Trẻ mê hàng hiệu, vì sao?

19/09/2017 - 09:39

PNO - Để con làm chủ trước nhu cầu vật chất, cha mẹ không nên đáp ứng, thỏa mãn ngay khi con đòi mua, cho con cơ hội trải nghiệm kiên nhẫn.

Chuyện dòng người xếp hàng dài để mua một món hàng hiệu đã không còn lạ ở Việt Nam. Theo khảo sát của Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen, chúng ta nằm trong top 3 thế giới (cùng với Trung Quốc, Ấn Độ) về mức độ yêu thích hàng hiệu. Các chuyên gia tâm lý thì nhìn nhận: niềm mê thích hàng hiệu của giới trẻ phần nào do cha mẹ định hình. 

Tre me hang hieu, vi sao?
 

Vì mẹ mê hàng hiệu

Trước một chiếc áo đầm, ban đầu bé gái chỉ thích sắc màu, kiểu dáng, chất liệu, bé không hề biết hiệu gì, hiệu nào “oách” hơn hiệu nào. Tuy nhiên, khi cha mẹ, người thân hoặc người bán hàng “bơm” những câu kiểu như “Cái này là hàng hiệu, mặc vô nhìn sang, đẳng cấp, khác liền”, thì tự nhiên trong “từ điển” thời trang của bé bắt đầu có hai chữ hàng hiệu.

Bé lờ mờ nghĩ rằng đẳng cấp là thứ có thể mua được, chỉ cần sở hữu món hàng đắt tiền. Bé “dắt” hàng hiệu đi hay hàng hiệu “dắt” bé đi, xui bé lớn lên trở thành “giá treo đồ di động” với niềm tự hào đây là những món đồ khiến chúng bạn lác mắt? Quá trình này hoàn toàn có thể uốn nắn nếu cha mẹ chưa phải là một "con nghiện" hàng hiệu.

Đầu cấp hai, bé Yến Linh đã chăm chút ngoại hình, vào ngắm ra vuốt. Bé chọn trang phục, đồng hồ, điện thoại hiệu đắt tiền; loại rẻ bé luôn chê “bèo”, “củ chuối”, “nhà quê”. Mẹ thỉnh thoảng la mắng bé việc tiêu xài hoang phí, nhưng khi nói chuyện với người khác, mẹ luôn miệng khoe con gái có óc thẩm mỹ và có “gu sang”.

Đơn cử trường hợp bé vào cửa hàng, lướt mắt một vòng, chỉ ngay được món đồ có giá đắt nhất. Nhà ở Q. Tân Bình, TP.HCM, nhưng bé chơi thân với một bạn nhà ở tận Phú Mỹ Hưng, Q.7, chỉ vì bạn này mới sành điệu, có thể cùng bàn luận về mốt thời trang. Một trong những động lực học tiếng Anh của bé là để lên mạng săn hàng hiệu các nước. 

Vì mẹ không dứt khoát

Để mẹ chi tiền mua hàng hiệu, lắm lúc cô bé học sinh lớp năm Kim Mai phải động não và dùng chút kỹ xảo. Thử cận cảnh một pha kì kèo mua hàng hiệu của Mai: chú giao hàng trờ xe đến, Mai chạy lên lầu kéo mẹ xuống để trả tiền.

Mẹ bực bội vì bất ngờ, Mai ngượng nghịu nói: “Thì đó, mai đi du lịch Hà Nội, con muốn có cái áo khoác này để mặc”. Mẹ bé gắt: “Sao con mua hàng qua mạng mà không hỏi mẹ? Con tự ý đặt hàng, giờ con tự trả. Gần một triệu đồng chứ ít gì”.

Mai năn nỉ một hồi, thấy mẹ thêm cương quyết, bé giận dỗi, đòi hủy chuyến đi. Vé máy bay, khách sạn đã đặt, vả lại hai mẹ con không thể giằng co mãi để chú giao hàng đứng đợi, mẹ bé đành móc tiền trả. 

“Lần sau con không được như vậy, nghe không?”. Mai nhanh nhảu gật đầu, mặt lộ vẻ hối hận, nhưng chỉ vài tuần là “lịch sử lặp lại”. Tối đó, Mai mặc áo khoác chụp hình đưa lên facebook, bên cạnh chèn thêm hình cô ca sĩ nổi tiếng, thần tượng của Mai cũng trong chiếc áo khoác y chang. Đưa lên facebook được bạn bè like, bình luận rần rần. Hai ngày ào qua, chiếc áo khoác cưng bị Mai tiễn vào “lãnh cung”, nhường chỗ cho những món hàng cưng mới. 

Cùng tuổi, em họ Mai nhà giàu hơn nhưng lại “tồ” hơn trong chuyện tiêu xài. Một phần do bé là trai, một phần do tính cách, một phần do xử lý của cha mẹ. Hồi học lớp hai, bé đòi mua một cái áo thun có giá đến ba trăm nghìn đồng, mẹ bé không từ chối ngay mà hỏi: “Con có biết ba trăm nghìn đồng lớn cỡ nào không? Cỡ số tiền này, là cái quạt máy mẹ con mình xài sáu năm nay; cỡ số tiền này, mẹ cho con được mười lần ăn hủ tiếu…”.

Đợi bé ngấm, mẹ hỏi tiếp: “Con có thực sự muốn mua cái áo thun giá ba trăm nghìn đồng đó không?”. “Dạ, cũng còn muốn…” - bé khẳng định nhưng giọng yếu hơn lúc đầu. Mấy ngày sau, bé hỏi mẹ đã “lãnh lương chưa”, bé đã chấm một áo khác chất lượng ngang bằng nhưng giá chỉ phân nửa chiếc áo đòi mua hôm trước. 

Hàng hiệu không có lỗi

Bản thân mỗi món hàng hiệu đều có giá trị sử dụng riêng và hoàn toàn phù hợp với người có thu nhập tương xứng. Hàng hiệu không có lỗi, vấn đề không ổn xảy ra khi trẻ nhầm lẫn, xem hàng hiệu là thước đo giá trị con người. Chỉ cần mua lấy, phủ lên, đắp lên người là hẳn có đẳng cấp, phong cách, là giá trị bản thân được nâng cao.

Trẻ cũng dễ nghĩ lệch rằng, chọn sự hào nhoáng để xây dựng tình bạn. Những đứa trẻ chạy theo sự hào nhoáng thực ra dễ nghi ngờ, sợ hãi, bất an. Đặc biệt, khi kinh tế gia đình sa sút, hay bị cắt nguồn để thể hiện, phô trương, trẻ dễ suy sụp, tự ti, bế tắc, mất bạn bè, mất phương hướng.

Để con làm chủ trước nhu cầu vật chất, cha mẹ không nên đáp ứng, thỏa mãn ngay khi con đòi mua, cho con cơ hội trải nghiệm kiên nhẫn, chờ đợi; cho con một khoảng thời gian suy nghĩ, cân nhắc. Ra quyết định khi ấy không còn chỉ dựa trên sự thôi thúc từ phía mình mà tổng hòa điều kiện từ nhiều phía.

Điều này không phải dễ vì cha mẹ thường có tâm lý bù đắp cho con vì mình quá bận rộn, ít gần gũi, chăm sóc con, hoặc tuổi thơ mình quá thiếu thốn nên khi cuộc sống đã dễ thở, không để con thiệt thòi. Cũng không nên dập ngay những yêu cầu của con, chê bai món hàng, mắng con ích kỷ, đua đòi khiến con cảm thấy bị chối bỏ, cha mẹ không hiểu, không thương mình. 

Có thể vận dụng nghệ thuật “đồng ý - đồng ý - không”: thừa nhận món hàng đó có một số mặt tốt, đẹp; thừa nhận mẹ cũng thấy đáng sở hữu nhưng ngặt nỗi túi tiền hiện chưa cho phép. Có những món trang phục như quần áo, nón, giày, đồng hồ… giúp con khẳng định phong cách, sự độc lập hoặc nhận diện giá trị riêng của nhóm, thể hiện “nơi con thuộc về” với mức giá chấp nhận được thì cha mẹ nên bỏ phiếu thuận.

Cha mẹ định hướng, tạo cơ hội cho con xây dựng giá trị tinh thần phong phú: biết đàn hát, vẽ, nấu ăn, thể thao, cắm hoa, dùng “tài lẻ” và nhiệt tâm của mình để giúp người khác sẽ luôn được yêu quý, “hâm mộ” dù bản thân có chưng diện hay không.

Thạc sĩ Lê Thị Minh Tâm 
(Chuyên viên tâm lý, Trường ĐH RMIT Việt Nam)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI