Trẻ nhập viện vì bệnh hô hấp tăng cao

28/09/2023 - 06:15

PNO - Các bác sĩ cảnh báo, do thời tiết thất thường nên số trẻ mắc bệnh hô hấp tăng cao. Điều đáng lo là nhiều phụ huynh hiện vẫn giữ thói quen tự theo dõi và điều trị cho con như hồi dịch COVID-19, làm chậm thời gian can thiệp, trẻ bệnh nặng hơn.

Trẻ hen suyễn dễ trở nặng khi mắc mưa

Tại Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1 (TPHCM) hiện đang có hơn 300 trẻ nằm viện vì mắc bệnh đường hô hấp. Trong đó, khoảng 10 - 15% rất nặng, phải nằm cấp cứu thở ô xy. 70% bệnh nhi tới khám bệnh hô hấp được chẩn đoán viêm đường hô hấp trên, còn lại bị các vấn đề đường hô hấp dưới như viêm phổi, viêm tiểu phế quản.

Bác sĩ Khoa Hô hấp Bệnh viện Nhi Đồng 1 đang kiểm tra cho trường hợp nằm viện vì viêm phổi
Bác sĩ Khoa Hô hấp Bệnh viện Nhi Đồng 1 đang kiểm tra cho trường hợp nằm viện vì viêm phổi

Theo tiến sĩ, bác sĩ Trần Anh Tuấn - Trưởng khoa Hô hấp BV Nhi Đồng 1 - các bé bị viêm phổi thường do vi khuẩn, còn viêm tiểu phế quản đa phần do vi rút đồng nhiễm với vi khuẩn. Các bệnh nhi mắc bệnh hô hấp chủ yếu ở độ tuổi từ 24 tháng đến hết tiểu học. 

Điển hình là bé gái Đ.T.P.V. (16 tháng tuổi, ngụ tỉnh Long An) bị viêm phổi tái đi tái lại. Từ khi chào đời tới nay, bé đã phải nhập viện 7 lần vì viêm phổi. Cách đây 9 ngày, bé V. vừa xuất viện cũng vì viêm phổi. Mẹ đem bé gửi trẻ 2 ngày để đi làm thì thấy con xuất hiện triệu chứng ho trở lại. Đêm đến, V. bị khó thở, thở co kéo lồng ngực, thở rít nên được đưa lên BV Nhi Đồng 1 cấp cứu.

Bên cạnh tình trạng viêm phổi, các bác sĩ phát hiện bé có bệnh suyễn đi kèm. Đến nay, V. đã nằm viện điều trị được 7 ngày, sức khỏe ổn định, có thể xuất viện. Cha mẹ bé V. cần tuân thủ chỉ định điều trị dự phòng bệnh hen suyễn tại nhà để tránh hậu quả nghiêm trọng.

Còn bé P.Đ.T. (10 tuổi, ngụ quận 7, TPHCM) sau khi tham gia tiết học bơi do nhà trường tổ chức thì về nhà bị khò khè, thở rít, thở khó. Mẹ bé nghĩ con bị cảm, bèn tự mua thuốc cho uống nhưng các triệu chứng vẫn không thuyên giảm. Tới đêm, bé thở rất mệt, co kéo lồng ngực nên cha mẹ vội vàng đưa con tới BV. T. được chẩn đoán khởi phát cơn suyễn.

Bác sĩ cho biết đối với những trẻ có tiền sử hen suyễn không nên tiếp xúc với nước hồ bơi. Hóa chất khử khuẩn trong nước hồ bơi là tác nhân kích thích cơn hen suyễn khởi phát. 

Bác sĩ Trần Anh Tuấn cũng lưu ý trường học cần linh động khi tổ chức cho trẻ học bơi trong giai đoạn chuyển mùa này. Khi trời đang mưa thì nên hoãn bơi để học sinh tránh bị cảm lạnh. Không nên tổ chức bơi vào giữa trưa, do chỉ số tia UV trong ánh nắng lúc này rất cao, không tốt cho sức khỏe của trẻ.

Không nên tự cho trẻ thở ô xy tại nhà

Bên cạnh nguyên nhân thời tiết, bác sĩ Trần Anh Tuấn lưu ý bệnh hô hấp của trẻ ở thời điểm này còn là hệ lụy từ thời dịch COVID-19. Khi giãn cách, trẻ em ở trong nhà, không được tiêm chủng đầy đủ, ít bị lây nhiễm các bệnh hô hấp thông thường nên không tích lũy đủ kháng thể cần thiết để bảo vệ cơ thể lúc hòa nhập lại với cuộc sống bình thường.

Ngoài ra, nhiều phụ huynh vẫn còn giữ thói quen tự theo dõi, điều trị cho trẻ tại nhà như lúc đang giãn cách. Chẳng hạn như trường hợp của bé Đ.T.T.B. (4 tuổi, ngụ quận Tân Bình, TPHCM). Khi bé bị ho, sốt, thở rít thì mẹ lấy máy SpO2 mua từ hồi mùa dịch để đo nồng độ ô xy trong máu cho con. Thấy chỉ số giảm, người mẹ tiếp tục lấy máy tạo ô xy cho con thở. Sau khi được mẹ “điều trị”, bé B. vẫn sốt cao, khó thở nhiều hơn, phải nhập viện cấp cứu. Bác sĩ Trần Anh Tuấn cảnh báo, máy đo SpO2 dành cho người lớn, dùng trên trẻ nhỏ sẽ thiếu chính xác. Nếu cần thiết phải thở ô xy thì nhất định phải đưa trẻ vào viện, máy tạo ô xy tại nhà sẽ không đủ nồng độ cần thiết.

Bác sĩ Trần Đắc Nguyên Anh - Phó khoa Nội 1 BV Nhi Đồng 2 (TPHCM) - cho biết khoa đang chủ yếu điều trị cho trẻ bị viêm phổi, viêm tiểu phế quản, khởi phát cơn suyễn do chưa tuân thủ chặt chẽ phác đồ điều trị dự phòng được bác sĩ dặn dò. Bác sĩ cảnh báo, phụ huynh không nên lạm dụng phun khí dung với trẻ có tiền sử hen suyễn. Không ít cha mẹ cho con sử dụng phun khí dung mỗi ngày, nghĩ rằng sẽ giúp con dễ thở hơn nhưng lại dẫn tới tình trạng lờn thuốc. Khi trẻ khởi phát cơn thực sự thì thuốc sẽ không còn tác dụng cắt cơn, gây nguy hiểm tính mạng. 

Đối với bệnh hen suyễn, căn cơ nhất vẫn là điều trị dự phòng. Trẻ cần được giữ ấm khi thời tiết trở lạnh, mưa nhiều. Tránh để trẻ bị mắc mưa hay tiếp xúc với những dị nguyên như phấn hoa, hóa chất tẩy rửa, bụi. Đối với môi trường học đường, phòng tránh lây nhiễm bệnh hô hấp cho trẻ bằng cách rửa tay đúng cách, che miệng bằng lòng khuỷu tay khi ho, giáo dục trẻ không khạc nhổ bừa bãi.

Nếu trẻ có các triệu chứng ho, sốt, chảy nước mũi, khó thở thì cần đi khám để bác sĩ chỉ định có nên nghỉ học điều trị hay vẫn đủ điều kiện tới trường. Trẻ cần tiêm ngừa các bệnh như phế cầu, cúm nhằm giảm thiểu nguy cơ nhiễm bệnh đường hô hấp. 

Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI