PNO - Trong đại dịch COVID-19, TPHCM có hàng ngàn trẻ em bị mồ côi. Từ đây, một số em gặp các vướng mắc pháp lý liên quan đến hộ tịch, thừa kế tài sản.
Tháng 8/2021, chị N.T.H.N. mắc COVID-19, tử vong tại bệnh viện. Con chị - cháu H.N. - mồ côi mẹ khi chỉ mới sáu tuổi. Chị N.T.H.N. vốn không có nơi cư trú ổn định. Cách đây nhiều năm, chị đến sống như vợ chồng với anh V.Đ.H. (Q.3, TPHCM) nhưng không đăng ký kết hôn. Họ sinh cháu H.N. nhưng đến nay vẫn chưa đăng ký khai sinh. Khi chị N.T.H.N. qua đời, anh V.Đ.H. không thể làm thủ tục khai sinh cho con. Mới đây, anh đã đưa con đến Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước TPHCM để nhờ hỗ trợ làm khai sinh cho cháu H.N. để cháu được đi học.
Nhiều trường hợp phải xét nghiệm ADN để làm thủ tục khai sinh cho trẻ mồ côi
Ông Huỳnh Tấn Đạt - Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước TPHCM - cho biết, trong trường hợp này, anh V.Đ.H. chỉ cung cấp được giấy chứng sinh do Bệnh viện Từ Dũ cấp cho sản phụ N. và giấy báo tử của chị N. do Bệnh viện Nhân dân 115 cấp. Chị N. không có giấy tờ tùy thân, hộ khẩu. Gia đình không biết cha mẹ chị N. là ai, hiện ở đâu.
Ông kể: “Anh H. và chị N. không đăng ký kết hôn. Nếu chị N. còn người thân hoặc có nơi cư trú ổn định thì việc hỗ trợ khai sinh cho cháu H.N. sẽ thuận lợi hơn. Để trợ giúp pháp lý cho trường hợp này, chúng tôi đã làm thủ tục giám định ADN để chứng minh huyết thống giữa anh H. và cháu H.N. Sau đó, chúng tôi làm các thủ tục để địa phương đăng ký khai sinh cho cháu theo địa chỉ người mẹ ghi trong giấy chứng sinh. Trong trường hợp địa phương không thể hỗ trợ việc khai tử cho bà N. và khai sinh cho cháu H.N., chúng tôi sẽ đề nghị địa phương đó xác nhận nhân thân và hộ khẩu của mẹ cháu bé có nơi cư trú ghi theo giấy chứng sinh để chúng tôi làm khai sinh cho cháu ở nơi cha cháu cư trú”.
Theo ông Huỳnh Tấn Đạt, làm thủ tục để trẻ mồ côi được nhận người thân một cách hợp pháp trong đại dịch COVID-19 không phải là trường hợp hiếm gặp bởi trên thực tế, có rất nhiều cặp vợ chồng chung sống với nhau rất nhiều năm nhưng không đăng ký kết hôn; khi người mẹ mất do COVID-19, người cha không có giấy tờ hợp lệ để chứng minh nên rất khó thực hiện các thủ tục pháp lý cho con họ. Các nhân viên pháp lý và luật sư gặp nhiều khó khăn do người dân ở trọ, thay đổi nơi cư trú liên tục và không đăng ký tạm trú, thường trú, nhiều trường hợp phải giám định ADN để xác định quan hệ huyết thống, mới làm các thủ tục tiếp theo.
Luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn Luật sư TPHCM) cho biết, thời gian gần đây, Văn phòng Luật sư Gia Đình của ông cũng tư vấn và hỗ trợ về mặt pháp lý cho nhiều trẻ em mồ côi, trong đó có nhiều trường hợp cha mẹ trẻ không đăng ký kết hôn: “Có trường hợp trẻ chưa được khai sinh nhưng đã mất cả cha lẫn mẹ. Trường hợp này phải giám định ADN của họ hàng bên cha lẫn mẹ, sau đó làm thủ tục công nhận cha, mẹ cho con.
Nếu trẻ là con ngoài giá thú hoặc cha mẹ không đăng ký kết hôn thì phải nhờ đến tòa án. Sau khi công nhận cha mẹ, sẽ đến bước làm thủ tục giám hộ và giám sát giám hộ. Trên thực tế, có rất nhiều trẻ mồ côi trong đại dịch COVID-19 gặp các vướng mắc về hộ tịch, nhân thân cần được trợ giúp”.
Phát sinh tranh chấp
Ông Q. (TPHCM) đã trải qua ba cuộc hôn nhân. Những năm gần đây, ông sống cùng người vợ thứ ba là chị M. và có hai người con chung. Trong đợt dịch COVID-19 lần thứ tư vừa qua, ông Q. không may mắc COVID-19, qua đời. Trong lúc ba mẹ con chị M. chưa biết xoay xở thế nào khi mất đi trụ cột của gia đình thì các con của người vợ trước đến đề nghị chia tài sản thừa kế của ông Q. là căn nhà mà ba mẹ con chị M. đang sống.
Theo chị M., tài sản này do vợ chồng chị tạo lập trong thời kỳ hôn nhân, do chị đứng tên sở hữu. Hai con nhỏ của chị M. hiện đang còn đi học. Nếu chia tài sản này cho những người con của ông Q. với vợ trước thì chị và các con phải ra ở nhà thuê. “Từ lúc nghe các anh đến đòi chia tài sản, hai con tôi rất lo lắng. Khi đi gặp các luật sư tư vấn, tôi được giải thích là vợ chồng tôi có đăng ký kết hôn nên chắc chắn sẽ được pháp luật bảo vệ về quyền sở hữu tài sản, quyền thừa kế. Từ đó, ba mẹ con tôi mới bớt lo mất nhà” - chị M. kể.
Theo luật sư Trần Minh Hùng, một trong những vướng mắc pháp lý mà trẻ mồ côi có thể gặp phải là cha mẹ không kịp để lại di chúc. Trẻ có thể bị những người thân còn lại của mình tranh chấp tài sản. Tuy nhiên, pháp luật đã quy định rất rõ cho trường hợp này, đó là trẻ sẽ được chia thừa kế theo Bộ luật Dân sự năm 2015. Các bên sẽ được xác định hàng thừa kế theo điều 651 Bộ luật Dân sự năm 2015; những người cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau. Người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước (do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản). Những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất sẽ được hưởng phần di sản bằng nhau, gồm cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết. Phần di sản mà trẻ nhận được khi chưa đủ tuổi thành niên sẽ cần người giám hộ để quản lý phần tài sản đó.
Năm 2009, cháu G.P. được ông A.Đ. (TPHCM) nhận làm con nuôi. Vừa qua, ông Đ. không may mắc bệnh, qua đời. Vợ ông Đ. không muốn nhận cháu G.P. làm con nuôi nữa nên khởi kiện ra tòa án, đề nghị hủy quyết định nhận con nuôi. Cháu G.P. đứng trước nguy cơ phải vào sống trong các trung tâm hỗ trợ xã hội do không còn nơi nương tựa. Quyền thừa kế tài sản mà ông Đ. để lại cho cháu G.P. cũng không được đảm bảo. Khi thụ lý vụ án, tòa án cấp sơ thẩm đã gửi thông báo cho Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước TPHCM đề nghị trợ giúp pháp lý cho trường hợp này.
Theo ông Huỳnh Tấn Đạt, vụ việc này tương đối phức tạp. Ở cấp sơ thẩm, tòa án đã tuyên hủy quyết định nhận con nuôi. Điều này đồng nghĩa với việc cháu G.P. sẽ bị mất hết quyền về tài sản của người cha nuôi để lại. Sau đó, trung tâm đã có văn bản gửi nhiều đơn vị liên quan. Ở cấp phúc thẩm, tòa án đã tuyên theo hướng đảm bảo quyền về tài sản cho cháu G.P. Như vậy, cháu sẽ được 25% tài sản do ông Đ. để lại và không phải vào trung tâm hỗ trợ xã hội do không có nơi nương tựa.
Các em học sinh mồ côi ở H.Hóc Môn đang được cán bộ Hội Phụ nữ Công an TPHCM thăm hỏi, động viên
Cần hỗ trợ pháp lý cho trẻ mồ côi
Ông Đặng Lê Anh - chuyên gia tâm lý trị liệu và chữa lành - cho biết, những tranh chấp tài sản thừa kế như nêu trên sẽ dễ ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý của trẻ, đặc biệt là trẻ vị thành niên. Các cháu vừa trải qua một biến cố rất kinh khủng là mất người thân, nếu sau đó tiếp tục gặp cú sốc tâm lý thì dễ rơi vào khủng hoảng, trầm cảm.
“Theo tôi, với số trẻ mồ côi sau đại dịch COVID-19 lên đến hàng ngàn, ngành chức năng của TPHCM cần xây dựng một đội ngũ gồm các chuyên gia tâm lý và pháp lý đồng hành hỗ trợ cho trẻ. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Mặt trận Tổ quốc hoặc Hội LHPN có thể đứng ra quy tụ và duy trì hoạt động của đội ngũ này” - ông Đặng Lê Anh đề xuất.
Ông Huỳnh Tấn Đạt cũng cho rằng, cùng với việc chăm lo về vật chất, tinh thần, cần quan tâm hỗ trợ về pháp lý cho trẻ em mồ côi. Việc bất ngờ mất đi cha mẹ trong đại dịch COVID-19 đã khiến các em và những người thân trong gia đình gặp không ít vướng mắc pháp lý. Những vấn đề này cần được giải quyết nhanh chóng, thấu đáo, đúng pháp luật, tránh làm ảnh hưởng đến trẻ.
Theo ông, việc hỗ trợ pháp lý cho trẻ mồ côi ở TPHCM đã được Sở Tư pháp TPHCM chỉ đạo từ rất sớm. Từ tháng 9/2021, sở đã có văn bản hướng dẫn các phòng tư pháp quận, huyện và TP.Thủ Đức yêu cầu cán bộ phụ trách tư pháp phường, xã, thị trấn quan tâm vấn đề chăm sóc, giám hộ trẻ em mồ côi không có người nuôi dưỡng do cha, mẹ, người thân mắc COVID-19 qua đời và quản lý di sản chưa xác định được người thừa kế, người quản lý di sản.
Theo hướng dẫn của Sở Tư pháp TPHCM, với các trường hợp kể trên, UBND phường, xã, thị trấn nơi trẻ em cư trú phải hỗ trợ, nuôi dưỡng, đồng thời quyết định các biện pháp chăm sóc thay thế, đăng ký giám hộ cho trẻ theo quy định. Nếu trẻ không có người giám hộ, địa phương cử người giám hộ.
Trong trường hợp chưa thực hiện được các biện pháp chăm sóc thay thế cho trẻ, địa phương thực hiện ngay các biện pháp chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ, quản lý tài sản của trẻ khi chưa tìm được người giám hộ. Đối với di sản do cha, mẹ, người thân của trẻ bị mất để lại, địa phương quản lý trong trường hợp chưa xác định được người thừa kế, người quản lý di sản và giao lại di sản khi có yêu cầu của người thừa kế theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015.
Báo Phụ nữ TPHCM, ngân hàng BIDV phối hợp với Đảng ủy - UBND - UB MTTQ Việt Nam phường Nguyễn Thái Bình (quận 1) trao quà tết cho các hoàn cảnh khó khăn.
Cầu Tân Kỳ Tân Quý, quận Bình Tân thông xe giúp giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông và từng bước hoàn thiện phát triển mạng lưới giao thông khu vực.