Trẻ nuốt nam châm trong đồ chơi - cực kỳ nguy hiểm

14/08/2016 - 10:21

PNO - Tuy mới ghi nhận 5-6 ca cấp cứu nội soi gắp nam châm từ dạ dày, nhưng các bác sĩ (BS) khoa Tiêu hóa - BV Nhi đồng 1 TP.HCM rất lo ngại, bởi dị vật này dễ gây tổn thương nghiêm trọng cho bệnh nhi.

Chùm nam châm trong bụng

BS Nguyễn Phúc Thịnh - khoa Tiêu hóa BV Nhi Đồng 1 vừa phẫu thuật nội soi, gắp dị vật cho một trường hợp vô cùng hy hữu. Trong suốt thời gian làm việc tại BV, đây là lần đầu tiên BS Thịnh gặp ca bệnh tưởng đơn giản mà nguy hiểm như vậy.

Bệnh nhi là bé Nguyễn Huy Hoàng, hai tuổi, quê quán Hậu Giang. Bé Hoàng đang chơi chiếc xe ô tô đồ chơi thì bị nghẹn, sặc và khóc thét. Mẹ bé cuống cuồng kiểm tra, thấy cục nam châm dính trong ô tô đồ chơi bị lấy ra và mất tích. Nghĩ cục nam châm nhỏ, không tới nỗi nguy hiểm nên gia đình hy vọng bé nuốt trôi và đi tiêu đẩy dị vật ra ngoài theo đường tự nhiên. Ai ngờ bệnh nhi mãi vẫn không ngừng quấy khóc, đau đớn. Lúc này, gia đình mới đưa bé ra phòng khám tư tại địa phương chụp phim X-Quang, phát hiện khối dị vật có cản quang nằm trong dạ dày. Ngay sau đó bệnh nhi được chuyển thẳng lên BV Nhi Đồng 1 TP.HCM cấp cứu.

Tre nuot nam cham trong do choi - cuc ky nguy hiem
Bác sĩ Thịnh đang kiểm tra sức khỏe cho một bệnh nhi nuốt dị vật

Sau khi hội chẩn với các BS chuyên khoa liên quan, các BS khoa Tiêu hóa quyết định nội soi cấp cứu cho bé Hoàng. Ca phẫu thuật gặp nhiều khó khăn. BS Thịnh nhớ lại: “Cháu bé không chỉ nuốt một cục nam châm. Trong dạ dày bệnh nhi có một khối dính chùm với nhau, dày tới 1cm. Đó là một cục nam châm dính với một cục sắt và dính thêm mảnh nam châm nữa. Điều đó có nghĩa cháu bé nuốt từ từ nhiều mảnh, do nam châm có từ tính nên khi vào bụng, các cục sắt và nam châm tự hút nhau lại, tạo thành một khối. Vùng dạ dày xung quanh bị viêm và sung huyết. Tôi thao tác gắp dị vật ra rất khó, chúng dính với nhau không chặt nên có tác động, các mảnh lại rời ra và rớt lại”. Sau khoảng 30 phút, BS Thịnh mới gắp hết dị vật ra ngoài. Rất may, trường hợp bé Hoàng được phát hiện và xử lý kịp thời nên chưa để lại di chứng nặng nề.

Ảnh hưởng tim mạch và tắc ruột

Theo BS Hoàng Lê Phúc - Trưởng khoa Tiêu hóa BV Nhi Đồng 1, ở các nước tiên tiến trên thế giới, chỉ cần hai ca nuốt nam châm trở lên là đã cảnh báo tình trạng nguy hiểm cho cộng đồng. Nhiều trẻ có thể nuốt từng viên bi cứng và nuốt vào bụng năm-bảy viên, nhưng bé vẫn đi tiêu ra được, còn đặc tính của nam châm hoàn toàn khác. Khi trẻ nuốt một mảnh nam châm dù tròn trịa, không sắc nhọn, rồi lại nuốt thêm một vài mẩu đồ chơi bằng sắt, vào trong bụng chúng sẽ hút dính vào với nhau tạo thành một khối to, gây tắc ruột. Đó là chưa kể có bé nuốt hai mảnh nam châm, hai mảnh này hút nhau qua thành ruột và ép ruột vào giữa. Từ tính của nam châm gây ảnh hưởng tới tim khi mắc tại thực quản, bởi thực quản nằm ở phía sau tim.

BS Phúc khuyên phụ huynh cần cảnh giác khi trẻ chơi đồ chơi có nam châm, kim loại. Nếu con lỡ nuốt phải, cần bình tĩnh xác định chính xác dị vật nuốt là gì và đưa ngay tới bệnh viện kiểm tra, xử lý. Khi trẻ có các dấu hiệu sau khi nuốt dị vật như: nôn ói, ói dây máu, đau bụng, quấy khóc, da xanh tái, lạnh tay chân thì cần cấp cứu ngay. BS sẽ thăm khám, cho trẻ chụp X-Quang để xác định vị trí dị vật. Tùy từng trường hợp mà có cách xử trí khác nhau. Nếu dị vật nguy hiểm, độc hại, sắc nhọn, có từ tính, năng lượng cần lấy ra càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, nếu dị vật nhỏ, có thể đi tiêu ra được, bệnh nhân sẽ được cho theo dõi chờ tới khi dị vật được thải ra ngoài.

Tất cả các dị vật đường tiêu hóa, chỉ có thể nội soi gắp ra khi chúng chưa di chuyển sang dạ dày. Nếu dị vật đã lọt vào tá tràng thì phải mổ hở. Ngay cả khi nội soi gắp dị vật các BS cũng rất cân nhắc, bởi em bé cần gây mê, ít nhiều có nguy cơ xấu với sức khỏe.

Khi nuốt dị vật, trẻ không được phát hiện, xử trí kịp thời bé có thể phải chịu các di chứng như: trầy xước niêm mạc ruột, dạy dày, lủng ruột, lủng dạ dày, xuất huyết nội, sốc và tử vong. Ngay các BS lúc tiếp nhận một ca nuốt nam châm cũng cần thận trọng. Dù bệnh nhi chưa có dấu hiệu nguy hiểm vẫn nên cho nhập viện theo dõi, tránh để trẻ vô tình nuốt thêm các mảnh sắt hay các vật có từ tính khác, khiến tình trạng thêm nặng nề.

Mỗi năm, BV Nhi Đồng 1 tiếp nhận từ 20-30 trường hợp nuốt dị vật phải nội soi cấp cứu.

Thanh Huyền

(*) Tên bệnh nhi đã được thay đổi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI