Trẻ ngày nay sao mau lớn mà chậm trưởng thành!

04/09/2018 - 06:00

PNO - Trong ngày mưa gió, có một bà mẹ lầm lũi dắt xe máy, chễm chệ trên yên xe là cậu nhóc to con. Trẻ ngày nay trổ mã dậy thì sớm, nhưng chúng cứ mãi là đứa trẻ trong hình hài người lớn. Thật buồn.

Chúng tôi cùng đi công tác nước ngoài với sếp. Anh dắt theo Bin, cậu con trai đang học lớp 11. Trông Bin cao hơn ba nó cả nửa cái đầu, nhìn từ phía sau chẳng khác gì người đàn ông bệ vệ, lại diện toàn quần áo đúng điệu tuổi mới lớn bây giờ.

Tò mò hỏi, ai chuẩn bị đồ đạc cho Bin mà đẹp vậy, nhận được câu trả lời rằng, tất nhiên là mẹ lo sẵn hết rồi!

Tre ngay nay sao mau lon ma cham truong thanh!
Cha mẹ thời nay thường bảo bọc con quá mức. Hình minh họa

Suốt chuyến đi, Bin không rời ba nửa bước, ngay cả lúc mua sắm hay… vệ sinh. Ngỡ rằng ngoại ngữ của Bin yếu, sợ lạc, hóa ra thằng bé học trường quốc tế từ nhỏ, nói rành tiếng Anh.

Lúc ngồi ăn, Bin được ba gắp cho gì thì ăn nấy, ngoan ngoãn như một đứa trẻ lên tám, lên mười. Hỏi thích mua sắm gì ở trung tâm thương mại, Bin lí nhí “con muốn đồ chơi”… Rất lễ phép và thụ động, càng không thoát khỏi hình ảnh quen mắt là đờ đẫn cắm cúi vào cái điện thoại.

Mẹ Bin lâu lâu lại gọi điện cho con, chỉ để nhắc Bin nhớ giữ ấm, ngủ phải quàng khăn, mang vớ cẩn thận, đừng sử dụng mấy thứ đồ uống lạ kẻo đau bụng…

Mà cái cảnh đứa con lớn tướng vừa xa mẹ đã được liên tục “chỉ đạo từ xa” kiểu ấy, không phải là hiếm gặp. Nhiều khi không hẳn vì con cái chẳng tự lo được cho bản thân, mà do bà mẹ ôm đồm, cứ thắc thỏm không yên, sợ chúng còn ngây thơ bé mọn.

Bin làm tôi nhớ tới một tấm ảnh cách đây khá lâu, trong ngày mưa gió ngập đường phố. Có một bà mẹ lầm lũi dắt xe máy lội nước, chễm chệ trên yên xe là cậu nhóc to con mặc đồng phục học sinh.

Chắc đứa con trai ấy phải cao và nặng gấp rưỡi mẹ. Nhiều người chê cười sự vô tâm của đứa trẻ to xác, nhưng cũng không ít người trách bà mẹ đã quá hy sinh, để con quen với sự bảo bọc, nên chỉ thường nhận chứ ít biết chia sẻ với cha mẹ…

Trẻ con bây giờ mau lớn quá. Mới mười một, mười hai tuổi là trổ mã dậy thì cao to, xinh đẹp rồi. Nhưng chúng lại vô cùng chậm trưởng thành, cứ mãi là đứa trẻ trong hình hài người lớn, thật đáng buồn.

Thời nay, đồ ăn thức uống ê hề, dinh dưỡng tốt, nên lũ trẻ cao to, nhưng tâm hồn lẫn tính cách thì đơn giản. Xong bậc trung học vẫn chưa biết cách tự lo cho mình, mọi thứ đều ới cha mẹ hoặc người giúp việc.

Nhìn những cô bé đã dậy thì trọn vẹn, nhưng không hề biết giữ vệ sinh, chút ý tứ thiếu nữ cũng ít ỏi, mà thương. Vài cậu trai to xác, ngơ ngác vụng về, đến nói một câu cũng ngại ngùng…Chị bạn đi chung đoàn buột miệng nói, chẳng biết là than thở hay trầm trồ. 

Tre ngay nay sao mau lon ma cham truong thanh!
Nhiều cô cậu thiếu niên chơi thì giỏi nhưng biết bao giờ mới trưởng thành. Hình minh họa

Tôi chợt nghĩ về mối tình đầu của mình, nếu có thể gọi như thế cho chút rung động thời con gái. Anh khi ấy cũng học lớp 11, cao dong dỏng. Nhà anh bán tạp hóa và tôi thầm để ý tới chàng trai hằng ngày vẫn vác từng bao đường, đậu ra bến xe giao cho khách.

Những buổi sáng đi học, chúng tôi đạp xe qua nhiều ngã đường của thị trấn, không hề được cha mẹ đưa đón. Bạn bè của tôi ngày ấy hết giờ học đều phải phụ giúp việc nhà, trông em, làm nông… Thế nhưng lại không mấy khi đau ốm, bệnh tật, những kỹ năng sống căn bản đều thành thạo.

Vẫn biết thời ấy xa rồi, cuộc sống đã nhiều thay đổi, nhưng lòng vẫn không khỏi e ngại. Chúng ta cũng chẳng ai muốn con trẻ phải vất vả, thiếu thốn như xưa. Nhưng vẫn không sao tránh được cảm giác bất nhẫn xen lẫn buồn cười khi ngắm cậu con trai bự tồ mà vẫn phải đợi ba gỡ xương cá, dỗ dành “chịu khó ăn đi cho bổ”. Rồi thì thuyết phục nếm thử món rau, uống tô canh mát… 

Đành rằng cha mẹ ai cũng thương con, muốn chúng đủ đầy sung sướng, nhưng bảo bọc con kỹ quá, chỉ khiến cho lũ trẻ luôn ỷ lại và rất khó khăn để trưởng thành. 

Ngọc Hằng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI