Một nghiên cứu mới nhất của Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho thấy có mối liên hệ giữa trẻ thừa cân, béo phì với việc sử dụng mạng xã hội. Trong số gần 3.000 trẻ từ 11 – 14 tuổi được nghiên cứu, 100% sử dụng mạng xã hội. Thời gian vận động ít cùng chế độ ăn chưa lành mạnh đang khiến tỷ lệ trẻ thừa cân béo phì cùng những căn bệnh liên quan có xu hướng gia tăng.
12 tuổi nặng gần 1 tạ!
|
Việc trẻ “ngã” vào mạng xã hội, game đã chiếm bớt quỹ thời gian hoạt động, từ đó gián tiếp làm gia tăng căn bệnh béo phì |
Năm nay 12 tuổi, cao 1,57m song cháu B.T.H. (Hà Nội) đã nặng tới 90kg. Tình trạng béo phì của H. đã diễn ra khoảng sáu năm nay. Tuy nhiên, qua đợt nghỉ giãn cách do COVID-19 vừa qua, cháu lại càng tăng cân nghiêm trọng.
Mẹ của H. đã hạn chế cho con ăn thức ăn nhiều dầu mỡ, giảm đồ ăn vặt ngọt, béo; đồng thời cho con sử dụng thêm một số loại hạt như đậu phộng, óc chó với hy vọng làm giảm bớt cơn thèm ăn của con nhưng không đạt kết quả. Ngoài việc bị béo phì, mới đây, kết quả xét nghiệm cho thấy H. còn mắc đái tháo đường khiến gia đình vô cùng hoang mang, lo lắng.
Tương tự, N.Đ.A., học sinh lớp Hai (Hà Nội) cũng rơi vào tình trạng béo phì từ hai năm nay. Đ.A. cao 1,3m nhưng nặng tới 60kg, bằng trọng lượng của một người trưởng thành.
Mẹ của Đ.A. cho biết, sau khi đi khám, ở nhà cháu thực hiện chế độ ăn uống rất khắt khe theo khuyến cáo của bác sĩ dinh dưỡng. Thế nhưng, khi đến trường, cháu lại ăn “thả phanh”, thậm chí thường xuyên xin thêm cơm của nhà trường hoặc “ăn hộ” các bạn nên cân nặng vẫn khó kiểm soát.
Bác sĩ Trương Hồng Sơn - Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam - cho biết, thời gian qua, viện tiếp nhận nhiều trẻ béo phì với cân nặng “khủng”. “Trước đây, đa số trường hợp bệnh nhân béo phì tới viện chỉ khoảng 80-85kg.
Hiện nay, có những bệnh nhân thừa tới cả trăm ký. Tình trạng béo phì ngày càng trẻ hóa. Nếu trước đây, tình trạng béo phì phổ biến chủ yếu ở tuổi thành niên thì hiện tại, trẻ em bị béo phì ngày càng nhiều, có trẻ chỉ 4-5 tuổi đã phải tới viện điều trị”, bác sĩ Trương Hồng Sơn nói.
Trẻ em thừa cân, béo phì đang là một thách thức trên toàn cầu trong những thập niên gần đây. Tại Việt Nam, một nghiên cứu mới nhất vừa được Bệnh viện Nội tiết Trung ương công bố cuối tháng Chín cho thấy, trong số gần 3.000 trẻ được nghiên cứu trên toàn quốc, trong lứa tuổi từ 11-14, có tới 27,8% trẻ bị thừa cân, béo phì. Trong đó, tỷ lệ thừa cân là 17,9% và béo phì là 9,9%.
100% nhóm trẻ nghiên cứu dùng mạng xã hội
Theo Bệnh viện Nội tiết Trung ương, gia tăng trẻ béo phì đang đi cùng với tỷ lệ người trẻ mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2. Béo phì, đặc biệt là béo bụng kết hợp mạnh với kháng insulin ở trẻ em gây nên rối loạn dung nạp glucose hay tiền đái tháo đường. Do vậy, trẻ béo phì mắc tiền đái tháo đường có nguy cơ cao tiến triển thành đái tháo đường nếu không có sự can thiệp kịp thời.
Trong nghiên cứu vừa thực hiện, Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho biết, có 178 trẻ (6,2%) mắc rối loạn glucose máu, trong đó lứa tuổi trẻ nhất (11 tuổi) có tỷ lệ mắc cao nhất (8,1%), trong khi ở nhóm tuổi lớn hơn có rối loạn glucose máu thấp hơn.
|
Ngay cả trẻ béo phì vẫn cần sữa, vì các chất dinh dưỡng thiết yếu mà sữa cung cấp cho cơ thể |
Ngoài đái tháo đường, theo bác sĩ Trương Hồng Sơn, trẻ em còn phải đối mặt với hàng loạt vấn đề thể lực, sức khỏe và tâm lý. Trẻ béo phì có nguy cơ rối loạn tâm lý cao do bị bạn bè trêu ghẹo, chế giễu. Trẻ dần chán chường, không muốn đi học và nếu tình trạng này kéo dài sẽ dẫn đến chứng trầm cảm. Ngoài ra, trẻ còn có thể bị rối loạn hoóc-môn, dễ dậy thì sớm, bé gái dễ vô kinh hoặc kinh nguyệt không đều…
Có rất nhiều nguyên nhân khiến trẻ béo phì. Theo các chuyên gia, vấn đề nổi cộm trong xã hội hiện đại ngày nay là trẻ đang hạn chế vận động, tập luyện thể dục thể thao. Nghiên cứu của Bệnh viện Nội tiết Trung ương chỉ ra, 90,6% trẻ em được phỏng vấn đều chơi một môn thể thao nào đó. Tuy nhiên, theo mức thời gian trung bình vận động tiêu chuẩn mỗi ngày ở trẻ em (ít nhất 60 phút/ngày), nhóm trẻ em nữ chưa đạt được.
Đáng chú ý, có tới quá nửa trẻ em đều chơi game, trong đó 34,7% trẻ em chơi game trên 1 giờ/ngày; 100% trẻ em đều dùng mạng xã hội, 88% trẻ vào mạng dưới 60 phút/ngày. Việc trẻ “ngã” vào mạng xã hội, game đã chiếm bớt quỹ thời gian hoạt động, từ đó gián tiếp làm gia tăng căn bệnh béo phì.
Bên cạnh lười vận động, chế độ dinh dưỡng không hợp lý, sử dụng quá nhiều chất béo và đồ ăn nhanh cũng đã được các chuyên gia cảnh báo nhiều trong thời gian qua. Tuy nhiên, theo bác sĩ Sơn, không ít gia đình vẫn chưa thực sự hiểu đúng khi lên thực đơn cho trẻ. Trường hợp của cháu H. là một trong những sai lầm mà vị chuyên gia này thường gặp trong thời gian gần đây.
Khi một sản phẩm nào đó - như các loại hạt được người bán hàng “thần thánh” hóa, các gia đình ngay lập tức mua về cho con sử dụng mà không hiểu bản chất của các loại hạt cũng là tinh bột. Việc bổ sung hạt bên cạnh các bữa ăn chính là nguyên nhân khiến tình trạng trẻ tăng cân “vùn vụt”.
Do vậy, các chuyên gia khuyến cáo, để ngăn chặn tình trạng trẻ thừa cân, béo phì, cần có những biện pháp kịp thời và toàn diện từ phía gia đình, nhà trường, xã hội cũng như bản thân trẻ em. Cần xây dựng được cho trẻ lối sống lành mạnh, tránh gia tăng các căn bệnh liên quan như tim mạch, tiểu đường… ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống.
MỘT SỐ NGỘ NHẬN TRONG ĐIỀU TRỊ BÉO PHÌ
1. Nhịn ăn sáng chống béo: thật ra khi quá đói, trẻ sẽ ăn bù nhiều năng lượng hơn.
2. Nhịn uống nước… giảm cân: nếu nhịn uống, cơ thể sẽ bị thiếu nước, dẫn đến rối loạn nước và điện giải trong cơ thể.
3. Không uống sữa: ngay cả trẻ béo phì vẫn cần sữa, vì sữa cung cấp các chất dinh dưỡng thiết yếu cho cơ thể. Đặc biệt, đối với trẻ béo phì, cần đảm bảo sự tăng trưởng chiều cao để trẻ tự điều chỉnh hình thể. Có thể chọn sữa tách béo cho trẻ thừa cân.
4. Chê bai, chế giễu để trẻ có ý thức giảm cân: thật ra, những điều này gây hại hơn là giúp trẻ. Việc chế giễu, quá nhấn mạnh đến vóc dáng, vào mục tiêu giảm cân sẽ tạo nên sức ép về tâm lý có thể dẫn đến tình trạng trẻ tự ti mặc cảm, cô độc (ở lứa tuổi học đường) và các rối loạn hành vi ăn uống như háu ăn quá mức (bulimia nervosa) hay ngược lại là chán ăn tâm lý (anorexia nervosa) rất khó chữa trị, thậm chí tỷ lệ tử vong khá cao.
5. Hút mỡ giúp giảm cân nhanh và hiệu quả hơn: mỡ không thể mất đi từ một bộ phận nào mà phải từ toàn bộ cơ thể. Việc lấy mỡ ra bằng phẫu thuật, hút mỡ chỉ có tác dụng về thẩm mỹ, giúp giảm được vòng eo nhưng không giúp trẻ mạnh khỏe hơn vì lượng mỡ dư thừa trong các mạch máu, bọc quanh nội tạng (tim, gan…) vẫn còn.
6. Chưa hiểu rõ và sử dụng đúng biểu đồ tăng trưởng trong sổ khám sức khỏe: biểu đồ tăng trưởng là dụng cụ rất tốt để theo dõi thường xuyên sự phát triển của trẻ. Song, không thể đánh giá béo phì dựa vào biểu đồ tăng trưởng vì đây là chỉ số cân nặng so với tuổi.
Trẻ có thể quá nặng so với tuổi nhưng cân nặng đó lại phù hợp với chiều cao của trẻ. Vì thế, phải đánh giá cân nặng so với chiều cao của trẻ để nhận định trẻ có dư thừa cân nặng hay không.
Thạc sĩ - bác sĩ Dương Công Minh (Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố)
|
H. Anh