Trẻ mầm non phải ăn 5 - 6 bữa mỗi ngày và phải đủ dưỡng chất

05/08/2022 - 16:00

PNO - Trẻ mầm non phải ăn đủ 5 - 6 bữa chính, phụ/ngày. Mỗi bữa ăn phải đảm bảo đủ các nhóm tinh bột, đạm, béo, ăn nhiều rau và trái cây (cung cấp cho cơ thể lượng chất xơ, vitamin và khoáng chất).

Ngày 5/8, Hội LHPN Q.11 phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo quận tổ chức buổi truyền thông chuyên đề chăm sóc sức khỏe dinh dưỡng cho trẻ em mầm non, phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ dành cho giáo viên của gần 50 trường mầm non công lập, ngoài công lập và các nhóm lớp trên địa bàn quận.

Buổi truyền thông chuyên đề chăm sóc sức khỏe dinh dưỡng cho trẻ em mầm non, phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ
Buổi truyền thông chuyên đề chăm sóc sức khỏe dinh dưỡng cho trẻ em mầm non, phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ

Thạc sĩ Trần Thị Hồng - Phó trưởng Phòng khám Sức khỏe sinh sản - KHHGĐ TPHCM, chia sẻ: "Chăm sóc, đảm bảo an toàn cho trẻ chính là sức khỏe, là tương lai và hạnh phúc của các con sau này".

Trẻ mầm non, trẻ dưới 24 tháng tuổi cần có chế độ ăn, uống, ngủ nghỉ, vui chơi hợp lý, khoa học. Trẻ phải ăn đủ 5 - 6 bữa chính, phụ/ngày. Mỗi bữa ăn phải đảm bảo đủ nhóm tinh bột, đạm, béo và ăn nhiều rau, trái cây (cung cấp cho cơ thể chất xơ, vitamin và khoáng chất).

Thời gian lý tưởng của thức ăn được nấu chín từ bếp đến bàn ăn trong khoảng 20 phút, ăn bữa nào nấu bữa đó. Mỗi bữa ăn của trẻ không kéo dài quá 30 phút.

Trẻ mầm non cần được uống đủ nước để tránh bị táo bón. Sữa chỉ nên uống tối đa 500ml/ngày, vì nếu uống nhiều sẽ ngăn cản sự hấp thu sắt, dẫn đến thiếu máu. Ngoài ra, trẻ cần được ngủ sớm, trước 21 giờ để có giấc ngủ sâu, hỗ trợ phát triển hormone tăng trưởng chiều cao vào khung giờ vàng từ 23 giờ đến 1 giờ sáng.

Thạc sĩ Trần Thị Hồng cũng cho biết: trẻ nhỏ có thể gặp phải các tai nạn khi chơi, khi ăn như té ngã, hóc dị vật, phỏng, uống nhầm hóa chất, động vật cắn… Trong từng trường hợp, phải được sơ cứu, cấp cứu kịp thời, đúng cách để giữ an toàn cho trẻ.

Trường hợp té ngã, có vết sưng có thể chườm lạnh để giảm sưng tấy, giảm đau nhưng cần phải thực hiện đúng cách, tránh chườm quá lâu gây ra bỏng lạnh. Nếu té ngã mà va đập vào phần đầu phải theo dõi liên tục trong 72 giờ. Trường hợp bị bỏng, ngay lập tức ngâm bộ phận bị bỏng vào thau nước lạnh, hạn chế làm tổn thương, tróc vùng da bị bỏng.

Đặc biệt, khi bị động vật cắn, rửa vết thương trực tiếp dưới vòi nước bằng xà phòng nhẹ nhàng 2 - 3 lần, đắp 1 miếng băng vô trùng hoặc 1 miếng vải sạch lên vị trí vết thương, đưa đến cơ quan y tế gần nhất để được tiêm phòng và băng bó.

Thiên Ân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI