anh chị có thể khuyến khích con có ý kiến riêng, biết bảo vệ ý kiến riêng bằng cách khi trẻ đề nghị điều gì hãy hỏi cháu, ví dụ: vì sao con muốn mua Ipad?… để con nói lên suy nghĩ, mong muốn của mình, từ đó cha mẹ phân tích đúng sai cho cháu hiểu. 
Cha mẹ cũng có thể xem lại mình có khắt khe, nguyên tắc quá trong việc dạy con, ít để con có cơ hội tự do sáng tạo, nói và làm theo cách riêng của mình không?

Cách cư xử của cha mẹ ảnh hưởng lên tính cách của con rất nhiều. Anh chị đang nghĩ là mình chiều con, nhưng có lẽ là đang chăm con, bảo bọc quá kỹ. Việc này có thể khiến cháu thiếu sự độc lập, tự tin. Có thể sống trong sự bảo bọc từ bé, đủ đầy rồi nên cháu không có cơ hội đòi hỏi, chưa có dịp bộc lộ cơ hội tranh luận cùng cha mẹ. 

Chuyên viên tham vấn tâm lý Phạm Thị Thúy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI