Trẻ 'ngược đãi' thú vật

14/12/2014 - 09:26

PNO - PNCN - Vợ chồng tôi cùng cậu trai lớn, chín tuổi thích nuôi thú cưng, nhưng cậu nhỏ tên Long, năm tuổi, lại rất ghét. Long không tham gia chăm sóc, cho ăn, dọn dẹp vệ sinh hay cưng nựng vật nuôi, mà thường quát nạt, đánh đập đến nỗi...

edf40wrjww2tblPage:Content

Tuần trước, chó “làm xấu” lên chiếc giày, Long lấy gậy đánh tới tấp khiến con chó đau quá phản ứng lại, cắn hai nhát vào mông, phải đi tiêm ngừa dại. Từ đó, Long cứ đòi cha mẹ tống cổ chó ra khỏi nhà. Vì thói ngược đãi bạo lực của Long với thú cưng nên giữa anh em Long thường xảy ra bất hòa, xung đột.

Trước đây, tôi cứ nghĩ Long ghét vật nuôi trong nhà vì nghĩ chúng sẽ tranh hết tình thương của cha mẹ. Tuy nhiên, quan sát kỹ lại thì không hẳn vậy, vì cả những con thú ở nhà người khác hoặc thú hoang, Long cũng dị ứng, thậm chí đối xử tàn nhẫn. Trẻ em thường yêu thiên nhiên, xem cỏ cây, động vật như người bạn của mình. Chơi với thú vật sẽ rất tốt cho sự phát triển tính cách của trẻ, sao con trai tôi lại vô tình và ác với loài vật đến thế? Điều đó thể hiện vấn đề gì của cháu không? Có đáng lo ngại không? Tôi có nên ép con phải yêu quý con vật không và bằng cách nào, thưa chuyên gia?

HỒNG NGỌC (Q.7, TP.HCM)

Tre 'nguoc dai' thu vat

Chị Hồng Ngọc mến,

Tôi đồng ý với suy nghĩ của chị, chơi với thú vật sẽ rất tốt cho sự phát triển tính cách của trẻ, nhưng trước hết, tôi mong chị hiểu cháu. Trẻ em có thể có nhiều cách khác nhau để lớn lên, có trẻ yêu loài vật, có trẻ yêu cây cỏ, có trẻ thích vẽ tranh… Yêu loài vật là tốt, nhưng không phải cách duy nhất để phát triển tính cách tốt ở trẻ.

Vấn đề đáng quan tâm ở đây là những hành vi “ngược đãi thú vật” của Long. Thói quen này là rất xấu, thể hiện phần nào thái độ vô cảm của trẻ đối với nỗi đau của các con vật. Thói quen này hình thành từ khi nào? Nguyên nhân do đâu? Có thể trẻ em hay tò mò, thích bắt chước, khi trẻ thấy bạn bè, hay ai đó đánh đập các con vật, trẻ muốn làm thử. Có thể do anh trai từng quý các con vật đến nỗi đánh em, khiến cho cậu em càng bất mãn, ghét bỏ các thú cưng của anh. Cũng có thể từ bé có chuyện gì liên quan đến loài vật khiến trẻ dị ứng, sợ hãi mà cha mẹ không để ý giúp con vượt qua nên cảm giác đó vẫn ám ảnh trẻ. Hoặc, cha mẹ và anh trai chưa từng cảm thông cho cảm giác không thích loài vật của trẻ, chỉ bắt trẻ phải yêu quý các con thú cưng nên trẻ càng ngày càng ức chế… Chị thử nhìn lại tuổi thơ khi con sinh ra và lớn lên xem nguyên nhân do đâu nhé!

Khi hiểu và cảm thông cho con, cha mẹ sẽ có cách giúp con thay đổi thói quen xấu. Chị hãy giúp con dù chưa yêu thích các con vật, nhưng không đối xử tàn nhẫn, ngược đãi chúng nữa. Để làm được điều này, anh chị và những người thân khác cần thống nhất với nhau một số điểm sau:

Trước tiên là không nên ép trẻ yêu quý loài vật. Sự yêu thích cần đến tự nhiên, tự nguyện. Càng ép, trẻ càng phản ứng ngược.

Thứ hai, trẻ cần được đối xử tôn trọng và công bằng. Cháu mới năm tuổi, chưa ý thức hết được hậu quả của hành vi ngược đãi loài vật, vì vậy, thay vì đánh, mắng cháu, bắt cháu phải đối xử tốt với thú cưng, chị nên phân tích cho cháu hiểu cảm xúc của các con vật khi bị đánh đập, giúp cháu hiểu ý nghĩa của thú cưng với anh trai, với gia đình… Khi được giải thích rõ điều phải trái, cháu sẽ dần tôn trọng các con vật, tôn trọng sở thích của người khác (và chỉ có được khi người khác cũng tôn trọng sự khác biệt, sở thích của cháu).

Thứ ba, cha mẹ nên dành thời gian cho trẻ đi chơi nơi có phong cảnh thiên nhiên, có các con vật sống hiền hòa để trẻ dần biết thưởng thức cái đẹp của thiên nhiên, biết vai trò của các con vật với đời sống con người. Cha mẹ có thể thử cho trẻ làm quen với các loài vật khác với những con vật mà trẻ ghét, như về đồng quê xem các bạn đồng lứa chăn bò, xem con trâu cày bừa giúp người nông dân làm ra lúa gạo, cho xem ảnh những con voi chở hàng cho con người (qua tranh, ảnh, truyện…). Hãy giúp con quan sát mà không bị ép phải yêu thích, từ từ trẻ sẽ có ý thức hơn trong việc biết quý trọng loài vật, coi các con vật là bạn chứ không phải là kẻ thù.

Trên đây chỉ là vài gợi ý nhỏ, mong rằng sẽ giúp chị suy nghĩ thêm để hiểu cháu và giúp cháu trở thành cậu bé biết sống có cảm xúc, hiểu và tôn trọng cảm xúc của mọi người, mọi vật xung quanh. Đó cũng là một loại trí thông minh của trẻ, trí thông minh xúc cảm. Chỉ số thông minh xúc cảm (EQ) của con cao hay thấp là nhờ cách giáo dục phù hợp của cha mẹ dựa trên tình yêu thương và sự thấu hiểu con.

Chuyên viên tham vấn tâm lý-Thạc sĩ tâm lý trị liệu Phạm Thị Thúy

Thư cho chuyên mục xin gửi về địa chỉ: tuvandanhchochame@baophunu.org.vn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI