Trẻ nhập viện vì bệnh sởi tăng

31/07/2024 - 16:46

PNO - Số ca mắc bệnh sởi ở trẻ em đang tăng, đặc biệt có những trường hợp biến chứng viêm phổi. Nhiều bé không được phát hiện bệnh sớm do các triệu chứng ban đầu khá mơ hồ. Thực trạng này phần lớn là do trẻ chưa được tiêm phòng đầy đủ.

Sởi tiếp tục tăng

Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thành Đạt - Phó trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TPHCM) - cho biết, số ca bệnh sởi tại bệnh viện tăng nhanh từ tháng Sáu. Từ đầu năm 2024 tới nay, bệnh viện tiếp nhận 26 trường hợp sởi. Trong đó, 9 trường hợp là ngoại trú, còn lại là nội trú. Chỉ riêng tháng Sáu, bệnh viện đã tiếp nhận 11 trường hợp sởi và tháng Bảy là 15 trường hợp sởi. Như vậy, số ca sởi tại đây bắt đầu được ghi nhận từ tháng Sáu và vẫn đang có dấu hiệu tăng.

Một trường hợp phát ban do sởi đang điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 - ẢNH: N.T.
Một trường hợp phát ban do sởi đang điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 - Ảnh: N.T.

Tính tới ngày 30/7, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TPHCM) đang điều trị 25 ca sởi nội trú, trong đó có 4 trường hợp nặng bị biến chứng viêm phổi. Những trường hợp nặng đa số là trẻ dưới 9 tháng tuổi. Ca mắc sởi được ghi nhận rải rác ở nhiều độ tuổi khác nhau. Bệnh nhi lớn nhất là 11 tuổi, nhỏ nhất là trên 6 tháng tuổi.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Dư Tuấn Quy - Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh của bệnh viện - cho biết, tất cả trường hợp mắc sởi đều chưa tiêm vắc xin hoặc không nhớ đã tiêm chưa. Bệnh nhi sởi phần lớn là từ các tỉnh, ít ghi nhận ca bệnh ở TPHCM. Một số bé nhập viện ở địa phương điều trị bệnh lý khác, vô tình phát hiện mắc sởi nên được chuyển về Bệnh viện Nhi Đồng 1.

Chị P.T.M. (26 tuổi, ngụ tỉnh Đồng Nai) chia sẻ, khi phát hiện con gái 9 tháng của mình trong miệng có những chấm trắng, chị tưởng con bị nhiệt miệng. Tuy nhiên, bé uống thuốc mãi vẫn không cắt được sốt. Lúc này, gia đình mới nghi ngờ con bị sởi. Đưa bé đến Bệnh viện Nhi Đồng 2, bác sĩ xác định mắc sởi rồi chuyển sang Khoa Nhiễm. Lẽ ra, bé chuẩn bị đến ngày tiêm ngừa mũi sởi đầu tiên lúc 9 tháng nhưng chưa kịp tiêm thì đã nhiễm bệnh.

Chị N.T.D. (ngụ tỉnh Tiền Giang) có con đang điều trị ở Bệnh viện Nhi Đồng 1 do bệnh sởi biến chứng. Con trai 15 tháng tuổi của chị hay bệnh vặt nên gia đình trì hoãn chưa cho tiêm vắc xin sởi. Giai đoạn đầu, bé sốt cao, ho nhiều, chảy mũi, mệt mỏi. Tiếp theo, bé phát ban đỏ nhưng vẫn không hạ sốt. Tình trạng bé trở nên nghiêm trọng sau khoảng 7-10 ngày kể từ khi nổi ban. Bé bắt đầu khó thở, tím tái, thở nhanh và rút lõm lồng ngực.

Lúc này, gia đình mới đưa bé tới bệnh viện gần nhà. Bé được chẩn đoán bị biến chứng viêm phổi do vi rút sởi. Ngay lập tức, bé được chuyển lên Bệnh viện Nhi Đồng 1, điều trị tích cực, gồm cung cấp ô xy, sử dụng kháng sinh để phòng ngừa bội nhiễm vi khuẩn và điều trị các triệu chứng như hạ sốt, giảm ho.

Phòng bệnh bằng vắc xin

Theo thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Đình Qui - Phó trưởng khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 2 - vi rút sởi lây chủ yếu qua đường hô hấp, ủ bệnh từ 7-21 ngày. Sau đó, bệnh nhân sẽ sốt và phát ban khởi phát từ sau gáy lan xuống lưng và lan ra phía mặt.

Ngoài ra, bệnh nhân sẽ kèm theo triệu chứng viêm lông, ho, sổ mũi và viêm kết mạc. Sởi dễ biến chứng viêm phổi. Rất nhiều trẻ mắc sởi nhập viện bị suy hô hấp, phải dùng kháng sinh, thời gian điều trị kéo dài. Bệnh viện Nhi Đồng 2 là tuyến cuối nên đa số các trường hợp sởi ở đây có mức độ từ trung bình tới nặng.

Bệnh sởi cũng là nhiễm siêu vi phát ban nhưng khác ban thông thường. Bệnh nhân sởi sốt cao liên tục và ban sẽ khởi phát từ sau gáy lan ra toàn thân kèm thở nhanh, thở gấp, thậm chí biến chứng về thần kinh như co giật. Nếu trẻ sốt 2-3 ngày rồi phát ban nhưng không hết sốt thì coi chừng đó là bệnh sởi. Khi phát ban xong rồi trên da trẻ sẽ để lại vết thâm, xám như vết hằn da hổ rất điển hình.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Hoàng Nguyên Lộc - Trưởng khoa Sức khỏe trẻ em Bệnh viện Nhi Đồng 2 - khuyến cáo, bệnh sởi lây lan rất nhanh, dễ xảy ra biến chứng viêm phổi hoặc viêm não hậu phổi. Tuy nhiên, bệnh sởi có thể phòng ngừa được bằng vắc xin. Trẻ từ 9 tháng tuổi sẽ bắt đầu tiêm mũi sởi đầu tiên. Đối với trẻ dưới 2 tuổi mới chỉ tiêm 1 mũi sởi lúc 9 tháng vẫn chưa được bảo vệ đầy đủ. Chính vì vậy, lúc trẻ được 18 tháng cần tiêm thêm 1 mũi sởi nữa. Lúc này, hiệu quả bảo vệ trẻ khỏi bệnh sởi của vắc xin sẽ lên tới trên 95%. Trong 6 tháng tuổi, trẻ em có đề kháng từ mẹ nên ít bị bệnh hô hấp. Sau 6 tháng tuổi, kháng thể từ mẹ giảm nên trẻ dễ bị lây bệnh hơn. Phụ huynh cần theo dõi để tiêm ngừa cho trẻ đầy đủ.

Nhận thấy nguy cơ bùng phát bệnh sởi tăng cao, Sở Y tế TPHCM đã ra công văn khẩn về việc đảm bảo công tác điều trị, dự phòng và giám sát bệnh sởi tới các bệnh viện trên địa bàn thành phố nhằm chủ động điều trị, phát hiện sớm và dự phòng các nguy cơ lây nhiễm, hạn chế bệnh bùng phát thành dịch.

Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI