Trẻ phản ứng sau tiêm vắc-xin là điều bình thường

26/06/2014 - 17:54

PNO - PNO – Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM có cuộc trao đổi với Phụ Nữ Online về vắc-xin, phản ứng sau tiêm và các vấn đề liên quan.

edf40wrjww2tblPage:Content

Sau khi có thông tin 5 trẻ bị phản ứng sau khi tiêm vắc-xin Quinvaxem tại Hải Phòng trong ngày 25/6, được nhập viện theo dõi và hiện sức khỏe của 5 cháu bé đều đã ổn định, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM cho rằng, đây là điều đáng mừng, chứ không phải đáng buồn.

Theo BS Khanh, đáng mừng là vì người dân đã hiểu biết, đã tiếp cận được thông tin, có ý thức tốt, biết phát hiện và xử trí kịp thời khi trẻ có những phản ứng sau tiêm. Hy vọng sẽ không còn trường hợp đáng tiếc, đã nặng rồi mới vào, thậm chí là để trẻ nằm ở nhà luôn.

Điều này chứng tỏ công tác tuyên truyền đã tới được với người dân. Sau khi chích ngừa vắc-xin nói chung và Quinvaxem nói riêng, việc trẻ có những phản ứng như sốt, đau, khóc, sưng... là chuyện bình thường. Bởi khi chúng ta so sánh tỷ lệ trẻ bị phản ứng trên số lượng trẻ tham gia, thời điểm, khu vực… thì sẽ hiểu được ca nào do kỹ thuật, ca nào là “phản ứng trong giới hạn cho phép”.

Tre phan ung sau tiem vac-xin la dieu binh thuong

Ảnh minh hoạ: Gia Bảo.

* PV: Hiện có ý kiến cho rằng trẻ chích vắc-xin dịch vụ ít bị phản ứng ngoài mong muốn và nếu có cũng “êm” hơn trong chương trình, bác sĩ nghĩ sao về điều này?

- BS Trương Hữu Khanh: Trên lý thuyết, dịch vụ hay chương trình cũng đều theo mức giới hạn mà thế giới quy định, tức là tương đương nhau. Còn theo thực tiễn lâm sàng, điều trị, tôi không chỉ gặp những trường hợp trẻ chích vắc-xin trong chương trình có phản ứng sau tiêm mà vẫn gặp không ít trường hợp trẻ chích vắc-xin dịch vụ bị phản ứng ngoài mong muốn.

Việc so sánh phải thực hiện trên cơ sở số liệu cụ thể (ví dụ như: theo tỷ lệ số ca có phản ứng sau tiêm/ số ca chích). Cũng không trách được chuyện vì sao người ta so sánh như vậy vì với những trường hợp bị phản ứng sau tiêm vắc-xin dịch vụ, người ta ít nhắc tới. Đó là chưa kể việc số lượng trẻ chích vắc-xin dịch vụ ít hơn nhiều so với số lượng trẻ tiêm chương trình, do đó số ca, số trường hợp trẻ phản ứng ngoài ý muốn sau tiêm bên vắc-xin dịch vụ sẽ ít hơn bên vắc-xin chương trình.

Thêm nữa, thường những người đưa con đi chích vắc-xin dịch vụ là những người có điều kiện kinh tế, nắm kiến thức, có kiến thức, trình độ hiểu biết về y tế hơn phần còn lại.

* Bác sĩ nghĩ sao trước tình trạng người dân đưa con ra nước ngoài để chích ngừa?

- Đây là phản ứng hết sức bình thường của người dân. Việc người dân chủ động phòng ngừa bệnh là tốt. Tuy nhiên, không phải ai cũng có điều kiện như vậy. Làm thế nào để người dân ngừa bệnh được mà bớt tốn kém và quan trọng hơn là những đối tượng còn lại cũng có thể tham gia?

Nghe chuyện người bệnh qua Singapore chữa bệnh đã thấy buồn, giờ nghe chích ngừa các loại vắc-xin (mà trước đây các nhà sản xuất phải dùng chiêu quảng cáo, tuyên truyền nguời dân mới chích) cũng phải ra nước ngoài thì quá buồn. Không biết việc các nhà sản xuất không nhập vắc-xin về Việt Nam chỉ do hết hàng hay do nguyên nhân nào nữa không. Việc này chỉ có nhà sản xuất, cung cấp và nhà quản lý mới biết. Ai sẽ trả lời câu hỏi vì sao hiện bên Singapore họ có vắc-xin, còn mình thì không có?.

Tôi thấy, có một số loại vắc-xin mà người dân ra nước ngoài chích đâu phải “hàng” hiếm, mà là vắc-xin thông dụng, chúng ta đã sử dụng bao nhiêu năm nay. Có những vắc-xin đã sử dụng trên 10 năm. Các vắc-xin trên được sản xuất theo quy chuẩn quốc tế, nên việc viện lý do thể trạng, lịch chích... để có cớ này kia là không thuyết phục.

* Theo thông tin chúng tôi nắm được thì vắc-xin ngừa thủy đậu phải một tháng nữa mới về. Bác sĩ bình luận gì về việc này?

- Khi chưa có vắc-xin, người dân nên chủ động phòng ngừa bằng cách giữ gìn vệ sinh cá nhân và nơi sinh sống. Thú thực, từ trước đến nay, tôi chưa thấy có loại vắc-xin nào bị gián đoạn lâu như vắc-xin thủy đậu lần này.

Tiến Đạt thực hiện

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI