Trẻ nhiễm 'H': Đường về quá xa

01/12/2018 - 15:40

PNO - Nhiều trẻ nhiễm "H" bị đẩy vào con đường tăm tối. Có em mạnh mẽ đứng dậy, nhưng cũng có em trượt dài với nhiều bi kịch.

Không được gia đình chấp nhận giới tính, ra đời lao động sớm, bạn bè rủ rê chơi ma túy, bị lạm dụng tình dục… những con đường tối tăm ấy đã đẩy nhiều đứa trẻ vào thế giới “H”. Có em mạnh mẽ đứng dậy, nhưng cũng có em trượt dài với nhiều bi kịch. 

Những cú trượt không phanh

Sáng 20/11, tin M. chọn ra đi ở tuổi 17 sau khi phát hiện dương tính với HIV khiến chị Bội Nhi - thành viên nhóm cộng đồng Mylife - bật khóc. Chị nói, hơn ba năm tiếp cận, hỗ trợ tâm lý, chuyển gửi điều trị cho các bạn trẻ thuộc nhóm chuyển giới, nghiện ma túy, quan hệ tình dục đồng giới nam… chưa bao giờ chị thấy mình bất lực đến thế. Cách đây không lâu, M. tìm đến chị vào một tối muộn với dòng tin nhắn “chị ơi, em cần được giúp đỡ”. 

M. trọ ở Q.8 (TP.HCM), sớm bộc lộ “chất nữ” trong cơ thể nam. Khao khát được phẫu thuật chuyển giới, M. trốn gia đình ra đường hành nghề nhạy cảm từ tháng 8/2017. Một thời gian sau, em phát bệnh sùi mào gà, điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới nhiều lần nhưng chưa khỏi. Căn bệnh khiến M. đau đớn, hoang mang, không đi làm được, cũng không dám chia sẻ với ai. Và, kết quả xét nghiệm HIV dương tính dường như là cú đấm thật sự vào tâm hồn vẫn còn non nớt của em. “M. sợ hãi, hỏi tôi em còn sống được bao lâu nữa, HIV có chữa khỏi không. Em vẫn chưa thực hiện được giấc mơ phẫu thuật chuyển giới, còn tôi đã không thể nắm chặt tay em, đau lắm!”, chị Bội Nhi tâm sự. 

Từ Tây Ninh, L. rời nhà, khăn gói xuống TP.HCM xin phụ việc trong cửa hàng thời trang. Ở cái tuổi ăn chưa no, lo chưa tới, lại chỉ có một thân một mình, nghe nhóm bạn cùng làm rủ đi bar cho biết mùi đời, L. đồng ý ngay. Cái gật đầu hôm ấy không ngờ khiến cuộc đời L. trượt dài. Dụ dỗ L. chơi ma túy xong, cả nhóm bạn đã hùa nhau lạm dụng tình dục khi em đang không tỉnh táo. Hận bạn, hận mình, L. buông xuôi. Đỉnh điểm là khi em phát hiện bị giang mai. Mặc dù được các anh chị đồng đẳng viên tiếp cận, an ủi, hỗ trợ điều trị, nhưng L. đinh ninh tương lai của mình đã khép lại, không còn gì để mất. Từ cậu bé quê nghèo non nớt, làm việc chăm chỉ với khát vọng đổi đời trên đất khách, L. chuyển sang hành nghề mại dâm nam khi chưa tròn 16 tuổi. Cũng như M., không biết bị lây nhiễm từ ai, lúc nào, kết quả HIV dương tính ập đến L. Sau những căm hận và chông chênh, L. quyết định tuân thủ điều trị thuốc ARV. Mong một ngày không xa, em sẽ tìm lại được niềm vui trong cuộc sống. Bởi, HIV không phải “án tử”, em còn rất trẻ, mọi thứ đều có thể làm lại từ đầu, từ việc trở về nhà trong vòng tay gia đình. 

Tre nhiem 'H': Duong ve qua xa

Những buổi truyền thông sức khỏe về HIV/AIDS là những hoạt động hỗ trợ thiết thực với người nhiễm HIV.

Chừng nào mới dám về nhà?

Đã ba năm kể từ ngày P. bỏ nhà đi, thuê phòng trọ ở cùng nhóm bạn, đường về của em vẫn còn là một dấu chấm hỏi. Việc P. bộc lộ “chất nữ” ngay từ khi còn học cấp II đã khiến cả nhà bao phen rối như canh hẹ. Trong khi em chỉ mong được sống như một đứa con gái thì điều đó lại như một sự sỉ nhục với gia đình. Đánh đập, mắng nhiếc, xa lánh, P. nếm đủ hết. Tuổi 15, uất ức, bốc đồng, P. bỏ học, rời nhà với hai bàn tay trắng. Ra đi không kế hoạch, không tiền bạc, em bị cuốn vào cơn lốc mưu sinh. P. chọn những con đường, những hàng cây làm chỗ kiếm cơm. “Tôi gặp và khuyên P. đi xét nghiệm. Quá khó để chấp nhận việc mình nhiễm HIV, P. bỏ trốn, không chịu điều trị. Cả tháng ròng, ngày nào tôi cũng lang thang trên đường Lý Thường Kiệt, Q.11 tìm em”, chị Bội Nhi chia sẻ. 

Hiện, P. đang tuân thủ điều trị ARV. Em xuống TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai thuê nhà trọ ở cùng những người bạn đồng cảnh. Nhà trên Q.5 (TP.HCM), không quá xa, đôi lần P. về, nhưng không dám vào, vì sợ. Với P., đường sá bụi bặm, tăm tối và nhà mình như hai thế giới. Em bảo chừng nào thật sự thành công sẽ mạnh dạn về nhà. Mà, cái cột mốc “chừng nào” nghe sao xa xăm. 

Dù là lựa chọn của bản thân hay bị đẩy ra đời lao động sớm, rất nhiều trẻ ở độ tuổi 13-17 đã bị căn bệnh HIV gõ cửa theo những cách hết sức đau đớn. Thuê nhà trọ, khách sạn ở chung 5, 7 người, sẵn sàng lao vào nhau làm “chuyện người lớn” mà không có bất cứ biện pháp bảo vệ nào, đến khi biết mình lây nhiễm HIV, các em như chới với giữa vực sâu, ngó phía nào cũng tối tăm. n

Chị Bội Nhi chia sẻ: “Tôi hy vọng sẽ có nhiều chương trình truyền thông sâu rộng ngay từ cấp trung học cơ sở về phòng, chống HIV/AIDS, về giới tính cho các em học sinh. Có kiến thức, kỹ năng chăm sóc, bảo vệ mình sẽ giúp các em tránh được những cạm bẫy khi ra đời. Giai đoạn 13-17 tuổi, tâm lý các em còn chông chênh, rất cần tình yêu thương, sự cảm thông, thấu hiểu từ phía gia đình. Đừng để các em bơ vơ dẫn đến những hành động dại dột”. 

Thảo Nguyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI