Trẻ mồ côi do COVID-19 cần được hỗ trợ toàn diện

17/09/2021 - 06:51

PNO - Sau khi Báo Phụ Nữ TPHCM đăng bài về trẻ mồ côi do dịch COVID-19, nhiều bạn đọc cho rằng, ngành chức năng TPHCM cần thống kê đầy đủ những trường hợp trẻ bị mất người thân trong dịch để chăm lo kịp thời.

 

Cán bộ Hội LHPN Q.Tân Bình, TP.HCM chuẩn bị sữa, tã thăm các bé sơ sinh mất mẹ  do COVID-19
Cán bộ Hội LHPN Q.Tân Bình, TPHCM chuẩn bị sữa, tã thăm các bé sơ sinh mất mẹ do COVID-19

Rà soát kỹ để không bỏ sót trẻ mồ côi

Ngày 16/9, Phòng Bảo vệ, Chăm sóc trẻ em và Bình đẳng giới thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) TPHCM công bố, toàn thành phố có 623 trường hợp trẻ em từ 0 đến 16 tuổi có cha, mẹ hoặc người nuôi dưỡng trực tiếp mất do dịch COVID-19, trong đó có 11 trẻ mất cả cha lẫn mẹ. Trong khi đó, ngày 13/9, báo cáo tình hình đầu năm học 2021 - 2022 của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TPHCM ghi nhận, TPHCM có 1.517 học sinh mồ côi do dịch bệnh. 

Lý giải về sự khác biệt số liệu này, đại diện Sở LĐTBXH TPHCM cho rằng, có thể do cách thống kê khác nhau. Học sinh từ mầm non đến hết lớp 12 có thể gồm cả nhóm trên 16 tuổi; số liệu cập nhật từ xã, phường, thị trấn có nơi còn chưa kịp với tiến độ chăm lo thực tế do việc phòng, chống dịch đang quá tải. Ngoài ra, ở một số nơi, cán bộ chuyên trách trẻ em cũng bị ảnh hưởng của dịch (đang là F1, F0), chưa thể cập nhật thông tin.

“Con số 623 trẻ mồ côi mà sở đang theo dõi, chăm lo là thống kê chưa đầy đủ. Chúng tôi vẫn đang cập nhật và mong là con số này không tăng lên nhiều. Điều quan trọng là chính quyền các địa phương phải cố gắng không để sót trường hợp trẻ mồ côi nào, từ đó bỏ sót việc chăm lo và khiến các em không được hưởng các chính sách hỗ trợ theo quy định của Chính phủ” - đại diện Phòng Bảo vệ, Chăm sóc trẻ em và Bình đẳng giới nói.

Về con số hơn 1.500 học sinh ở TPHCM mồ côi do dịch COVID-19, một cán bộ của Sở GD-ĐT TPHCM cho biết, dữ liệu này được lấy từ hệ thống cơ sở dữ liệu của ngành, hiệu trưởng các trường rà soát, nắm thông tin và báo cáo lên hệ thống dữ liệu chung. Hiện sở đang cho rà soát lại nguồn dữ liệu này và yêu cầu nhà trường có phương án hỗ trợ học sinh của mình. Riêng sở sẽ có các chế độ về học phí, chi phí học tập cho các em trong thời gian tới, đồng thời tham mưu UBND thành phố hỗ trợ điều kiện học tập, chế độ cho các em theo từng diện phù hợp (mồ côi cha, mồ côi mẹ, mồ côi cả cha lẫn mẹ, mồ côi do COVID-19 và không phải do COVID-19). 

Theo ông Lê Hoài Nam - Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM - trong buổi làm việc với Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TPHCM, sở nêu đánh giá, dịch COVID-19 đã gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe người dân, bao gồm cả học sinh, giáo viên. Theo thống kê mới nhất, có 10.073 học sinh phổ thông, 3.386 giáo viên đang thuộc diện F0, 1.517 học sinh mồ côi do dịch COVID-19. 

Từ đó, sở kiến nghị HĐND TPHCM tiếp tục có chính sách hỗ trợ giáo viên mầm non ngoài công lập, chăm lo giáo viên thất nghiệp do trường học giải thể vì dịch COVID-19, có chiến lược chăm lo dài hơi, có chương trình học bổng hỗ trợ học tập cho 1.517 học sinh mồ côi do dịch COVID-19.

Cần quan tâm đến tinh thần của trẻ

Trao đổi với chúng tôi về khía cạnh chăm sóc tinh thần cho trẻ mồ côi do COVID-19, ông Phương Đình Toại - giảng viên thỉnh giảng tại Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM) - cho rằng, các em đang rất cần sự chăm sóc thay thế, tốt hơn hết vẫn là những người thân còn lại trong gia đình: “Nếu mất cha mẹ thì ông bà, cô dì, chú bác chăm sóc thay vì gửi trẻ vào viện mồ côi. Cũng có thể gửi trẻ làm con nuôi để giảm thiểu ảnh hưởng tâm lý cho các em”.

Bà Nguyễn Trần Phượng Trân - Chủ tịch Hội LHPN TP.HCM - thăm bé chín ngày tuổi mất mẹ do COVID-19 ở H.Bình Chánh
Bà Nguyễn Trần Phượng Trân - Chủ tịch Hội LHPN TPHCM - thăm bé chín ngày tuổi mất mẹ do COVID-19 ở H.Bình Chánh

Theo ông Phương Đình Toại, việc mất cha mẹ đột ngột sẽ gây sang chấn tâm lý mạnh cho trẻ: “Tâm lý đó rất phức tạp, cần có người đồng hành với các em. Việc theo dõi tâm lý phải thường xuyên để các em có cơ hội nói ra sự đau buồn của mình. Cũng cần những người có khả năng thu thập lại những thông tin về cha mẹ các em, kể cho các em những câu chuyện về gia đình, để các em biết được những gì đã xảy ra. Những ký ức về cha mẹ cũng là cách để trẻ giải tỏa nỗi niềm”. Ông cũng lưu ý, truyền thông cần tuân thủ quyền riêng tư cá nhân, không nên đăng hình các em lên báo, mạng. Cũng theo ông Phương Đình Toại, cần có một nghi thức tưởng niệm những người đã mất do COVID-19. Lễ tưởng niệm cho thấy rằng, có nhiều người quan tâm đến cái chết của cha mẹ các em.

Còn theo bà Nguyễn Thị Tuyết Xuân - từng là chuyên viên tư vấn tâm lý Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai - không thể có giải pháp chung cho người thân của hơn 1.500 trẻ mồ côi trong đại dịch: “Mỗi trẻ có một cá tính, một tương quan rất cá nhân với cha hay mẹ của mình. Mỗi em một hoàn cảnh gia đình riêng. Do đó, khoảng trống gây ra do sự mất đi người cha, người mẹ ấy sẽ có hình thù khác nhau với từng trẻ, từng hoàn cảnh. Ngoài ra, người thân sẽ chăm sóc trẻ là ai cũng sẽ ảnh hưởng nhiều đến khả năng giúp trẻ trong giai đoạn khó khăn này”.

Theo bà Tuyết Xuân, cần những nhóm xã hội dân sự chuyên nghiệp, có kinh nghiệm trong lĩnh vực xã hội, có kiến thức trong giao tiếp với trẻ, hỗ trợ gia đình của trẻ một cách riêng biệt. Những nhân viên xã hội này có thể hỗ trợ người thân của trẻ bằng cách đồng hành trong quá trình giúp trẻ ổn định tâm lý theo đúng hoàn cảnh riêng. “Bằng trực giác của tình yêu, người thân của trẻ sẽ cảm nhận được. Với sự giúp đỡ của các nhân viên xã hội được đào tạo về tâm lý bài bản, người thân của trẻ sẽ biết cách bảo vệ trẻ, tránh các nguy cơ gây thêm tổn thương cho trẻ. Ngoài ra, bất cứ sự lạm dụng, lợi dụng nào về hình ảnh, truyền thông liên quan đến các em cũng sẽ gây thêm tổn thương cho trẻ và gia đình” - bà Tuyết Xuân khẳng định. 

Nhiều chương trình giúp học sinh khó khăn

Nhằm giúp học sinh có hoàn cảnh khó khăn, mồ côi cha mẹ hoặc mất người nuôi dưỡng do dịch COVID-19 vươn lên trong học tập và cuộc sống, Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên Việt Nam và Hội đồng Đội TPHCM triển khai đội hình “Gia sư áo xanh” gồm các tình nguyện viên là sinh viên, giáo viên hỗ trợ học tập và chăm sóc sức khỏe tâm thần trong suốt năm học 2021 - 2022, bắt đầu từ ngày 15/9.

Bà Tô Thụy Diễm Quyên - Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn và Phát triển giáo dục Innedu - cho biết, bà cùng các cộng sự đang khởi xướng thành lập trung tâm trợ giúp xã hội POWAI với mong muốn giúp trẻ có một cuộc sống bình thường, được bảo vệ sức khỏe, được học tập và phát triển trong điều kiện tử tế để trở thành công dân có ích cho xã hội. Trung tâm này dự kiến hỗ trợ toàn diện hoặc một phần cho tất cả trẻ dưới 18 tuổi bị tổn thương về tinh thần và thiệt hại về vật chất, thể chất, cụ thể là nuôi dưỡng, giảng dạy và hỗ trợ tâm lý, ưu tiên cho trẻ em ở Q.7 và TPHCM. Tài chính của POWAI đến từ nguồn hỗ trợ của ban quản trị, các thành viên và từ xã hội.

Tư vấn, trợ giúp pháp lý cho trẻ mồ côi

Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ - Chi hội trưởng Chi hội Luật sư thuộc Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM - cho biết, từ tháng 8/2021 đến nay, các luật sư của chi hội đã tư vấn, trợ giúp pháp lý cho 44 trẻ mồ côi. Trong đó, nhiều trẻ chưa được khai sinh, không có thẻ bảo hiểm y tế, căn cước công dân khi đã đủ 14 tuổi, chưa được đến trường… Có trẻ bơ vơ nơi nhà trọ, nhưng cũng có trẻ bất đắc dĩ nhận tài sản thừa kế khi còn quá nhỏ. 

Diễm Chi


 Quốc Ngọc - Nghi Anh - Tiêu Hà

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI