Trẻ nuôi con, già chăm cháu

08/03/2019 - 16:56

PNO - Có người hơn 70 tuổi vẫn phải vất vả cưu mang cháu nội, cháu ngoại của mình. Họ ở cùng những đứa cháu bệnh tật, nằm hành lang khoa Thận – Nội tiết của Bệnh viện Nhi đồng 2.

Có người hơn 70 tuổi vẫn phải vất vả cưu mang cháu nội, cháu ngoại của mình. Họ ở cùng những đứa cháu bệnh tật, nằm hành lang khoa Thận – Nội tiết của Bệnh viện Nhi đồng 2.

Ngày Quốc tế phụ nữ 8/3, chúng tôi vào Bệnh viện Nhi đồng 2. Nhìn vẻ âu lo trên khuôn mặt của những bà ngoại, bà nội tóc bạc vì con, vì cháu, chúng tôi hiểu rằng, ngày hôm nay cũng là một ngày tảo tần lo toan như bao ngày. Tuổi cao, sức yếu nhưng họ thay cho những người mẹ, người cha chăm sóc em nhỏ bị bệnh thận. 

Tre nuoi con, gia cham chau
Một người bà chăm cháu trong phòng chạy thận nhân tạo Bệnh viện Nhi đồng 2

Mong còn sống để nuôi cháu ngoại 

Hành lang khoa Thận – Nội tiết, Bệnh viện Nhi đồng 2 với những chiếc ghế xếp, chiếc võng, những bộ quần áo con nít đong đưa…từ lâu như một căn nhà tá túc của những gia đình từ phương xa về đây chăm bệnh. Trong số này, có đến phân nửa là những bà nội, bà ngoại chăm cháu bị bệnh thận. Ở đây lâu, mọi người xem nhau như người nhà. Hôm nay, 8/3 cả nhà đón một trường hợp mới. Đó là ông bà ngoại ở Châu Đốc, An Giang đưa cháu nhập viện vì bị phù do suy thận. Thấy ông bà ngoại đã già, mọi người xúm lại hỏi chuyện, hướng dẫn cách xin cơm, cách chăm sóc trẻ bị suy thận. Có người nuôi con bệnh cũng lại cho ông bà ngoại chút tiền mua sữa, mua cơm cho cháu gái.

Tre nuoi con, gia cham chau
Bà ngoại Nguyễn Thị Ngọc (An Giang) vừa mới "gia nhập" nơi chăm trẻ chạy thận nhân tạo ở hành lang Bệnh viện Nhi đồng 2

Bà ngoại Nguyễn Thị Ngọc (70 tuổi) xanh mặt khi nghe bác sĩ cảnh báo: nếu đưa cháu gái Nguyễn Huy Diệu Phúc, 6 tuổi đến trễ 2 ngày nữa, đã có thể không cứu mạng được vì suy thận nặng. Cũng đã già cả nhưng vợ chồng bà Nguyễn Thị Ngọc gánh thêm bao nhọc nhằn vì con gái út của bà cách đây 3 năm, tự nhiên bỏ nhà đi. Bỏ đi theo kiểu trốn 2 đứa con. Đứa con trai bị bệnh tim, đứa con gái bị hội chứng thận hư. Ba của 2 đứa thì chết khi bé gái mới được 1 tháng.

Lấy từ giỏ xách ra một đống thuốc, bà ngoại Nguyễn Thị Ngọc nói hôm qua, vội đưa cháu đi cấp cứu nên quên mất là thuốc nào với thuốc nào, từ cao huyết áp cho đến tiểu đường.

Tre nuoi con, gia cham chau
Bà ngoại Ngọc chỉ mong đừng chết sớm bỏ lại cháu gái bơ vơ

Nhìn đứa cháu gái khuôn mặt sưng húp vì cơ thể bị phù, bà ngoại Ngọc thút thít: “Tui chỉ ước gì còn được sống cho đến khi cháu nó 18 tuổi. Cho nó biết cuộc đời là gì. Chứ tui mà chết thì nó bụi đời, tội nghiệp nó quá”. Ở quê, bà dù 70 tuổi nhưng ai thuê ai mướn gì cũng làm, từ giặt đồ, lau nhà, ủi đồ cho đến…cạo gió. Còn ông ngoại 71 tuổi vẫn gật đầu chấp thuận nếu ai đó thuê khuân vác.

Chăm cháu 10 năm, nhà sập vì lâu rồi không ở

Bà Hồ Thị Ngọc (71 tuổi, thị trấn Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) buộc lại mái tóc cho cháu nội Nguyễn Hồng Cẩm, 15 tuổi trước khi cho em vào phòng chạy thận nhân tạo. Buổi trưa ở Bệnh viện Nhi đồng 2, nhiệt độ có phần oi bức nhưng với trẻ chạy thận, cảm giác khó chịu hơn trẻ bình thường. Vì thế, mỗi lần vào phòng chạy thận có máy lạnh là mỗi lần bọn trẻ vô cùng thích thú.

Tre nuoi con, gia cham chau
Nhà đã sập và hành lang bệnh viện là nơi tá túc của vợ chồng bà Hồ Thị Ngọc

Trở ra hành lang, bà Ngọc liền tay dỗ dành em Nguyễn Thị Mỹ Ly (3 tuổi, bị hội chứng thận hư). Ly là em gái của Cẩm. Cả hai chị em đều bị suy thận. Bác sĩ nói rằng bé Ly rồi cũng sẽ như chị gái, một thời gian nữa phải chạy thận nhân tạo thôi. Nghe bác sĩ thông báo như vậy, bà Ngọc chỉ biết nén tiếng thở dài vì đã quen rồi những sự cố trong cuộc sống. Vợ chồng bà từ quê lên TP.HCM nuôi cháu nội là bé Hồng Cẩm bị suy thận đã gần 10 năm, sau đó tiếp tục nuôi thêm em gái của Cẩm.

Tre nuoi con, gia cham chau
Mái ấm của ông bà nội và hai đứa cháu bị suy thận

Ba mẹ của hai đứa cháu nội làm công nhân giày da ở Thủ Đức (TP.HCM), phải tăng ca liên tục mới đủ tiền lo cho cả nhà. Căn nhà của vợ chồng bà Ngọc đã sập vì lâu rồi không ở, mối mọt ăn hết rồi còn đâu, bà Ngọc vừa nói vừa cười.

Một phần cơm đăng ký ở Bệnh viện Nhi đồng 2 là 60 ngàn đồng/ngày nhưng để cho tiết kiệm, bà Ngọc quyết định xin cơm rồi mang bếp ga ra lề đường để làm các món trứng luộc, trứng chiên cho 2 đứa cháu nội. Mỗi tháng, cha mẹ lũ trẻ mới lên thăm con một lần. Vậy là ông bà nội tự lo cho cháu tất cả mọi việc, từ ăn uống, thuốc men đến giặt giũ phơi phóng quần áo. Có lần bệnh viện không cho ở, cả nhà lại dắt díu nhau xuống ở nhờ một mái ấm ở Thủ Đức, TP.HCM. Thương cháu, bà Ngọc nói rằng dù có không nhà, không cửa nhưng cháu mình bệnh, có đi đâu thì vợ chồng bà cũng đi theo chăm sóc, không bao giờ bỏ.

Tre nuoi con, gia cham chau
Bên trong phòng chạy thận, bà nội Nguyễn Thị Nguyệt (71 tuổi, Phú Yên) chăm cháu gái chạy thận đã 8 năm ở BV Nhi đồng 2

Nhìn những mái đầu bạc lui cui chăm cháu, có người trẻ chép miệng: “Cháu bà nội tội bà ngoại”. Nhưng thật ra, ở đây, cháu bà nội nhưng bà nào cũng tội. Chỉ cần là phụ nữ, làm sao có thể bỏ quên thiên chức làm mẹ, dù có tuổi cao sức yếu.

Hiếu Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI