Tại đây, chủ trường và bảo mẫu thường xuyên đập can, đập muỗng vào đầu trẻ, nhứ dao vào cổ, quăng tô cơm vào ngực, ném đồ chơi vào mặt, thậm chí còn dùng chân đạp vào mặt trẻ, nhận đầu trẻ vào thùng nước…
Nếu sự bất cập trong đầu tư vẫn tiếp tục tồn tại và bậc học mầm non vẫn chưa được quan tâm đúng mức, những vụ hành hạ trẻ sẽ vẫn diễn ra.
Muốn làm chủ trường: dễ ợt
“Muốn làm chủ trường, chủ nhóm trẻ mầm non dễ ợt. Chỉ cần có tiền kèm thêm các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ nhân viên giữ trẻ là xong. Trong khi vấn đề đạo đức của nghề giáo gần như bị bỏ trống” - một cán bộ có 20 năm quản lý ở lĩnh vực giáo dục mầm non đúc kết.
Theo quy định của ngành giáo dục, chủ nhóm trẻ hay lớp mẫu giáo độc lập tư thục sẽ là người đứng tên xin phép thành lập nhóm, lớp. Tiêu chuẩn để xin phép bao gồm: là công dân Việt Nam có phẩm chất đạo đức tốt, sức khỏe tốt, có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông, có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em hoặc chứng chỉ bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục theo quy định.
Không khó để đạt được những tiêu chuẩn rất chung chung ấy. Điều kiện để mở trường mầm non cũng chẳng khác mấy, ngoại trừ phải có bằng trung cấp chuyên nghiệp, có chứng chỉ bồi dưỡng chuyên môn giáo dục mầm non ít nhất 30 ngày hoặc chứng chỉ bồi dưỡng cán bộ quản lý. Vì vậy mà không hiếm những người “tay ngang”, không có kinh nghiệm và hiểu biết gì về nghề nuôi dạy trẻ, cũng góp vốn mở trường mầm non.
Bà Chung Thị Bích Phượng - nguyên Phó phòng Giáo dục và Đào tạo phụ trách giáo dục mầm non Q. Tân Phú, TP.HCM - cho rằng, điều kiện để trở thành chủ nhóm, lớp, trường quá dễ, nên nếu chủ trường thiếu đạo đức, sẽ xảy ra tình trạng “bóp” khẩu phần ăn hoặc bạo hành trẻ. Theo bà Phượng, người cần được học về đạo đức nghề giáo nhất phải là chủ các cơ sở mầm non. Trớ trêu thay, điều này lại đang là lỗ hổng lớn.
“Khi tôi tập huấn cho một số chủ cơ sở mầm non thì thấy rằng, một bộ phận nhà đầu tư mở lớp giữ trẻ chỉ để kiếm tiền. Họ xem đây là hoạt động kinh doanh nên đương nhiên phải nghĩ cách làm sao để có lợi nhuận nhiều và nhanh nhất. Nhiều người mở trường lớp ra rồi “khoán” cho người quản lý mỗi tháng nộp về bao nhiêu tiền chứ không quan tâm đến những vấn đề khác. Để có lãi, người nhận “khoán” buộc lòng phải làm bậy” - bà Phượng kể.
Bà Mai Liên - chủ Nhóm lớp mầm non tư thục Hạnh Phúc (H. Bình Chánh) - cho rằng, rất khó để đòi hỏi cái tâm ở nhà đầu tư nếu không có sự chọn lọc gắt gao ngay từ đầu. Bà Liên trăn trở: “Rất nhiều chủ cơ sở mầm non không có phẩm chất của người làm giáo dục. Họ mở trường, mở lớp không xuất phát từ mong muốn được góp phần cho giáo dục mà chỉ nghĩ đây là nghề kiếm sống. Khi chủ trường chỉ nghĩ đến việc kinh doanh, sự an toàn và hạnh phúc của trẻ bị xếp xuống hàng thứ yếu thì vô cùng nguy hiểm”.
Quản lý lỏng lẻo
Một cán bộ quản lý ngành giáo dục mầm non bật mí: có rất nhiều chuỗi trường mầm non được đầu tư từ giới kinh doanh, nhất là dân kinh doanh bất động sản. Họ tính toán sao cho đạt lợi nhuận tối ưu mà không quan tâm gì đến đặc điểm tâm sinh lý của trẻ, cách để giúp trẻ được an toàn và phát triển tốt. Cũng giống như Lớp mẫu giáo Mầm Xanh, điều duy nhất chủ đầu tư mong muốn là làm sao có thật nhiều trẻ và tiếp nhận trẻ hết sức đơn giản để có doanh thu.
“Về nguyên tắc, mỗi tuần, chỉ nên nhận một trẻ mới và phải cho trẻ làm quen mỗi ngày vào giờ chơi để kích thích trẻ muốn đến trường, trước khi nhận trẻ. Nhưng nhiều trường không theo nguyên tắc này, cứ có trẻ tới là nhận, cũng không cần cho trẻ tập thích nghi. Do chưa được làm quen nên khi vào lớp, trẻ khóc, khiến nhiều trẻ khác khóc theo. Cách làm này mang lại lợi nhuận cho chủ trường nhưng sẽ gây áp lực cho các cô, các cô dễ nổi cáu và các cháu phải hứng chịu hậu quả” - một chủ trường nói.
Trước đó, một hệ thống trường mầm non có các chi nhánh tại Q.5, Q.11 cũng bị Báo Phụ Nữ TP.HCM phanh phui việc cho trẻ uống… sữa ảo, bớt xén khẩu phần ăn của trẻ, dắt trẻ “đi trốn” mỗi khi có thanh tra… Không thể kể hết những thứ không chuẩn mực ở các trường, các nhóm lớp mầm non tư thục. Điều đáng nói là công tác quản lý của các cơ quan chức năng hiện rất lỏng lẻo và gần như không mấy tác dụng, dẫn đến sự “lờn thuốc” và lộng hành.
Các hoạt động kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý đối với nhiều cơ sở giáo dục mầm non “hùm beo” cũng đã bị khống chế. Dễ thấy là cả ba cuộc kiểm tra của Phòng Giáo dục - Đào tạo Q.12 đối với Lớp mẫu giáo Mầm Xanh (trước khi bị đăng báo) đều bị cơ sở này biết trước và dễ dàng đối phó.
Bậc học bị "ngược đãi" nhất
Trẻ em phải luôn là đối tượng được nâng niu, chăm sóc đặc biệt. Thế nhưng, trong giáo dục, trẻ em lại cũng chính là đối tượng bị bạo hành nhiều nhất. Có thể kể: vụ bảo mẫu Quảng Thị Kim Hoa hành hạ trẻ xảy ra ở TP. Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai), vụ bảo mẫu Lê Thị Đông Phương và Nguyễn Lê Thiên Lý nhận nước trẻ xảy ra ở Q. Thủ Đức (TP.HCM), vụ cô giáo đè ngửa và dùng tay đánh vào đầu các bé ở Q. Gò Vấp (TP.HCM), vụ cô giáo Cơ sở mầm non Sen Vàng lấy dép đánh liên tục vào đầu trẻ mầm non ở TP. Hà Nội và mới nhất là vụ Lớp mẫu giáo Mầm Xanh…
Chúng ta đã nói quá nhiều về việc phải nâng niu, chăm sóc trẻ, nhưng trong đầu tư cho giáo dục, bậc học mầm non lại bị “ngược đãi” nhất. Cụ thể, mầm non không được xem là bậc học cần phải phổ cập nên khi đi học, phụ huynh trẻ vẫn phải đóng học phí 160.000 đồng/tháng (khối mẫu giáo), 200.000 đồng/tháng (khối nhà trẻ). Những năm gần đây, trẻ 5 tuổi (lớp Lá) được xem là tuổi phải phổ cập nhưng các cháu vẫn không được miễn học phí. Các chuyên gia giáo dục đã nói nhiều về sự bất hợp lý trong chi tiêu ngân sách cho giáo dục, đó là việc Nhà nước đầu tư, bao cấp tràn lan, dẫn đến những chỗ rất cần được đầu tư như giáo dục mầm non thì lại không có tiền, trong khi sinh viên cao đẳng, đại học, thậm chí cao học, tiến sĩ (đã thành niên), lại tiếp tục được đầu tư, bao cấp.
Nếu sự bất cập trong đầu tư của ngành giáo dục tiếp tục tồn tại và bậc học mầm non vẫn chưa được sự quan tâm đúng mức, trẻ không có chỗ học nên phải chui rúc trong những cơ sở giáo dục “hùm beo” thì không ai dám chắc sẽ chấm dứt được những vụ hành hạ dã man.
Tăng cường quản lý, chấn chỉnh cơ sở nuôi dạy trẻ ngoài công lập
UBND TP.HCM vừa có công văn đánh giá cao việc thâm nhập, phát hiện và phản ánh của Báo Tuổi Trẻ, Báo Phụ Nữ TP.HCM cũng như sự lên tiếng kịp thời của nhiều cơ quan báo chí về hành vi bạo hành trẻ em tại lớp mẫu giáo Mầm Xanh, đồng thời yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND các quận, huyện chỉ đạo các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập cần thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND TP.HCM về tăng cường quản lý các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo tư thục, nhóm trẻ gia đình; không cấp phép cho các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập thực hiện chưa đầy đủ các quy định theo điều lệ trường mầm non; đóng cửa và xử lý nghiêm minh, kịp thời các cơ sở giáo dục vi phạm.
UBND TP.HCM yêu cầu, hằng năm, phải có kế hoạch kiểm tra hoạt động của các nhóm, lớp; rà soát đội ngũ chủ nhóm, giáo viên và nhân viên ở các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập để có kế hoạch bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, rèn luyện đạo đức nhà giáo; yêu cầu UBND Q.12 cần nhanh chóng bố trí tất cả các trẻ của lớp mẫu giáo Mầm Xanh sang các cơ sở giáo dục mầm non công lập khác để không gián đoạn việc nuôi dạy các cháu.
UBND TP.HCM cũng yêu cầu Công an TP.HCM phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM chỉ đạo các cơ quan có liên quan nhanh chóng điều tra, truy tố các đối tượng vi phạm pháp luật, bạo hành trẻ em tại lớp mẫu giáo Mầm Xanh và đưa ra xét xử công khai, nghiêm minh, kịp thời; yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp Sở Tư pháp, Sở Thông tin và Truyền thông nghiên cứu pháp luật hiện hành, tham mưu UBND TP.HCM ban hành quy định về lắp đặt hệ thống camera tại các cơ sở giáo dục mầm non công lập và ngoài công lập có kết nối với điện thoại di động của phụ huynh để tăng cường quản lý, giám sát và đánh giá việc nuôi dạy trẻ an toàn, đạt chất lượng cao.
|
Tiêu Hà - Minh Nhật