PNO - Ngày càng nhiều bậc cha mẹ muốn biến con mình thành ngôi sao, trở thành “người gây ảnh hưởng” mà chẳng hề quan tâm đến sự an toàn hay mong ước thật sự của đứa trẻ.
Theo khảo sát được công bố năm 2019 của Công ty Harris Poll, kết hợp cùng nhãn hàng LEGO tại Mỹ, Anh và Trung Quốc, 29% trẻ em từ 8-12 tuổi ở ba quốc gia muốn trở thành một youtuber. Con số này cao gấp gần ba lần so với số trẻ muốn trở thành phi hành gia (11%). Có đáng lo khi trẻ nhỏ muốn trở thành người nổi tiếng trên YouTube?
Youtuber là tên gọi chung cho những người sáng tạo nội dung và đăng tải chúng trên nền tảng chia sẻ video YouTube của Google. Một báo cáo trong tháng 11/2019 của Tổ chức nghiên cứu thị trường Morning Consult (Mỹ) cho thấy, 54% người Mỹ từ 13-38 tuổi muốn trở thành một “người gây ảnh hưởng” (có lượng người theo dõi lớn trên YouTube và Instagram) nếu có cơ hội, 12% tự coi mình là người dẫn dắt xu hướng.
Những con số này có thể không hoàn toàn chính xác trên thực tế, nhưng với nguồn thu nhập “khủng” tạo ra bằng cách pha trò, chơi game, trang điểm hoặc mở hộp đồ chơi, không có gì ngạc nhiên khi thế hệ trẻ bị giấc mơ ngôi sao YouTube mê hoặc. Nhưng đằng sau “mặt tiền” bóng loáng ấy là thực tế chẳng mấy tươi đẹp của ngành công nghiệp mới này.
Ryan Kaji - cậu bé “vàng” trên YouTube với hơn 21 triệu người theo dõi và khoản thu nhập 22 triệu USD từ quảng cáo trong năm 2018
Cơ hội nghề nghiệp tiềm năng
Khi thế giới dành nhiều thời gian hơn cho các nền tảng mạng xã hội, các nhà quảng cáo muốn sử dụng những người có ảnh hưởng này để đưa sản phẩm của họ đến công chúng. Một người có tầm ảnh hưởng lớn như Kylie Jenner - với 139 triệu người theo dõi trên Instagram - có thể tính phí hơn 1 triệu USD cho một bài đăng quảng cáo.
Trên YouTube, doanh thu quảng cáo được phân chia giữa YouTube và người tạo nội dung theo tỷ lệ 45-55. Trong năm 2017, những người gây ảnh hưởng trên thế giới bỏ túi khoảng 570 triệu USD. Năm 2020, Trung tâm Nghiên cứu quảng cáo thế giới dự báo, con số sẽ nằm trong khoảng từ 5-10 tỷ USD.
Theo tạp chí Forbes, người kiếm tiền số 1 trên YouTube năm 2018 là ngôi sao 7 tuổi - Ryan Kaji - với kênh Ryan ToysReview. Sở hữu hơn 21 triệu người đăng ký, Ryan kiếm được số tiền quảng cáo khoảng 22 triệu USD từ các video “đập hộp” và thử đồ chơi. Nổi tiếng từ lúc 4 tuổi, Ryan rõ ràng là hình mẫu đáng mơ ước của nhiều trẻ em và người lớn.
Mặt tối của công nghiệp giải trí và nguy cơ bóc lột trẻ em
Dù điều khoản dịch vụ của YouTube nói rằng, nền tảng này “không dành cho trẻ em dưới 13 tuổi” và người dùng phải “khẳng định” họ trên 13 tuổi, nhiều trẻ em ở độ tuổi mẫu giáo vẫn dành hàng giờ mỗi ngày để xem video trên YouTube. Vì vậy, ngày càng nhiều bậc cha mẹ muốn biến con mình thành ngôi sao, trở thành “người gây ảnh hưởng” mà chẳng hề quan tâm đến sự an toàn hay mong ước thật sự của đứa trẻ.
Phụ huynh của các trẻ “dẫn dắt xu hướng”, đồng thời trong nhiều trường hợp cũng là người quản lý, không muốn có thêm quy định về việc đưa trẻ nhỏ lên nền tảng xã hội. Họ nói rằng đó là quyết định của gia đình, con cái họ đang vui vẻ và không nhất thiết phải coi việc đó là “lao động”. Cha mẹ của Taytum và Oakley - cặp sinh đôi 3 tuổi với 3 triệu người theo dõi trên Instagram và 3,6 triệu người theo dõi trên kênh YouTube - cho rằng, chính họ là những người làm việc với các thương hiệu và có thể quyết định số tiền được chi tiêu như thế nào.
Thật khó để biết chính xác những đứa trẻ nghĩ gì về ngành công nghiệp giải trí dựa trên nền tảng mạng xã hội, hoặc cảm giác của chúng trong tương lai về việc chia sẻ thời thơ ấu với hàng triệu người lạ mặt, bởi hầu hết vẫn còn quá trẻ để hiểu đầy đủ ý nghĩa của việc làm “người của công chúng”. Vì vậy, phụ huynh phải là người lựa chọn bảo vệ hay ủng hộ con em mình, để bé trưởng thành trong vòng tay yêu thương của gia đình, bạn bè hay trước ánh mắt dò xét của hàng triệu người và chịu ảnh hưởng phía sau từ cơ quan quảng cáo.
Những sắc lệnh đầu tiên của Tổng thống Donald Trump tập trung vào việc hủy bỏ các chính sách thời ông Biden và bổ sung nhân sự cho chính phủ liên bang.