edf40wrjww2tblPage:Content
Chưa đầy 16 tuổi, T.M.M. ngụ ở Đức Trọng, Lâm Đồng đã hai lần ra trước tòa với vai trò là nạn nhân
bị xâm hại tình dục
NHỮNG CÂU CHUYỆN ĐAU LÒNG
Dù chỉ là người “được nhận”, nhưng C. vẫn bị lãnh án. Hôm xét xử, chị Hoàng, mẹ bé T. (quê Sóc Trăng) ngồi ở hàng ghế của người giám hộ, bật khóc khi cán bộ điều tra công an tỉnh cho biết, theo lời khai của cả hai phía, mọi chuyện xảy ra với C. đều do bé T. “hướng dẫn”. Trước vụ án này, C. hoàn toàn chưa biết gì về “chuyện ấy”. Còn T. thì từng bị một gã hàng xóm giở trò đồi bại năm 11 tuổi.
Chị Hoàng kể: “Lúc đó, vợ chồng tôi đi làm thuê nên thường để bé T. và đứa em trai ở nhà. Nào ngờ, tên hàng xóm đã dụ dỗ quan hệ với con bé nhiều lần. Khi thấy con có biểu hiện ghen tuông với vợ của hắn, tôi mới rình tìm hiểu thì bắt gặp việc động trời kia. Sự việc vỡ lở, người vợ của kẻ ấy đã đi bêu riếu khắp xóm rằng bé T. giật chồng cô ấy. Vợ chồng tôi phải bỏ xứ lên Tân Uyên làm mướn kiếm sống. Nào ngờ cũng vì chuyện mưu sinh, không để ý, con gái tôi một lần nữa lại rơi vào cảnh trớ trêu này”.
TAND tỉnh Bình Dương từng thụ lý một vụ án tương tự. Sau khi bị xâm hại ở quê (Hải Phòng), gia đình gửi L. vào Bình Dương sống với vợ chồng người anh. Thế nhưng vì anh chị bận bịu làm ăn, không để ý, L. lại kết nối với bạn bè cũ, và chỉ trong một đêm bỏ nhà đi chơi, L. chủ động quan hệ tình dục lần lượt với cả hai thanh niên đồng hương.
Nhiều vụ án xâm hại tình dục (XHTD) trẻ em ở TP.HCM gần đây, khi chúng tôi tìm hiểu, các điều tra viên cho biết, họ bất ngờ khi các cô bé 12 - 13 tuổi quá sành sõi sau khi bị XHTD và tỏ ra chủ động trong các quan hệ sau đó. Bà Phan Thanh Minh, nguyên Trưởng phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM cho biết, trong quá trình tham gia hội thẩm tại TAND TP, không ít lần bà “va” phải vụ án mà nạn nhân từng bị XHTD nhiều lần trước đó, giờ ở “thế” chủ động trong quan hệ mới. Thật đau lòng vì các em chưa đủ tuổi thành niên nên bạn tình đã thành bị can trong các vụ án này.
Bà kể: “Một trường hợp trớ trêu, cô bé 15 tuổi đã lần lượt “đưa” bốn bạn trai của mình vào tù. Ngay trong hồ sơ của VKS chuyển qua, chúng tôi nhận thấy, vì bản thân cô bé có nhu cầu “chuyện ấy” nên đã mời gọi các bạn trai. Luôn nhìn cô với con mắt của người bị hại, nhưng trước những lời khai thành khẩn, ngây thơ của các bị cáo trong từng vụ án liên quan đến cô bé này, tôi thật quá xót xa”.
Có thai, phải sinh con khi chưa đủ 15 tuổi không phải là hậu quả duy nhất mà cô bé ở TP.HCM này
gánh chịu sau khi bị xâm hại tình dục
Thực tế đã có hiện tượng những đứa trẻ bị XHTD quá sớm và trong một thời gian dài, đã nảy sinh ham muốn và tìm cách thỏa mãn. Chị G.T.Đ. ở H.Củ Chi mới đây đã suýt ngất xỉu khi thấy V., đứa con gái 14 tuổi mà chị vừa cứu khỏi sự xâm hại suốt ba năm trời của kẻ hàng xóm đê tiện đang... thủ dâm. Nỗi ám ảnh làm chị Đ. mất ăn mất ngủ suốt mấy tháng trời. Hoàn cảnh chị Đ. rất đáng thương, chồng bỏ đi từ khi bé V. mới lên hai tuổi, một mình chị ở vậy gồng gánh nuôi con và cha mẹ già yếu mù lòa. Mỗi ngày từ 4g sáng, chị đã phải ra chợ đầu mối lấy hàng, mang về bán lẻ ở KCN Tân Phú Trung.
Hơn ba năm trước, lợi dụng hoàn cảnh đó, kẻ hàng xóm xấu xa đã khống chế, quan hệ với bé V. Khi chị Đ. phát giác mọi chuyện thì V. đã có thai ba tháng. Đau xé lòng, chị Đ. phải mang con gái đi tố cáo và giải quyết bào thai. Sau khi kẻ thủ ác với V. đi tù, chị chuyển trường cho V., nhưng cũng từ đó cô bé học hành sa sút, lúc nào cũng thẫn thờ. Tháng 9/2014, khi nhìn cảnh con gái tự dằn vặt bản thân để tìm cảm giác, chị Đ. kêu cứu khắp nơi.
TRẺ CẦN ĐƯỢC TRỊ LIỆU TÂM LÝ
PGS-TS Huỳnh Văn Sơn - Phó chủ tịch Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam: Trẻ sẽ nghĩ mình không còn gì để mất! Nhìn từ góc độ nào, những đứa trẻ này vẫn là nạn nhân. Ở đây, ngoài những lời khuyên hữu ích, chúng ta cần lưu ý, dù các bé còn rất nhỏ, nhưng đã đủ nhận thức để nhìn nhận sự việc xảy ra với mình là một điều tồi tệ, khủng khiếp. Vì thế, suy nghĩ “không còn gì” để mất sẽ xuất hiện ở trẻ. Đó chính là một trong những nguyên nhân khiến một số trẻ chưa “nghiện” tình dục đã để mình “trôi” đi khi có kẻ thủ ác mới ra tay. Ngoài tâm lý bất cần, ở trẻ còn có sự đấu tranh nội tâm rất lớn với suy nghĩ “lỡ” rồi, cho luôn… Chính vì vậy, trị liệu sang chấn tâm lý ở các trẻ bị XHTD là một việc làm không đơn giản và cần kịp lúc, kịp thời, đòi hỏi các chuyên gia phải giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm, tận tâm và thật sự yêu thương trẻ. |
Bác sĩ Phan Hồng Anh, Phó chủ tịch Hội Kế hoạch hóa gia đình TP.HCM, từng nhận trị liệu cho trẻ rơi vào hoàn cảnh tương tự, chia sẻ: “Nhiều bậc phụ huynh đã cố gắng che giấu hành vi của trẻ vì nghĩ đó là chuyện chẳng tốt đẹp gì. Việc trẻ bị đánh thức bản năng quá sớm phải được nhìn nhận như một tội ác. Giúp trẻ vượt qua chính bản thân mình ở giai đoạn này là một việc làm nhân đạo, một đòi hỏi cấp bách từ phía người lớn. Ở nước ta, việc chăm sóc cho một đứa trẻ bị XHTD thường chỉ dừng ở mặt y tế: chữa trị tổn thương, nếu trẻ mang thai thì giúp trẻ bỏ bào thai hoặc sinh nở an toàn… Nhưng quan trọng nhất đối với đối tượng này chính là trị liệu về mặt tinh thần thì chúng ta chưa làm được”.
Theo bác sĩ Phan Hồng Anh, việc tư vấn cho các bậc cha mẹ nhìn ra vấn đề của trẻ là cực kỳ quan trọng, bởi có nhìn ra được vấn đề của con, cha mẹ mới có thể phối hợp với các chuyên gia, bác sĩ trong quá trình trị liệu cho trẻ.
L.T.B.T. (sinh năm 1993, ngụ ở tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu), nạn nhân của gã hàng xóm 73 tuổi đồi bại có lẽ là một trong những người may mắn khi vượt lên chính bản thân mình. Cách đây chín năm, khi các cơ quan chức năng vào cuộc thì T. đang mang trong người bào thai bảy tháng tuổi. Điều khiến người mẹ của T. đau lòng nhất là sau khi giải quyết bào thai, T. vẫn bị “chuyện ấy” ám ảnh. Rất may là cô bé kể ngay với mẹ. Người mẹ ấy, một phụ hồ chân lấm tay bùn đã bỏ hết công việc đưa con gái tìm đến Báo Phụ Nữ, mong chúng tôi cứu giúp con.
Phương án được Báo Phụ Nữ vạch ra lúc ấy là giúp T. trị liệu tâm lý đồng thời thoát ly khỏi môi trường cũ. T. được đưa về mái ấm Hoa Hồng Nhỏ ở Q.7, TP.HCM. Tại đây, T. hòa vào hoạt động của mái ấm, cùng bạn bè vừa học vừa chơi. Sau hai năm, T. lấy lại phong độ trong học tập, em còn được đại diện mái ấm tham gia diễn đàn trẻ em thế giới chống nạn XHTD ở Thái Lan vào năm 2009. Mới đây, T. cho hay em đã tốt nghiệp Cao đẳng Ngân hàng và chuẩn bị đi làm. Câu chuyện của T. cho thấy, việc bé gái từng là nạn nhân của XHTD hoàn toàn có khả năng thoát khỏi nhục cảm để vui sống. Vấn đề là do chính sự kiên trì, nhẫn nại và đúng phương pháp của người lớn.
Bà Phan Thanh Minh cho rằng, trong các loại nghiện như nghiện ma túy, rượu, bia, cà phê, thuốc lá, thì nghiện tình dục trước giờ vẫn là điều khó xử lý và ít người dám lên tiếng. Trong nhiều năm qua, với trẻ em gái bị mua bán, bị XHTD mà Trung tâm Công tác xã hội trẻ em thuộc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM tiếp nhận, không ít trường hợp trẻ bị nghiện tìm khoái cảm. Chính vì vậy, sau các bước “truyền thống” như tách trẻ đến nơi an toàn, chăm sóc y tế, hỗ trợ vật chất (nếu cần thiết) thì trung tâm vẫn luôn chú trọng giáo dục trẻ về các giá trị bản thân, trị liệu tâm lý cho trẻ - thực chất là trị liệu cơn nghiện muốn tìm kiếm khoái cảm, bên cạnh đó sẽ tổ chức cho trẻ tham gia các hoạt động văn hóa, học nghề, vui chơi giải trí để giảm bớt nhu cầu này.
“Trong công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em trước giờ chúng ta thường chú trọng việc hỗ trợ khẩn cấp chứ chưa “để ý” đến việc điều trị lâu dài. Chính vì vậy, không ít trường hợp trẻ bị buôn bán, XHTD, vốn là nạn nhân, sau đó đã thành người chủ động trong các vụ XHTD. Những trường hợp này rất cần thời gian can thiệp, điều trị”, bà Minh chia sẻ.
NGHI ANH