Trẻ mắc tay chân miệng tăng, bệnh viện lo dịch chồng dịch

13/05/2022 - 06:23

PNO - Các bệnh viện nhi tại TPHCM ghi nhận, ngoài sốt xuất huyết, vài tuần gần đây, số lượng trẻ mắc tay chân miệng cũng đang tăng lên.

Người nhà lo ngại COVID-19 và nghĩ là thủy đậu, bé trai nhập viện điều trị tại Khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 2 trễ, khi mụn nước nổi kín người - ẢNH: PHẠM AN
Người nhà lo ngại COVID-19 và nghĩ là thủy đậu, bé trai nhập viện điều trị tại Khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 2 trễ, khi mụn nước nổi kín người - Ảnh: Phạm An

Khoa Nhiễm - Thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TPHCM) đang điều trị cho 28 trẻ bị tay chân miệng. Con số này tăng gần gấp ba lần so với đầu tháng 4/2022. Một bác sĩ của khoa cho biết, trong đợt dịch COVID-19, trẻ học trực tuyến tại nhà, mọi người tuân thủ tốt quy tắc 5K nhất là hạn chế tiếp xúc, tay chân miệng theo đó cũng giảm. Khi trẻ đi học trực tiếp trở lại có sự tiếp xúc, vì vậy số ca mắc tăng đáng kể.

Nhiều biểu hiện khác nhau

Trong lúc đợi phẫu thuật cho con trai mới hơn một tuổi, anh Lý Văn (ở tỉnh Đắk Nông) thấy con sốt cao, trên người nổi nhiều ban đỏ nên báo với bác sĩ. Sau thăm khám, con anh được bác sĩ chuyển qua Khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TPHCM) với chẩn đoán bé trai bị tay chân miệng.

Lúc này, con trai anh Văn sốt cao, bỏ sữa, tay chân bắt đầu nổi nhiều bóng nước, lan ra miệng và khắp cơ thể. Bé nóng rát, quấy khóc nhiều hơn. Sau một tuần, các mụn nước nhỏ mới khô dần, bé hết sốt và đang đợi bác sĩ chuyển đến khoa khác để mổ.

Nằm ngoài hành lang, cả người bé trai hai tuổi T.T. (ở tỉnh Đồng Nai) “nhuộm” đầy thuốc tím. Bác sĩ cho biết, bé T. được đưa vào quá trễ, mụn nước đã nổi khắp cơ thể và khoang miệng. Theo mẹ bé T., sau hai ngày bé sốt cao không hạ, ở cẳng tay bắt đầu nổi nhiều mụn nhỏ li ti.

“Lúc đó, cả nhà cứ nghĩ bé bị COVID-19, đến khi mụn nước thì nghĩ là thủy đậu nên vẫn chần chừ cho bé đến bệnh viện mà cho tắm nước lá. Đến ngày thứ năm, bé khóc suốt, bỏ bú, ói nhiều lắm”, mẹ bé T. kể.

Còn chị Minh Nguyệt (ở tỉnh Bình Dương) kể con trai chị nhập viện đã bốn ngày. Cách đây hai tháng, bé Đ.Q. (hơn hai tuổi) bị COVID-19, sau đó bị viêm phế quản kéo dài nên chị theo dõi sức khỏe của con rất kỹ. Ngày 7/5, bé đang chơi bỗng sốt cao không hạ, ho nhiều nên chị đưa đi khám bệnh. Bác sĩ ở địa phương chẩn đoán bé bị viêm phế quản, yêu cầu theo dõi bé tại nhà. 

Tuy nhiên, chị Nguyệt thấy khoang miệng của bé có vài nốt mụn nước, chị liền đưa con đến bệnh viện nhi tại TPHCM khám ngay. Bác sĩ chẩn đoán bé bị tay chân miệng độ 2. Đến nay, bé đã ngưng sốt, có thể ăn uống trở lại. Cũng tương tự bé Q., nhưng bé gái 18 tháng tuổi ở giường xếp kế bên vẫn phải truyền dịch vì tay chân miệng.

Dự phòng tình huống dịch chồng dịch

Nếu trong tháng Tư chỉ có 61 trẻ được chẩn đoán tay chân miệng, trong đó chín trẻ nhập viện, thì mới giữa tháng 5/2022, số trẻ đến khám lên đến gần 500 ca, hơn 40 trẻ phải nhập viện điều trị. Thạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Đình Qui, phụ trách quản lý Khoa Truyền nhiễm của bệnh viện, cho biết, trong tổng số trẻ mắc tay chân miệng, chỉ 40% trẻ ở TPHCM còn lại đến từ tỉnh Bình Dương, Đồng Nai…

Số lượng bệnh nhi mắc tay chân miệng tăng kéo theo tỷ lệ tay chân miệng nặng cũng tăng. Đa số trẻ được chẩn đoán độ 2, trong đó, một trẻ chuyển biến nặng sang độ 3.

Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố cũng thông tin, mỗi ngày có khoảng 50 - 70 trẻ mắc tay chân miệng được đưa đến khám, nhưng chủ yếu là bệnh nhẹ, tỷ lệ nhập viện thấp. Một trường hợp biến chứng tay chân miệng nặng được ghi nhận là bé gái ba tuổi (ở tỉnh Long An) bị phù phổi cấp, suy hô hấp, phải thở máy, truyền gamma globulin (huyết thanh)… 

Ngoài một số phụ huynh theo dõi đúng bệnh cho con, vẫn còn nhiều người… bị ám ảnh bởi COVID-19, viêm gan “bí ẩn” mà vô tình giữ trẻ ở nhà, đến khi trẻ nổi đầy bóng nước, không ăn uống được mới đưa đi bệnh viện.

Bác sĩ Qui nhấn mạnh: “Cha mẹ đừng chần chừ đưa con đến bệnh viện nếu trẻ sốt cao hai ngày không hạ, người nổi bóng nước. Bên cạnh đó, sốt xuất huyết vẫn có thể tăng đến hết tháng Sáu, Bảy. Vì vậy, phụ huynh nếu quá lo lắng, có thể liên hệ bác sĩ để được tư vấn, không nên tự ý đưa trẻ đi xét nghiệm viêm gan “bí ẩn” hay sợ COVID-19 mà vô tình bỏ qua tay chân miệng, sốt xuất huyết. Đặc biệt là tiêm ngừa bệnh sởi cho trẻ”.

Với tình trạng hiện tại, bệnh viện lo ngại sẽ có tình huống dịch chồng dịch nên khu nội trú của khoa đã phải chia ra nhiều khu vực để tránh trẻ lây chéo với nhau. Ngoài ra, khoa điều trị cũng tăng cường thêm giường bệnh đề phòng ca bệnh tăng đột biến.

Các bác sĩ khuyến cáo: Biện pháp phòng ngừa tốt nhất vẫn là rửa tay sạch sẽ, vệ sinh nơi ở, rửa đồ chơi của bé thường xuyên bằng xà phòng. Tay chân miệng và sốt xuất huyết đều chưa có vắc-xin, trẻ có thể mắc nhiều lần nên việc phòng ngừa rất quan trọng, tránh nhiễm bệnh và biến chứng nguy hiểm đến tính mạng. 

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM, trong bốn tháng đầu năm 2022, thành phố ghi nhận 936 trường hợp mắc tay chân miệng. Trong đó, 95% ca bệnh là trẻ từ 1 - 5 tuổi. Ở các quận 12, Bình Tân, Gò Vấp, Tân Bình, H.Hóc Môn, khu vực 3 TP.Thủ Đức có số ca bệnh cao.

Phạm An

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI