Trẻ phải được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh

15/12/2017 - 15:34

PNO - Trong hai ngày 11 và 12/12, Đoàn chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam đã giám sát việc thực thi Luật Trẻ em và công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em năm 2017 tại TP.HCM.

Đoàn đã có buổi làm việc tại UBND TP.HCM, UBND quận 11, thăm một số điểm trường mầm non tại quận 11 và Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em quận Gò Vấp.
 

Tre phai duoc song trong moi truong an toan, lanh manh
Đoàn giám sát đến thăm Cơ sở mầm non tư thục Hương Sen, 174 Thái Phiên, P.8, Q.11

Nhiều hạn chế trong chăm sóc, bảo vệ trẻ em

Tháng 6/2017, Luật Trẻ em chính thức có hiệu lực, trong đó quy định rõ bốn nhóm quyền cơ bản của trẻ em: quyền được sống còn, quyền được bảo vệ, quyền được phát triển và quyền được tham gia.

Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM, ngoài công tác tổ chức chiến dịch truyền thông về Luật Trẻ em và phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em, các ban ngành, đoàn thể của TP.HCM còn phối hợp thực hiện công tác chăm lo trẻ em một cách toàn diện. Trẻ em được chăm sóc sức khỏe, tạo điều kiện thuận lợi trong việc học tập, vui chơi. Bên cạnh đó, với 74 cơ sở bảo trợ trẻ em công lập và ngoài công lập, TP.HCM cũng đã có nhiều hoạt động hỗ trợ, chăm lo kịp thời đối với các hoàn cảnh đặc biệt, chẳng hạn như ở Q.11, có 47 trẻ bị bỏ rơi hoặc không nơi nương tựa và 138 trẻ khuyết tật đều được hưởng các chính sách trợ giúp của nhà nước.

Tuy nhiên, do lao động nhập cư đông, thường xuyên thay đổi chỗ ở nên việc truyền thông đến các đối tượng này còn nhiều hạn chế, việc bảo vệ trẻ em cũng vướng phải một số khó khăn nhất định. Những vụ việc vi phạm quyền trẻ em phần lớn rơi vào những gia đình nhập cư, gia đình “có vấn đề” như cha mẹ bị nhiễm HIV/AIDS, bạo hành, ly hôn…

Theo bà Hoàng Kim Chi - Trưởng phòng Tư pháp Q.11, một số quy định pháp luật về đăng ký hộ tịch đối với các trường hợp có yếu tố nước ngoài còn chồng chéo, nhiêu khê khiến việc thực hiện quyền trẻ em bị hạn chế, chẳng hạn như khó làm giấy khai sinh, ảnh hưởng đến quyền được học tập của trẻ. Bên cạnh đó, cán bộ phụ trách công tác trẻ em biến động do điều chuyển công tác khiến việc chuẩn hóa về chất lượng chuyên môn còn nhiều hạn chế. Mỗi địa phương đều đã thành lập các ban điều hành và chăm sóc trẻ em, nhưng quy chế phối hợp hoạt động vẫn chưa đồng bộ và hiệu quả, dẫn đến việc phát hiện, ngăn chặn, xử lý các vụ việc vi phạm quyền trẻ em chưa kịp thời.

Sẽ gắn camera giám sát cơ sở mầm non

Hiện TP.HCM có khoảng một triệu học sinh từ cấp mầm non đến cấp trung học. Vì vậy, công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em từ phía nhà trường là vô cùng quan trọng.

Bà Bùi Thị Diễm Thu - Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM - cho biết, số cơ sở mầm non ngoài công lập chiếm trên 55%. Sở đã có nhiều hoạt động bồi dưỡng kỹ năng chuyên môn và đạo đức cho giáo viên, đồng thời tổ chức kiểm tra các cơ sở, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm. Sau vụ việc đáng tiếc xảy ra tại Lớp mẫu giáo Mầm xanh (Q.12) vừa qua, sở đang nghiên cứu và sẽ trình UBND TP.HCM kế hoạch gắn camera trong các nhóm trẻ, nhằm hạn chế nạn bạo hành.

Bà Lâm Thị Ngọc Hoa - Phó chủ tịch Thường trực Hội LHPN TP.HCM - cho biết, hệ thống hội phụ nữ từ cấp thành phố đến cơ sở đều có chân rết thực hiện công tác tuyên truyền, vận động, bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Qua thực hiện đề án “Giáo dục 5 triệu bà mẹ nuôi dạy con tốt” và cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, hội đã tập huấn các kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe nam nữ vị thành niên, kỹ năng nuôi dạy con, để phát huy vai trò giáo dục của gia đình trong việc hình thành nhân cách con cái.

Hội LHPN TP.HCM cũng thực hiện chức năng giám sát về công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em thông qua nhiều kênh, trong đó nổi bật là việc thành lập và vận hành Đường dây khẩn của Báo Phụ Nữ TP.HCM. Trong năm 2016-2017, qua kênh này, hội đã tiếp nhận 80 vụ vi phạm Luật Trẻ em. Hội cũng phát huy vai trò của Tổ Trợ giúp pháp lý miễn phí, trung bình mỗi năm tiếp nhận 96 đơn thư, trong đó các vụ bạo hành gia đình, xâm hại trẻ em chiếm tỷ lệ khoảng 30%. 

Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM, hiện toàn thành phố có 1.562.581 trẻ, trong đó 15.796 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, 34.903 trẻ thuộc hộ nghèo có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt và 28.147 trẻ thuộc hộ cận nghèo. Trong năm 2017, toàn thành phố đã phát hiện và xử lý 64 vụ vi phạm quyền trẻ em, chủ yếu là trẻ em bị xâm hại, tai nạn thương tích.

 Thu Lê - Tâm Uyên

Cần giúp trẻ có kỹ năng tự bảo vệ 

Có 5 nguyên tắc thực hiện quyền trẻ em, nhưng tôi cho rằng, nguyên tắc tối thượng là “vì lợi ích tốt nhất cho trẻ em”. Sau khi Luật Trẻ em được ban hành, nhìn chung, nhận thức của xã hội về quyền trẻ em nói chung và công tác bảo vệ trẻ em nói riêng cũng đã được nâng lên. Ngân sách, nguồn lực đầu tư cho công tác này cũng gia tăng. Có thể nói, trẻ em đã được chăm sóc tốt hơn. Chẳng hạn như việc làm giấy khai sinh cho các trường hợp đặc biệt, hay việc cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi. Về học hành, chúng ta đang tiến tới phổ cập trung học cơ sở. Trẻ em cũng được tôn trọng, lắng nghe ý kiến thông qua các diễn đàn, sinh hoạt cộng đồng, cho thấy ngày càng có nhiều hình thức thu hút cả xã hội tham gia vào công tác bảo vệ trẻ em. 

Tuy nhiên, vẫn tồn tại một thực tế là, công tác bảo vệ trẻ em chưa thật sự tốt, nhất là trong phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em, trong đó có xâm hại tình dục; các vụ lạm dụng lao động trẻ em vẫn chưa được phát hiện và xử lý kịp thời, khiến trẻ em bị ảnh hưởng rất nhiều về tâm lý, cảm xúc, thậm chí cả về trí tuệ. Điều đáng buồn là, trong nhiều trường hợp, trẻ em bị hành hạ, đánh đập ngay tại gia đình, và người xuống tay bạo hành lại chính là người thân, cha mẹ của trẻ. Bạo lực học đường trong các nhà trẻ ngoài công lập không phải là vài hiện tượng, vụ việc lẻ tẻ mà trở thành vấn đề đáng báo động. 

Để tăng cường công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em, chúng ta cần quan tâm đến hệ thống cán bộ làm công tác giáo dục trẻ em, đặc biệt là cán bộ cấp cơ sở. Không có cách nào khác là chúng ta hãy nâng cao nhận thức, tuyên truyền luật sâu rộng hơn nữa, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm và quan trọng là làm sao để trẻ có kỹ năng tự bảo vệ mình. Để làm tốt công tác bảo vệ trẻ em, đường lối, chủ trương của Đảng và ngoài chính sách pháp luật của Nhà nước, thì cộng đồng xã hội, mỗi gia đình, mỗi người dân và chính trẻ em phải nhận thức đầy đủ hơn nữa về quyền trẻ em cũng như vị trí, vai trò quan trọng của công tác này. Có như vậy, trẻ mới được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh để phát triển một cách toàn diện.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hòa - Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em, nguyên Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI