Trẻ nhiễm hành động xấu từ mạng, truyền hình

01/04/2023 - 06:46

PNO - Gần đây, đoạn video thu hút hơn 100 triệu lượt xem trên nền tảng xã hội Weibo và Douyin tại Trung Quốc cho thấy, một bé gái 7 tuổi ở tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) cố ý ném cậu bé hàng xóm 4 tuổi xuống giếng lúc cả hai đang chơi đùa. Vì sao bé gái làm như vậy?

 

Xem quá nhiều truyền hình trên điện thoại thông minh và ti vi có thể khiến trẻ tiếp cận những nội dung không lành mạnh - ẢNH: GETTY IMAGES
Xem quá nhiều truyền hình trên điện thoại thông minh và ti vi có thể khiến trẻ tiếp cận những nội dung không lành mạnh - Ảnh: Getty Images

Cả khi bé trai cố gắng bám lấy thành giếng, bé gái đã gỡ tay của bé trai ra để đứa trẻ rơi xuống giếng nước sâu khoảng 5 mét, sau đó giả vờ như không có chuyện gì xảy ra khi một người đi xe máy chạy ngang. Tuy bé trai đã được giải cứu nhưng vụ việc khiến nhiều người phẫn nộ và lo lắng. Khi được hỏi lý do tại sao lại “nghịch dại”, bé gái hồn nhiên trả lời rằng mình chỉ bắt chước 1 bộ phim truyền hình. 

Tại Anh, báo cáo năm 2022 của cơ quan quản lý cạnh tranh trong ngành phát thanh truyền hình, viễn thông và bưu chính (Ofcom) cho biết, gần như tất cả trẻ em nước này đều lên mạng vào năm 2021 (99%), với phần lớn sử dụng điện thoại di động (72%) hoặc máy tính bảng (69%). Trong số tất cả các loại nền tảng trực tuyến, YouTube được trẻ em sử dụng rộng rãi nhất, kế đến là TikTok.

Trước đây, nghiên cứu chỉ ra rằng việc xem ti vi có thể có tác động tích cực đến trẻ em, thay đổi hành vi và thái độ ở tuổi trưởng thành. Từ phim ảnh đến chương trình hoạt hình, một số kênh truyền hình được dành riêng để tạo nội dung giáo dục và thông tin cho khán giả, đặc biệt là trẻ em. Tuy nhiên, không may là những tác động tiêu cực dường như nhiều hơn những tác động tích cực khi phụ huynh không chú ý đến. 

Bác sĩ nhi khoa Neema Shrestha - Bệnh viện Quốc tế Grande (Nepal) - cho biết: “Các chương trình truyền hình chiếu nội dung bạo lực có thể tác động tiêu cực đến hành vi của trẻ. Đôi khi, các chương trình dành cho trẻ em cũng có thể chứa nội dung không phù hợp với lứa tuổi của chúng". Bên cạnh việc thúc đẩy hành vi hung hăng, việc tiếp xúc sớm với nội dung không phù hợp bao gồm tình dục, rượu và chất gây nghiện... sẽ khiến trẻ hình thành cái nhìn sai lệch về những vấn đề này.

Từ đó, các chương trình truyền hình, nội dung trên internet góp phần khiến khán giả trẻ nhìn méo mó về cách thế giới vận hành và cách mọi người cư xử. Michael C. Roberts - giáo sư và Giám đốc Chương trình Tâm lý Trẻ em Lâm sàng tại Đại học Kansas (Mỹ) - cho biết, một số nghiên cứu đã liên hệ truyền hình với sự thiếu tập trung, đồng thời tiết lộ mối tương quan tiêu cực giữa điểm kiểm tra và số giờ xem các chương trình qua màn ảnh.

Ngoài ra, các bậc cha mẹ cũng phàn nàn về nội dung của một số chương trình nhất định, cho rằng ngay cả chương trình “thân thiện với trẻ em” nhất cũng có thể đưa ra những giá trị trái ngược với những giá trị mà họ muốn truyền lại cho con cái.

Mặt khác, những đứa trẻ dành nhiều thời gian để xem truyền hình sẽ dành ít thời gian hơn cho các hoạt động thể chất. Xu hướng đó kết hợp với sự phổ biến của các quảng cáo thức ăn nhanh giữa chương trình có thể là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng béo phì. Ngoài ra, các nhà tâm lý học cho rằng, thói quen dành nhiều thời gian xem truyền hình, các video trên internet đe dọa sự gắn kết của gia đình, cản trở sự phát triển xã hội của trẻ em bằng cách giảm số lượng các cuộc trò chuyện giữa chúng và người thân.

Do đó phụ huynh cần quản lý việc trẻ em nên được phép xem ti vi hay lướt internet trong bao lâu, đồng thời chủ động lựa chọn những loại chương trình truyền hình và nội dung kỹ thuật số nào phù hợp với lứa tuổi của con mình. Phụ huynh hãy cùng con tham gia các hoạt động khác, đặc biệt là đọc sách, vui chơi ngoài trời. 

Linh La (theo SCMP, Mom Junction, CNN)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI