Trẻ mẫu giáo phát triển trí thông minh và hạnh phúc nhất khi được... tự thiết kế giờ học

22/12/2018 - 09:15

PNO - Trong một tiếng ở ngoài trời, các em được tự do thiết kế bài học của mình, thoải mái chơi đùa hoặc đưa ra câu hỏi bất cứ khi nào các em cần sự hỗ trợ của giáo viên.

Bậc mẫu giáo, chính giai đoạn “tích cóp” này là hành trang quý báu để trẻ phát triển trí óc, lớn lên với những cảm xúc tích cực. Vậy nhưng trẻ mẫu giáo ở Mỹ cũng “cực không kém” trẻ tiểu học trong khi trẻ mẫu giáo ở châu Âu lại… sướng hơn nhiều.

Ba tiếng rưỡi mỗi ngày học về ngữ văn, một tiếng rưỡi học toán, 20 phút dành cho các hoạt động thể chất. Cứ mỗi bốn tuần sẽ có bài kiểm tra 56 câu dành cho hai môn toán và ngữ văn. Phần lớn trẻ Mỹ đang học mẫu giáo với khung chương trình tương tự. Nhiều giáo viên và kể cả phụ huynh không phân biệt được chương trình mẫu giáo với chương trình ở bậc tiểu học vì độ khó và lượng kiến thức gần như giống nhau. Vấn đề đang trở thành chủ đề bàn tán sôi nổi trên các diễn đàn giáo dục ở Mỹ. 

Từ năm 1998-2010, các nhà nghiên cứu tại Đại học Virginia (Mỹ) từng làm khảo sát với giáo viên mẫu giáo và hầu hết giáo viên đều xác nhận rằng chương trình ở bậc học này đòi hỏi trẻ nhỏ phải tập trung cao độ, đặc biệt là học tập đọc. 

Tre mau giao phat trien tri thong minh va hanh phuc nhat khi duoc... tu thiet ke gio hoc
Trẻ mẫu giáo ở Phần Lan tự thiết kế giờ học ngoài trời của mình.

Khi đặt vấn đề chuyện học bậc mẫu giáo ở Mỹ, các nhà nghiên cứu đã lấy ví dụ ở Phần Lan để so sánh. Ở Phần Lan, việc học mẫu giáo là bắt buộc và học phí do chính phủ trả. Giờ học mỗi sáng của các em bắt đầu từ 9g30 với hoạt động ngoài trời. Trong một tiếng ở ngoài trời, các em được tự do thiết kế bài học của mình, thoải mái chơi đùa hoặc đưa ra câu hỏi bất cứ khi nào các em cần sự hỗ trợ của giáo viên. 

Cô Anni-Kaisa Osei Ntiamoah (giáo viên Trường mẫu giáo Niirala ở thành phố Kuopio, Phần Lan) hỏi học trò: “Các con đang làm gì vậy?” - “Tụi con đang đào đất” - “Các con còn làm gì nữa không?” - “Không ạ, chỉ đào đất thôi ạ!”. Anni-Kaisa sẽ dừng lại chốc lát bên cạnh những đứa trẻ rồi cô di chuyển, tiếp tục quan sát các bạn khác và thỉnh thoảng, cô có thể tham gia cùng bọn trẻ. Cô Anni-Kaisa chia sẻ: “Khi trẻ thích thú với hoạt động của mình, tôi cảm nhận chúng chẳng hề có áp lực rằng mình đang phải học. Mọi thứ diễn ra rất tự nhiên và việc khám phá trở thành nhu cầu của trẻ đến trường mỗi ngày”.

Các nghiên cứu gần đây cũng chứng minh được rằng, việc tự do chơi đùa trong ngắn hạn và lâu dài đều rất có ích cho quá trình phát triển nhận thức, cảm xúc, kỹ năng xã hội lẫn thể chất của trẻ. Khi chơi vui và có sự hỗ trợ nếu có bất cứ thắc mắc nào khi “vận hành” trò chơi của mình, trẻ sẽ dễ có động lực gắn kết với việc học. Từ đó, khái niệm học sẽ hình thành trong đầu trẻ là niềm vui, là lúc được tìm tòi, khám phá thay vì áp lực. 

Hiệu trưởng Maarit Reinikka của Trường Niirala chia sẻ: “Việc giáo viên bảo trẻ mẫu giáo ngồi xuống, lấy viết và vở ra tập trung học thì đó không phải là cách tốt nhất giúp trẻ có hứng thú với việc học. Nhiệm vụ của trẻ trước khi bước vào lớp Một chỉ là… thật vui vẻ. Chơi chính là cách giúp trẻ đạt được mục tiêu ấy”.

Công việc của giáo viên là người quan sát. Giáo viên thông qua việc quan sát khuynh hướng khám phá, lĩnh vực trẻ có hứng thú sẽ cùng trao đổi với phụ huynh. Từ đó, phụ huynh và giáo viên sẽ lên khung lộ trình xác định khi nào trẻ sẵn sàng đón nhận kiến thức từ sách vở. Điều này sẽ được thực hiện rất nhịp nhàng, không tạo bất cứ áp lực nào cho trẻ và trẻ khi bắt đầu học con chữ đầu tiên sẽ học với tâm thế mình được chơi, được tìm hiểu. 

Thiên Như (theo Atlantic)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI