Trẻ mắc tay chân miệng đang có dấu hiệu tăng

21/04/2022 - 12:45

PNO - Những ngày qua, các bệnh viện Nhi tại TPHCM ghi nhận trẻ mắc tay chân miệng đến khám, nhập viện đang có dấu hiệu tăng.

Tại khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM có trên dưới 10 bé mắc tay chân miệng đang điều trị nội trú với các triệu chứng rõ rệt như tay chân nổi mụn nước, sốt cao,… Đa số các bé ở cấp độ 2A.

Vừa cố gắng đút sữa cho con trai hơn 2 tuổi, chị Nguyễn Thanh Tuyền vừa chia sẻ bé đã nhập viện 3 ngày, đã giảm sốt nhưng các mụn nước trong khoang miệng vẫn còn nhiều nên ăn uống hơi khó khăn. Ở tay chân bé, các mụn nước được bác sĩ xức thuốc đang khô dần.

Theo chị Tuyền, bé chưa đi nhà trẻ, ít tiếp xúc với các bé nhỏ trong nhà nên ban đầu chị nghĩ con trai mắc COVID-19. Chị test nhanh COVID-19 cho con 3 ngày vẫn cho kết quả âm tính. Tuy nhiên, bé vẫn sốt cao không hạ, đến khi phát hiện các mụn nước ở lòng bàn chân và trong khoang miệng bé, chị nhanh chóng đưa con đến bệnh viện thăm khám.

Nhiều cha mẹ nhầm lẫn con bị COVID-19, rôm sẩy,... đến khi các mụn nước nổi nhiều mới đưa con đến bệnh viện
Nhiều cha mẹ nhầm lẫn con bị COVID-19, rôm sẩy,... đến khi các mụn nước nổi nhiều mới đưa con đến bệnh viện

“Do các mụn nước rất nhỏ, chỉ ửng đỏ nên tôi nghĩ con bị rôm sẩy. Cứ lo con mắc COVID-19 nên cũng không để ý các dấu hiệu khác, lúc bé không chịu bú sữa, nước bọt chảy nhiều, tôi mới biết con bị tay chân miệng”, chị Tuyền nhớ lại.

Cho đến khi được mẹ đưa đến Bệnh viện Nhi đồng 2 điều trị, bé T.K.N. (4 tuổi, ở quận 1) cũng nổi rất ít mụn nước nhưng sốt rất cao. Chính vì vậy, chị Thúy Hằng (mẹ của bé) không nghĩ đến con bị tay chân miệng.

Theo chị Hằng, bé N. vừa khỏi COVID-19 được 5 ngày nên chị cứ nghĩ bé mắc hậu COVID-19. Chị cố gắng theo dõi, vừa cho con uống thuốc hạ sốt, vừa lau mát cho bé 2 ngày thì bé N. mệt lả, có dấu hiệu tiến triển nặng nên cả nhà vội vã ôm bé đi bệnh viện.

Bác sĩ Trần Ngọc Hạnh Đan – khoa Nhiễm - Thần Kinh cho biết, gần đây trẻ mắc tay chân miệng đang tăng. Có thể trong những tuần kế tiếp, số lượng trẻ mắc bệnh này cũng sẽ tăng lên bởi khi đi học, các hoạt động vui chơi, giải trí rất dễ lây nhiễm tay chân miệng. 

Hiện tại, các ca tay chân miệng đang ở mức độ nhẹ và vừa. Tuy nhiên, khi càng nhiều trẻ mắc bệnh sẽ kéo theo ca nặng xuất hiện, độ tuổi cũng mở rộng hơn. “Đặc biệt, với trẻ nhóm tuổi mầm non, mẫu giáo khó có thể mang khẩu trang, rửa tay thường xuyên,… vì vậy, cha mẹ nên lưu ý các biểu hiện của con, tránh nhầm lẫn giữa tay chân miệng và COVID-19 trong chăm sóc trẻ”, bác sĩ Đan thông tin.

Có trẻ chỉ nổi mụn nước ở trong khoang miệng nên khi có dấu hiệu nặng mới được đưa đi khám bệnh
Có trẻ chỉ nổi mụn nước ở trong khoang miệng nên khi có dấu hiệu nặng mới được đưa đi khám bệnh

Thêm phần, tay chân miệng “trái mùa” có thể do tác động của COVID-19. Thời gian qua, TPHCM có giai đoạn thực hiện giãn cách xã hội và 5K nên số lượng trẻ mắc tay chân miệng có xu hướng giảm. Tuy nhiên, ở giai đoạn hiện tại, các chuyên gia dịch tễ khuyến cáo nguy cơ trẻ vừa mắc COVID-19 vừa bị tay chân miệng sẽ có phần khó khăn trong điều trị. Quan trọng, tay chân miệng có thể gây biến chứng nguy hiểm nếu bị phát hiện muộn, người lớn nhầm lẫn trong chăm sóc.

Bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2 cũng cho biết, tuần qua, trẻ mắc tay chân miệng cũng đang có xu hướng gia tăng, trẻ nội trú dao động từ 9 đến 10 trẻ độ 2A. Tuy tay chân miệng là bệnh “theo mùa”, phụ huynh cũng khá quen thuộc trong phát hiện và chăm sóc trẻ, nhưng từ khi dịch COVID-19 xuất hiện, việc nhận định bệnh của người lớn bị chi phối, đặc biệt khi trẻ nóng sốt, mọi sự lo lắng đều hướng đến lo ngại con em mình là F0 vô tình bỏ qua tay chân miệng. Cho đến khi trẻ bị nổi nhiều mụn nước mới đưa con đi bệnh viện.

Theo các bác sĩ, trong giai đoạn khởi phát, nếu trẻ có các triệu chứng như sốt, mệt mỏi, đau họng, quấy khóc, chảy nước bọt nhiều, biếng ăn, bỏ bú,… sau đó có phát ban trên da, nổi mụn nước li ti ở lòng bàn tay, đầu gối, nặng hơn các bóng nước gây loét miệng ở trong má, lợi, lưỡi gây đau rát cho trẻ. Lúc này cha mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện để được bác sĩ thăm khám và cho thuốc điều trị.

Nếu trẻ có dấu hiệu co giật, mê sảng, đi đứng dễ té ngã,… có thể trẻ đã bị tay chân miệng nặng, nguy hiểm. Đừng chần chừ, lo ngại COVID-19, cha mẹ phải đưa con đến các cơ sở y tế ngay.

Bác sĩ lưu ý trẻ nóng sốt kèm theo nổi mụn nước ở lòng bàn tay, chân, đầu gối, vùng miệng,... cha mẹ phải nghĩ đến tay chân miệng thay vì COVID-19
Bác sĩ lưu ý trẻ nóng sốt kèm theo nổi mụn nước ở lòng bàn tay, chân, đầu gối, vùng miệng,... cha mẹ phải nghĩ đến tay chân miệng thay vì COVID-19

“Phụ huynh không nên nghĩ đến COVID-19 quá nhiều mà bỏ qua tay chân miệng, sốt xuất huyết ở trẻ. Ngoài quy tắc 5K, nên tập cho trẻ rửa tay thường xuyên, không sử dụng bình nước, khăn lau, dụng cụ học tập chung với bạn. 

Người lớn cũng phải tắm rửa, vệ sinh sạch sẽ trước khi nấu ăn, chăm sóc bé, chỉnh sửa thói quen ngậm đồ chơi ở trẻ. Thường xuyên lau dọn sạch sẽ các bề mặt tiếp xúc, dụng cụ học tập, mặt bàn, ghế,… sau khi trẻ đi học về. Nếu trẻ mắc tay chân miệng, phụ huynh phải báo ngay với giáo viên để nhà trường thực hiện các biện pháp bảo vệ học sinh khác”, bác sĩ nhắn nhủ.

Trong trường hợp cha mẹ, người bảo hộ phân vân không biết con mình mắc tay chân miệng, COVID-19 hay các bệnh truyền nhiễm khác, hãy gọi đến các số điện thoại tư vấn của bệnh viện để được giải đáp thắc mắc cũng như hướng dẫn theo dõi sức khỏe, chăm sóc trẻ đúng cách. Tránh để trẻ quá nặng mới đưa đến bệnh viện thì đã vào giai đoạn trễ, việc điều trị sẽ khó khăn hơn.

Phạm An

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI