Trẻ nói leo

26/07/2016 - 16:36

PNO - Trẻ nói leo vì muốn người khác chú ý đến mình, háo hức bày tỏ quan điểm mà bé nghĩ mình có thể tham dự vào câu chuyện của người lớn.

Biết được nguyên nhân của tật nói leo, cha mẹ sẽ dễ dàng ứng xử với bé hơn.

Bé Hà, con gái năm tuổi của tôi rất lanh lợi, tự tin. Bé nói sõi từ năm lên hai tuổi và biết cách sử dụng câu, từ đúng ngữ cảnh, đúng người, đúng chuyện. Người quen thường đùa gọi bé là “bà cụ non” vì tính lý sự của cháu. Thế nhưng tôi lấy làm phiền khi con gái thường nói leo, xen vào giữa câu chuyện của người lớn. Nhiều lần cháu làm tôi xấu hổ với khách, khi mọi người đang trò chuyện thì bé lại “nhảy xổ” vào kéo tay, kéo áo khách rồi líu lo đủ chuyện. Thậm chí cháu còn tham gia bình luận, nêu ý kiến về đề tài mà người lớn đang bàn, tất nhiên là chẳng đâu vào đâu. Bực quá, tôi quát thì cháu lăn ra khóc. Giận quá, tôi đánh cháu hai roi, tưởng bé sợ nhưng chứng nào tật đó, cháu vẫn leo lẻo xen ngang. Tôi phải làm sao để bé không cắt lời người lớn?

Chị Quách Thu Nguyệt (Q.5, TP.HCM)

Chị Trịnh Xuân Tâm (cứ xá Đô Thành, Q.3): Quát mắng, ánh trẻ là giải pháp tồi

Thấy rõ là chị bất lực với tật nói leo của bé Hà. Bé vốn lanh lợi, tư duy tốt nên thích tranh luận, nêu ý kiến và ở tuổi lên năm, đứa trẻ nào cũng muốn được người khác chú ý đến mình, nhất là khi có người lạ. Con gái chị thích xen vào chuyện của người lớn là vậy. Chị vội cho là bé vô phép, khó dạy và đánh mắng cháu thì thật sai lầm.

Bé háo hức muốn bày tỏ suy nghĩ của mình, chị nên dừng câu chuyện lại, lắng nghe xem cháu muốn gì. Nếu sau đó bé vẫn tiếp tục xen ngang loạn xạ để gây sự chú ý, chị nên giải thích cho bé rằng “mẹ đã lắng nghe con nói, bây giờ để mẹ nói chuyện với cô/bác nhé. Khi nào khách về, mẹ con ta sẽ lại trò chuyện”. Như thế bé sẽ hiểu mình được quan tâm và lắng nghe, bé cũng sẽ học được tính kiên nhẫn, biết chờ đợi và tôn trọng người khác. Đây là cách mà tôi áp dụng với đứa con trai bố n tuổi của mình, giờ cháu không “líu ríu” khi người lớn đang trò chuyện nữa.

Chị Lâm Thùy Minh (Đường Hồ Văn Huê, Q. Phú Nhuận): Dấu hiệu “bí mật” của mẹ con tôi

Con gái tôi “nổi tiếng” nói nhiều từ khi cháu bắt đầu học nói. Bà ngoại cháu bảo “con bé này miệng không kịp lên da non” vì chuyện gì cháu cũng xen vào, líu lo như chim. Ban đầu mọi người thấy ngộ nghĩnh nên cũng cười vui, nhưng đến khi người lớn nói một câu, cháu đã xen ngang hai câu rồi cứ đà ấy mà phát huy, khiến không ai nói chuyện được thì tôi thấy phải nghiêm khắc “trị bệnh” cho cháu. Tôi giải thích để cháu hiểu, nói leo là rất xấu, là không tôn trọng người lớn.

Tôi ra “quy ước” với con gái, rằng trong lúc người lớn nói chuyện, nếu cháu có điều muốn nói thì dùng ngón tay cái và ngón tay trỏ vòng lại làm thành chữ O, đưa lên miệng. Nếu tôi đồng ý để bé phát biểu thì sẽ xin lỗi khách ngừng cuộc trò chuyện để lắng nghe cháu. Nếu không, tôi sẽ dùng ngón trỏ đưa lên miệng ra dấu “suỵt”. Hiểu ý mẹ, bé sẽ ra chỗ khác chơi, không quấy rầy người lớn nữa.

Thành Lê (thực hiện)

Tre noi leo
Ảnh mang tính minh họa: Internet

Dạy trẻ cách giao tiếp lịch sự 

Người lớn thường kết tội một đứa trẻ có tật nói leo là hỗn láo, nhưng thật ra trẻ chỉ muốn người khác chú ý đến mình, khẳng định sự có mặt của mình, hoặc do trẻ quá háo hức muốn bày tỏ quan điểm mà bé nghĩ mình có thể tham dự vào câu chuyện của người lớn. Cũng có trường hợp, thấy con nhanh nhẹn, khả năng ngôn ngữ tốt, cha mẹ thường để bé “vô tư phát biểu” trong cuộc trò chuyện của người lớn, dần dà thành thói quen khó bỏ.

Dù bực mình vì trẻ cứ xen ngang câu chuyện, làm bạn mất mặt với khách, nhưng cha mẹ cần tránh la mắng, đánh trẻ, điều này chỉ khiến bé trở nên ương bướng, đối đầu và nói leo nhiều hơn nhằm buộc người lớn phải lắng nghe mình. Bạn nên bình tĩnh dừng câu chuyện của mình, ban đầu là tìm hiểu xem con muốn bày tỏ gì, nếu được nên giải quyết ngay điều bé cần (muốn uống sữa, ăn trái cây, đi vệ sinh, xem ti vi… - những nhu cầu nảy sinh bất chợt ở trẻ để tạo sự chú ý); sau đó cha mẹ nên giải thích để con hiểu, xen ngang cuộc trò chuyện của người khác là một việc không đẹp.

Nhưng nếu bé có việc cần bày tỏ ngay thì sao? Ngoài việc đặt ra quy ước bí mật như cách của mẹ con chị Minh ở trên, bạn nên dạy trẻ cách xin phép trình bày: “Xin lỗi mẹ, có điều này con muốn nói ạ”, “Mẹ ơi, con xin phép cắt ngang một chút ạ”… Như vậy bé sẽ phân biệt được giữa tật nói leo là xấu với việc xin phép phát biểu là một cách giao tiếp lịch sự. Để bé học hỏi điều này, các thành viên trong gia đình cũng cần thường xuyên thực hiện, tạo thành một thói quen tốt.

Khi nhà có khách, bạn cần hướng trẻ đến hoạt động riêng, phù hợp độ tuổi như chơi trò chơi, xem hoạt hình, nghe bà kể chuyện… Khi “bận rộn” với thế giới riêng của mình, trẻ sẽ không quấy rầy người lớn. Với bé có tật nói leo, bạn cần kiên nhẫn uốn nắn trẻ một cách nhẹ nhàng. 

ThS tâm lý Trần Thiên Linh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI