Tôi đang muốn phát điên. Đứa con trai vốn ngoan hiền nhưng chỉ trong một tháng đã biến thành người khác: ngỗ nghịch, ương bướng, luôn cãi lại cha mẹ. Từ chỗ tự hào vì con ngoan, giờ tôi có thể bùng nổ bất cứ lúc nào khi nó bảo sẽ không đi học thêm Anh văn mà dành thời gian học võ, sẽ tự đi xe đạp đến trường mà không cần ba đưa đón. Nó trả treo “mẹ hay càm ràm như bà già khó tính”, “ba cộc cằn và thô lỗ, không nói được một câu tử tế” khi vợ chồng tôi bảo con phải làm thế này thay vì thế kia như cách của nó.
|
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet |
Đâu rồi một đứa trẻ luôn ngoan ngoãn vâng lời? Nếu không cãi lại thì nó cũng lầm lì, đóng cửa phòng không trả lời ai. Tôi vẫn biết con mình đang bước vào tuổi teen, độ tuổi ẩm ương, nhưng thử hỏi, làm mẹ mà khi mắng “cá không ăn muối cá ươn, tại sao con luôn cãi lời mẹ cha?” thì nó độp lại ngay “cá không ăn muối cũng chẳng ươn, đã có urê, nước đá, mẹ khỏi lo” rồi bỏ đi. Tôi phải làm sao với đứa trẻ này? Không khéo tôi mất con vì không dạy bảo được.
Chị Trần Linh Diệp Thủy
(P Linh Chiểu, Q.Thủ Đức)
Đừng "bắt giữ con tin", hãy là "người đàm phán"
Tôi thấy chị có tất cả đặc điểm của một kẻ “khủng bố” khi biến con mình thành “con tin”: kiểm soát, áp đặt, đe dọa khi yêu cầu trẻ nhất nhất phải theo ý mình. Khi trẻ còn nhỏ, chúng chưa có suy nghĩ độc lập nên phụ thuộc vào cha mẹ - ngoan ngoãn vâng lời. Nhưng bước vào tuổi dậy thì 13-15 tuổi, những thay đổi về sinh lý, sự phát triển tâm lý cùng nhận thức khiến chính trẻ cũng bối rối, lúng túng nên rất dễ bị kích động. Nếu chị luôn sử dụng phương pháp yêu cầu, đòi hỏi, áp chế thì trẻ lại càng phản ứng mạnh.
Tôi là bà mẹ của cô con gái 13 tuổi. Thay vì nổi khùng trước những trò chướng của cháu, tôi đặt mình vào vai “người đàm phán”. Thay vì nói “con phải làm thế này”, tôi hỏi “con sẽ ứng xử thế nào về việc này”, “con sẽ làm chứ” và tiếp tục nghe cháu nói, bàn bạc để tìm ra cách hay nhất, phù hợp với con mà vẫn đạt tiêu chí tích cực. Đôi khi tôi cũng phải thỏa hiệp, lùi lại một bước để lắng nghe và hiểu con, nhờ vậy tôi cũng điều chỉnh cách nghĩ của mình cho phù hợp với giới trẻ. Tất nhiên, rất nhiều lần tôi cũng muốn điên lên như chị, khi con cãi leo lẻo dù nó sai.
Nhưng nếu như con đã chướng, mình cũng nóng lên thì chẳng ai nghe ai nữa. Những lúc ấy, tôi cố kìm lại, bình tĩnh nghe con và chia sẻ với cháu. Nhờ vậy mà mẹ con tôi giờ như bạn bè, cháu thích kể mọi chuyện cho mẹ nghe. Dù bất đồng vẫn xảy ra giữa mẹ con tôi, nhưng chúng tôi tranh luận chứ không cãi vã, hiểu nhau chứ không áp đặt hay chống đối. Hy vọng chị cũng giữ được cái đầu lạnh để “ứng phó” với con bằng trái tim ấm nóng của người mẹ.
Chị Văn Minh Hằng
(Tân Kỳ, Tân Quý, Q Bình Tân)
Tôn trọng và tin tưởng trẻ
Khi con gái tôi bước vào tuổi dậy thì, cứ như sau một đêm cháu biến thành người khác: từ nhõng nhẽo, hiền lành thành cô gái ương bướng. Cháu la mắng đứa em trai sáu tuổi vì bất cứ chuyện gì, dù trước đó hai chị em rất thương nhau. Vợ tôi hỏi gì cháu cũng gắt gỏng, tự làm theo ý mình. Cứ nghĩ nhà mình bắt đầu thời kỳ chiến tranh khi xuất hiện “ngựa chướng”, nhưng hóa ra mọi việc khá êm ả, tất cả là nhờ vợ tôi lắm “chiêu”. Cô ấy đả thông tư tưởng cho tôi, rằng “giờ con gái bắt đầu chứng tỏ mình đây, thế là con muốn được độc lập, được người lớn tôn trọng đấy, vợ chồng mình phải xem xét đến các “quyền” của nó, tin tưởng nó chứ đừng gạt phăng đi, đừng cho rằng chỉ có cha mẹ mới đúng thôi
nha anh”.
Vậy là vợ chồng tôi họp gia đình, nói rõ với con về việc “cha mẹ rất tôn trọng và tin tưởng con, rằng con là một đứa trẻ ngoan, một cô gái tốt, tuy con chưa thực sự trưởng thành nhưng cả nhà sẽ ủng hộ những quan điểm, hành động tích cực của con; ngược lại, gia đình sẽ giúp con tránh xa rắc rối từ những việc sai trái. Vậy nên, con hãy mạnh dạn chia sẻ với cả nhà mình nhé”. Con gái tôi ngỡ ngàng nhưng sau đó rất tin cậy cha mẹ, cháu thường nêu ý kiến của mình để được chúng tôi góp ý. Đôi khi cháu làm sai như lầm tưởng mình có quyền đi chơi khuya, có quyền dự họp phụ huynh thay cha mẹ, vợ chồng tôi không mắng mà nhẹ nhàng giải thích cho con hiểu giới hạn về “quyền” của cháu. Tôi nghĩ, ở tuổi dậy thì, trẻ rất mong cha mẹ, người lớn tin tưởng mình, đây là mong muốn chính đáng cần được tôn trọng.
Anh Lương Vĩ An
(Đường Nguyễn Thiện Thuật, Q Bình Thạnh)
Cha mẹ cần thay đổi
Người ta thường gọi giai đoạn chuyển tiếp từ trẻ con sang người lớn là thời kỳ nổi loạn, tuổi nổi loạn. Vậy nên không có gì ngạc nhiên khi con bạn bỗng chốc trở nên khó bảo, ương bướng, sẵn sàng gây hấn với cha mẹ và bất cứ ai. Nếu bạn càng can thiệp sâu, tình hình càng thêm căng thẳng.
Cha mẹ cần hiểu rằng bên cạnh sự thay đổi sinh lý khiến trẻ phải thích ứng với cơ thể mình, tâm lý và nhận thức của trẻ cũng thay đổi theo, dễ kích động, bất ổn. Do nhận thức của trẻ còn non nớt nhưng nóng vội muốn khẳng định, muốn độc lập nên khiến trẻ rất cực đoan và dễ phản kháng nếu gặp phải sự áp đặt. Trẻ không thích bị chỉ dạy, khuyên răn như trước, điều đó khiến chúng thấy mình bị trói buộc, mất tự do và càng thêm bức bối, dẫn đến chuỗi phản kháng liên tục.
Hiểu được nguyên nhân sự nổi loạn của trẻ, cha mẹ cần thay đổi cách nhìn, cách hiểu con để làm bạn, không đối đầu với trẻ. Thay vì làm người dẫn dắt, chỉ bảo như khi con còn nhỏ, cha mẹ hãy làm người đồng hành, khích lệ con khi chúng bày tỏ suy nghĩ hoặc hành động. Chính qua trải nghiệm, trẻ sẽ tự rút kinh nghiệm, học hỏi và lớn lên.
Là người đồng hành, cha mẹ chia sẻ với con kinh nghiệm của mình, đưa ra lời khuyên, hỗ trợ khi trẻ cần. Hãy nhìn nhận trẻ trong một không gian mới, cởi mở và độc lập. Thay vì phản đối, hãy đưa ra lời khuyên; thay vì phán xét, hãy đưa ra nhận xét; thay vì nóng giận, hãy nhẹ nhàng cho trẻ hiểu, cha mẹ luôn yêu thương và tin tưởng con. Bạn sẽ cùng trẻ sẽ đi qua giai đoạn nhạy cảm này một cách vui vẻ và cùng con trưởng thành.
Thạc sĩ tâm lý Trần Thiên Linh
Mi Hân
Thực hiện