Trẻ nghỉ học tránh COVID-19, cha mẹ cảnh giác các tai nạn thường gặp

11/03/2020 - 06:36

PNO - Hầu như tuần nào Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM cũng tiếp nhận bé bị tai nạn với chấn thương đứt gân chân, gãy xương… dù thời gian này không phải là nghỉ hè.

Bà vừa quay đi cháu đã bị tai nạn

Cuối tháng 2/2020, bà Nguyễn Thị Kim (ở H.Hóc Môn, TP.HCM) dùng ấm siêu tốc để nấu nước tắm cho cháu ngoại là bé T.T.T. (4 tuổi). Khi nước sôi, bà Kim đi vào phòng lấy quần áo, khăn tắm thì nghe tiếng thét đau đớn của bé T. Bé bị cả ấm điện siêu tốc đổ vào người, bà Kim chết đứng.

Chiếc kéo đâm xuyên chân bé K
Chiếc kéo đâm xuyên chân bé K.

Nhớ lại tai nạn của cháu gái, bà Kim không kìm được nước mắt: “Lúc đi lấy đồ, tôi đã dặn anh trai cháu giữ rồi, không ngờ anh giỡn, rượt đuổi bé. Con bé chạy vào bếp tìm tôi rồi vướng vào dây điện kéo cả ấm nước sôi đổ vào người. Nghe tiếng thét, tôi chạy ra cũng hoảng hồn, khi định thần lại, tôi ôm bé nhúng vào thau nước, nhưng bé đau, giãy mạnh nên bong tróc da nhiều”.

Bé T. được người nhà đưa đến bệnh viện (BV) địa phương cấp cứu. Sau khi bù dịch, giảm đau cho bé, BV chuyển bé đến BV Nhi Đồng 1 TP.HCM. Tuy bé T. qua được phẫu thuật cắt lọc da hoại tử, xử lý vết thương tránh nhiễm trùng, nhưng sau khi lành bệnh, bé phải chịu những vết sẹo chằng chịt, sẹo co rút ảnh hưởng đến tâm lý, cũng như chất lượng sống sau này.

Vừa qua, Khoa Cấp cứu BV Nhi Đồng 1 TP.HCM cũng tiếp nhận bé trai T.D.K. (13 tuổi, ở H.Nhà Bè, TP.HCM) bị lưỡi kéo đâm xuyên chân phải, gây đứt gân chân, gãy xương cẳng chân, đứt gân bàn chân… Chị Thanh (mẹ bé K.) làm nghề may bao bố nên thường mang cây kéo bằng sắt theo mỗi khi đi làm. Từ lúc bé K. được nghỉ học, chị thường mang con bên mình vì không thể gửi cho ai, cũng không muốn để bé ở nhà một mình. 

Sáng 1/3, chị chở bé K. đến chỗ làm. Đến dốc cầu, chị Thanh tránh chiếc xe máy đi ngược chiều khiến chiếc giỏ đồ nghề đập mạnh vào thành cầu bên cạnh. Cây kéo sắt trong chiếc giỏ văng ra, đâm thẳng vào chân bé K. “Lúc đó, tôi rất hoảng, gọi điện cho chồng đưa con đi BV. Không ngờ lưỡi kéo làm bé đứt gân, gãy chân mà không hay”, chị Thanh nhớ lại.

Khoảng 12g30 cùng ngày, bé K. được các bác sĩ cấp cứu xử lý vết kéo, kết quả chụp X-quang cho thấy, bé K. bị gãy xương vị trí 2/3 cẳng chân phải, gãy xương mác, đứt gân chân… nên chuyển bé đến Khoa Chấn thương chỉnh hình phẫu thuật xử lý lấy chiếc kéo ra. Theo thạc sĩ - bác sĩ Trịnh Kiên, Khoa Chấn thương chỉnh hình của BV, do lưỡi kéo dính đầy nhựa ni-lông nên buộc phải mở vết mổ lớn, bơm rửa vết thương loại bỏ dị vật, tránh nhiễm trùng, hoại tử cho bé. Tuy nhiên, khi mở vết thương, các bác sĩ phát hiện vị trí kéo đâm khiến xương mác bàn chân gãy vụn, buộc phải cố định xương bằng đinh y tế. Sau khi lành bệnh, bé K. sẽ được mổ lấy đinh ra và tập vật lý trị liệu.

Hạn chế để bé lớn trông bé nhỏ

Bác sĩ Trịnh Kiên cho biết, hầu như tuần nào BV cũng tiếp nhận bé bị tai nạn với chấn thương đứt gân chân, gãy xương… dù thời gian này không phải là nghỉ hè. Đa số tai nạn xảy ra do bé hiếu động chạy nhảy rồi té ngã, hoặc có bé còn quá nhỏ không ý thức được nguy hiểm, cha mẹ đi làm nên ít thời gian trông trẻ. 

Bác sĩ Trịnh Kiên khám cho bé bị tai nạn đang điều trị tại Khoa Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM
Bác sĩ Trịnh Kiên khám cho bé bị tai nạn đang điều trị tại Khoa Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM

Do đó, bác sĩ Khoa Cấp cứu BV Nhi Đồng 1 TP.HCM lưu ý từ bây giờ cho đến khi trẻ trở lại trường học, ngoài hướng dẫn trẻ các phương pháp phòng tránh dịch COVID-19, phụ huynh không nên để trẻ ở nhà một mình, kể cả khi có người lớn cũng nên để mắt tới trẻ, bởi tai nạn có thể xảy ra bất kỳ lúc nào.

Đặc biệt, người lớn nên dạy trẻ kỹ năng phòng tránh tai nạn, cho bé chơi đồ chơi phù hợp với lứa tuổi, kiên nhẫn hướng dẫn trẻ nhận biết yếu tố nguy cơ, nơi nguy hiểm trong nhà.

Đối với trẻ mới biết bò, tập đi thường rất hiếu động. Ở độ tuổi này, trẻ chưa hiểu hết được sự nguy hiểm, người lớn phải thường xuyên để mắt tới trẻ, không nên cho bé chơi một mình. Trẻ cũng dễ dàng bị thu hút bởi ánh đèn, lửa, dây điện… nguy cơ bỏng, điện giật rất cao, gây tổn thương lớn nếu tai nạn xảy ra.

Trẻ ở độ tuổi từ 2-5 tuổi rất thích khám phá, chạy nhảy mà chưa ý thức được những nguy hiểm rình rập. Người lớn nên đặt ra khu vực hạn chế hoạt động như chân cầu thang, thang máy, khu vực bếp, nhà tắm… Hạn chế để bé lớn trông bé nhỏ, bởi các bé sẽ đùa giỡn, rượt đuổi gây té ngã…
Ngoài ra, người lớn nên cho trẻ chơi đồ chơi phù hợp với lứa tuổi khuyến cáo trên sản phẩm, không cho trẻ chơi đồ chơi nhỏ, dễ tháo lắp, hay các loại đồ chơi dễ vỡ… để tránh trẻ ngậm, nuốt gây hóc. 

Phụ huynh cũng nên để ý đến hành vi, thái độ của những trẻ từ 8-15 tuổi thường thích chơi nhóm bạn, tập chạy xe, thích thể hiện mình qua các trò thử thách độc lạ theo hướng càng nguy hiểm càng tốt, gây ra nhiều tai nạn thương tâm cho mình và người khác.

Lưu ý tủ thuốc gia đình, hay dung dịch hóa chất cần để đúng nơi quy định, tránh xa tầm tay trẻ nhỏ, tuyệt đối không chứa dầu lửa, xăng… trong chai nước ngọt, trẻ sẽ dễ dàng bị thu hút và uống nhầm hóa chất mà không hay. 

Phạm An

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI