Trẻ mầm non trở lại trường: Đừng chỉ lo COVID-19 mà quên vắc xin khác!

11/04/2022 - 06:56

PNO - Trong bối cảnh nhiều phụ huynh băn khoăn việc lây nhiễm COVID-19 khi học sinh mầm non trở lại trường thì các chuyên gia khuyến cáo nguy cơ từ các bệnh truyền nhiễm như ho gà, uốn ván, virus rota… còn đáng lo ngại hơn. Đặc biệt, thời gian qua, không ít phụ huynh trì hoãn tiêm phòng cho con.

Bình tĩnh đối phó với COVID-19 ở trẻ mầm non

Sau hơn một năm đóng cửa, ngày 13/4 tới đây, TP.Hà Nội quyết định cho trẻ 1 - 5 tuổi quay trở lại trường. Khảo sát của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho thấy, có 80% phụ huynh học sinh đồng thuận với quyết định này. Hà Nội cũng là địa phương cuối cùng trên cả nước cho trẻ mầm non đi học trở lại, sau khi nhiều tỉnh, thành tại khu vực phía Bắc cũng đã bắt đầu mở cửa trường từ đầu tháng 4. Bên cạnh tâm lý hồ hởi của nhiều phụ huynh, chị T.P. (quận Cầu Giấy) chia sẻ, tới đây chị vẫn tiếp tục cho con ở nhà, đợi tình hình dịch thực sự ổn định bởi lo ngại con mình có thể bị lây nhiễm COVID-19. 

Bác sĩ khuyến cáo các bậc phụ huynh không nên vì lo lắng dịch COVID-19 mà trì hoãn cho trẻ tiêm chủng, uống phòng các loại vắc-xin khác như sởi, thủy đậu… - Ảnh: H.A
Bác sĩ khuyến cáo các bậc phụ huynh không nên vì lo lắng dịch COVID-19 mà trì hoãn cho trẻ tiêm chủng, uống phòng các loại vắc xin khác như sởi, thủy đậu… - Ảnh: H.A

Liên quan tới vấn đề này, ông Khổng Minh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, cho biết, hiện, vấn đề COVID-19 đối với trẻ nhỏ không quá lo lắng. Vị chuyên gia đưa ra hai lý do. Thứ nhất, tỷ lệ trẻ chuyển nặng, biến chứng do nhiễm COVID-19 rất thấp, trẻ cũng nhanh hồi phục so với người lớn. Thứ hai, Hà Nội hiện đã qua đỉnh dịch, nhiều gia đình, trẻ em đã trở thành F0.

“Đã đến lúc chúng ta cho trẻ đến trường và không quá lo lắng về vấn đề này. Trường học cũng không phải là môi trường duy nhất khiến trẻ có thể nhiễm COVID-19. Thời gian qua, nhiều trường hợp trẻ mắc bệnh do người lớn đi làm và lây cho các em”, ông Khổng Minh Tuấn phân tích.

Tương tự, bác sĩ Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 1, cho rằng, trẻ em cũng ít lây nhiễm sang các đối tượng khác do đặc điểm thường có xu hướng nuốt vào, thay vì khạc nhổ như người lớn. Virus bám dính tại vòm họng của trẻ em ít, nên chủ yếu có trong đường ruột và thải qua hệ thống ruột hơn là văng theo giọt bắn khi giao tiếp. Trong khi đó, bác sĩ Trương Hữu Khanh cũng nhấn mạnh tới những lợi ích khi đưa trẻ mầm non tới trường, để các bé được tiếp xúc với môi trường bên ngoài, được tương tác với bạn bè, học làm việc nhóm…

“Chỉ trẻ nguy cơ như béo phì hoặc có bệnh nền nặng như suy thận, suy gan giai đoạn cuối, chậm phát triển nặng, tim bẩm sinh nặng… mới dễ chuyển biến nặng, do đó phụ huynh đừng quá lo lắng khi trẻ là F0”, bác sĩ Trương Hữu Khanh khuyên.

Theo Phó giám đốc CDC Hà Nội, điều quan trọng nhất để đảm bảo phòng, chống dịch hiệu quả khi trẻ đến trường đó là gia đình và thầy cô thường xuyên quan sát, phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường để sàng lọc trẻ mắc bệnh. Phụ huynh không nên cố đưa trẻ tới lớp khi có các dấu hiệu ho, sốt… Khi lớp có F0, cần bình tĩnh xử lý, không đóng cửa toàn bộ lớp mà chỉ cho bệnh nhi nghỉ học, các trường hợp còn lại vẫn đi học bình thường, theo dõi sát.

Tiêm đầy đủ vắc xin để bảo vệ trẻ

COVID-19 là căn bệnh mới nên thời gian qua, nhiều người khá lo lắng, kể cả đối với những nhóm bệnh nhân ít bị ảnh hưởng nặng như trẻ từ 1 - 5 tuổi. “Tỷ lệ trẻ tử vong do COVID-19 rất thấp, chỉ khoảng 0,01 trường hợp/1 triệu trẻ. Con số này thậm chí thấp hơn nhiều so với các bệnh đã có vắc xin phòng ngừa như sởi, bạch hầu, ho gà, viêm não…”, ông Khổng Minh Tuấn thông tin. Trong khi đó, Phó giám đốc CDC Hà Nội chỉ ra thực tế, thời gian qua, cũng có một số phụ huynh trì hoãn chưa đưa con đi tiêm phòng các loại bệnh nguy hiểm này vì nhiều lý do, trong đó có tâm lý sợ lây nhiễm COVID-19 khi tới các điểm tiêm ngừa đông đúc. 

Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) cũng từng đưa ra cảnh báo trong năm 2021, khi 1/3 quốc gia trên thế giới bị gián đoạn dịch vụ tiêm chủng do ảnh hưởng của đại dịch. UNICEF lo lắng, sự gián đoạn này đe dọa thành tựu tiêm chủng mà các quốc gia đã nỗ lực duy trì và đạt được bằng vắc xin như thanh toán bại liệt, loại trừ sởi. Theo ước tính có hơn 80 triệu trẻ em dưới một tuổi tại 68 quốc gia bị ảnh hưởng bởi gián đoạn và có nguy cơ mắc các bệnh bại liệt, sởi, bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, các bệnh do vi khuẩn Hib, phế cầu và một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác. 

Đại diện Trung tâm tiêm chủng VNVC cũng cho hay, từ khi dịch COVID-19 bùng phát lần thứ tư tại Việt Nam, tỷ lệ trẻ em đi tiêm chủng các loại vắc xin giảm rõ rệt. Trong đó, đáng lưu ý, nhiều loại vắc xin chỉ có cơ hội chủng ngừa một lần trong đời, nếu quá tuổi sẽ không đạt hiệu quả tối ưu hoặc không có tác dụng, như: vắc xin lao, viêm gan B sơ sinh, tiêu chảy cấp do rotavirus, vắc xin 5 trong 1, vắc xin 6 trong 1, vắc xin phế cầu…

Hiện học sinh các cấp và mầm non tại TP.Hà Nội đã bắt đầu quay trở lại trường học, các hoạt động vui chơi, giải trí cũng đã mở cửa… Do đó, ông Khổng Minh Tuấn dự báo, trong thời gian tới, các loại bệnh truyền nhiễm sẽ tăng hơn so với trước đây. Đặc biệt, phụ huynh cần cảnh giác với các loại bệnh xuân hè như chân tay miệng, sởi, viêm não, thủy đậu, tiêu chảy do rotavirus… Từ đó tiêm chủng, uống vắc xin phòng theo đúng lịch hẹn, bảo vệ trẻ an toàn khi cuộc sống đang mở cửa trở lại sau đại dịch. 

Huyền Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI