Mới đây, Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1 đã tiếp nhận và phẫu thuật thành công một trường hợp mắc căn bệnh hiếm gặp trên thế giới: tăng sinh tuyến thượng thận hai bên, gây nên hội chứng Cushing - mặt tròn như mặt trăng - mà gia đình nhầm tưởng trẻ bị béo phì thông thường.
ThS-BS Đào Trung Hiếu, Phó giám đốc BV cho biết, nếu không được phẫu thuật sớm, bệnh nhi sẽ bị béo phì mất kiểm soát, khiến bé không thể đi được, tăng huyết áp và có nguy cơ tử vong.
Tưởng con “thoát gầy”, nào ngờ mang bệnh
Chị Nguyễn Thị A., mẹ bé T.P., 11 tuổi, ở TP.Buôn Mê Thuột, tỉnh Đắk Lắk kể, từ lúc sinh ra đến trước tám tuổi, P. phát triển bình thường như bạn bè trang lứa. Nhưng khi lên chín tuổi, bé bỗng tăng cân liên tục. Ban đầu, cả nhà đều vui vì nghĩ gia đình cung cấp dinh dưỡng đủ và đúng, cơ thể bé hấp thu tốt nên tăng trưởng nhanh.
Nhưng P. chỉ “phì” bề ngang, hai gò má xệ xuống, lông tay chân rậm rạp, da bụng rạn nứt, mặt nổi mụn, dáng đi nặng nề. Gia đình đưa bé đi khám nhiều nơi, từ Đắk Lắk đến BV nhi tại TP.HCM, ở đâu P. cũng được chẩn đoán sức khỏe bình thường, chỉ thừa cân nên BS dặn giảm ăn tinh bột, tăng tập thể dục để giảm cân.
Vợ chồng chị A. bắt con ăn kiêng, chạy bộ, bơi lội và cả tập võ. Nhưng bé vẫn tăng cân đều. Trong gần ba năm, P. tăng 17kg (từ 22kg lên 39kg). Gia đình tiếp tục đưa bé đi khám ở nhiều nơi khác, kết quả “vẫn bình thường” nên khá yên tâm.
|
P. mắc bệnh hiếm gặp khiến bé mập mạp, nhưng gia đình tưởng con béo phì |
Cách đây hơn một tháng, khi ăn sáng cùng gia đình, bé P. uống “ké” ly cà phê của mẹ thì bị mệt, hoa mắt, đau đầu. Nghĩ bé “say” cà phê, nhưng thấy con mệt nhiều, mặt đỏ bừng, than đau đầu nên gia đình đưa P. vào BV địa phương. BS khám và phát hiện P. bị tăng huyết áp đến 180-200mmg Hg (huyết áp trẻ em khoảng 80-120).
Gia đình vội đưa bé xuống TP.HCM khám, kết quả: P. mắc bệnh hiếm gặp, bị khối u ở cả hai tuyến thượng thận (ở trẻ thường chỉ gặp khối u một bên), gây nên hội chứng Cushing, là “thủ phạm” khiến bé bị béo phì, rậm lông, cao huyết áp… P. nhanh chóng được BV Nhi Đồng 1 phẫu thuật, cắt bỏ khối u hai tuyến thượng thận, nếu để lâu bé có nguy cơ phát phì đến mức không đi lại được. Hiện tại sức khỏe P. đã ổn nhưng phải theo dõi, điều trị đến suốt đời.
Hiện nay, tỷ lệ trẻ béo phì ở Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng đang ở mức báo động. Theo thống kê của Viện Dinh dưỡng quốc gia, TP.HCM là địa phương có tỷ lệ trẻ béo phì cao thứ hai trong cả nước với khoảng 13%. Trong đó, không ít trẻ đang có bệnh lý.
Ở khoa Thận - Nội tiết của các BV nhi, dễ dàng bắt gặp bệnh nhi là những trẻ béo phì. Chị Nguyễn Ngọc M., mẹ của bé Hoàng Kim B., 9 tuổi, ở P.15, Q.8, đang điều trị tại khoa Thận - Nội tiết BV Nhi Đồng 1, kể: “Con tôi đang yên đang lành, phát triển bình thường. Nhưng cha cháu vốn “thấp bé nhẹ cân” nên ổng ôm mộng “cải thiện nòi giống” cho con nhỏ.
Mỗi sáng, tối ổng đều pha sữa bột cho con bé uống, thay vì pha 4 muỗng cho 180ml, thì lại pha đậm đặc 6-7 muỗng để mong con cao hơn, khỏe hơn. Từ lúc cháu ba tuổi đã uống sữa kiểu này và tăng cân, phổng phao hẳn ra, vợ chồng tôi đều vui. Đến một ngày, tôi tắm cho con, phát hiện có máu ở vùng kín của bé.
Phát hoảng vì tưởng con bị xâm hại, tôi tra hỏi con, đưa đi BV Nhi Đồng 1 khám. Kết quả là con tôi bị dậy thì sớm. Bé mới 8 tuổi rưỡi nhưng tuổi xương đã đến 12 tuổi. BS nói có thể do dinh dưỡng quá mức, làm bé béo phì và gây dậy thì sớm”.
Trẻ béo phì - phải nghĩ đó là bệnh
Gặp nhau, câu đầu tiên các bà mẹ hỏi nhau luôn là: “con chị bao nhiêu ký?” rồi mới quan tâm đến chiều cao, biết làm những trò gì… Cũng vì tâm lý này nên nhiều gia đình ra sức “vỗ béo” cho con, trẻ càng tăng cân, tròn trịa, càng tự hào và xem đó là thước đo của bố mẹ/ông bà chăm con giỏi, mà không biết, hoặc quên mất trẻ béo phì là nguồn cơn của nhiều căn bệnh, cũng như có những bệnh được biểu hiện bằng triệu chứng béo phì.
Vì lẽ này, đã có những trường hợp con mắc bệnh nhiều năm nhưng gia đình không hay biết, cứ nghĩ con bị béo phì thông thường, khi phát hiện ra bệnh lý đi kèm thì sức khỏe của trẻ đã suy giảm.
Vợ chồng anh Bùi Minh Q., ở huyện Nhà Bè, TP.HCM vẫn mang cảm giác có lỗi vì chủ quan đã khiến con suýt tử vong. Vốn là cháu đích tôn, con cầu con khẩn, nên ngay khi chào đời, bé Sóc, con của anh Q., đã được ông bà, cha mẹ chăm bẵm rất kỹ.
Khi mới sinh bé đã cân nặng 4,4kg, BS cảnh báo có nguy cơ bị tiểu đường sau này. Thế nhưng, trước niềm vui có con, hơn nữa khi ai đến thăm cũng khen “mới đẻ mà bằng con người ta 2-3 tháng” nên vợ chồng anh Q. càng bồi bổ cho bé khiến Sóc múp míp, thừa cân so với tuổi. Vợ chồng anh Q. lại càng tự hào vì con lúc nào cũng bỏ xa “đối thủ”, mà quên mất lời cảnh báo của BS.
Gần đây, sau khi dự sinh nhật của người chị họ, bé Sóc trở nên lừ đừ, mệt mỏi. Cả nhà tưởng bé thức khuya và ăn nhiều gà rán, khoai tây chiên, nước ngọt, kem… nên khó tiêu. Tuy nhiên, đến sáng, thấy con nằm im lìm, gọi mãi không dậy, cả nhà mới tá hỏa đưa bé vào BV Nhi Đồng 1 cấp cứu.
BS cho biết: bé Sóc bị hôn mê do đường huyết tăng cao, khi có biến chứng nặng thế này, có thể bệnh đã diễn biến âm thầm trong thời gian dài nhưng gia đình không biết. Bệnh tiểu đường ở trẻ em nếu không được phát hiện sớm và xử trí kịp thời có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng như hôn mê và sau này là các bệnh lý về tim, hệ mạch máu, tổn thương thần kinh, thận, mắt...
Béo phì không đơn giản là dư cân như nhiều người nghĩ. Đó là nguyên nhân dẫn đến nhiều bệnh lý như: tăng huyết áp, dậy thì sớm, tim mạch, tiểu đường… Ngoài ra, có những bệnh lý như hội chứng Cushing, suy giảm tuyến giáp… cũng làm trẻ béo phì. Một điều rất quan trọng là với những trẻ bị béo phì, người nhà rất dễ bỏ sót bệnh. Vì những chỉ dấu, dấu hiệu của bệnh dễ bị đánh đồng, nhầm lẫn do quan niệm “tại con nít tròn trịa, chứ không có bệnh”.
Thùy Dương