Nhiều trẻ mắc sốt xuất huyết nặng
Sốt xuất huyết (SXH) được xem là bệnh đặc hữu, theo mùa, vốn dĩ quen thuộc với các gia đình phía Nam, đặc biệt vào mùa mưa. Tuy nhiên, bệnh cảnh SXH năm nay khác hơn so với mọi năm. Nhiều phụ huynh lo ngại dịch COVID-19 nên bỏ qua việc thăm khám, điều trị sớm cho con, dẫn đến đa số bệnh nhi mắc SXH được đưa đến bệnh viện khi đã vào giai đoạn quá muộn, tổn thương đa cơ quan, thở máy, đã có trẻ sốc SXH, tử vong.
|
Nhiều trẻ bị mắc sốt xuất huyết đang điều trị tại Khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi Đồng 2, TPHCM - Ảnh: Phạm An |
Theo phó giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ (PGS - TS - BS) Phạm Văn Quang, Trưởng khoa Hồi sức tích cực và Chống độc, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TPHCM), trong ba tháng đầu năm 2022, số lượng trẻ bị SXH đến bệnh viện khám và nhập viện điều trị tăng 1,5 đến hai lần so với cùng kỳ năm 2021. Riêng hai tuần đầu tháng 4/2022, số ca mắc SXH nặng cũng đang tăng lên, trong đó nhiều trẻ bị sốc SXH phải cấp cứu.
“Tính đến hiện tại, Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc đang điều trị gần mười ca trẻ bị SXH nặng tổn thương các cơ quan. Điều đáng tiếc đã có trẻ ngưng thở, ngưng tim trước nhập viện”, bác sĩ Quang nói thêm. Đó là cháu bé tám tuổi bị SXH đã vào giai đoạn nặng, tổn thương nhiều cơ quan. Dù bác sĩ đã cố gắng hồi sức nhưng bé đã tử vong.
Vài ngày trước, Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TPHCM) cũng ghi nhận trẻ tử vong do SXH. Theo đó, bé N.H.H. (năm tuổi, ở tỉnh Bình Dương) được chuyển đến bệnh viện trong tình trạng sốc SXH ngày bốn của bệnh. Lúc này, bé H. đã tổn thương nhiều cơ quan, thêm phần bé thừa cân và bệnh đã vào giai đoạn trễ.
Mặc dù các bác sĩ đã tích cực hồi sức, truyền dịch chống sốc, truyền thuốc trợ tim và các chế phẩm máu để điều chỉnh rối loạn đông máu, hỗ trợ thở máy, lọc máu liên tục, nhưng bé đã tử vong lúc 20g ngày 20/4. Bác sĩ chuyên khoa II Đỗ Châu Việt, Trưởng khoa Hồi sức Nhiễm - COVID-19, Bệnh viện Nhi Đồng 2, cho biết, trong ba tuần nay, số lượng trẻ mắc SXH tăng gấp hai, ba lần. Riêng tại khoa, bệnh SXH có 60 - 70% là nhẹ, nặng chiếm 20 - 30% và tỷ lệ phải lọc máu chiếm 2 - 3%. Ngoài những bé nặng đang được theo dõi sát, khoa có hai trẻ mắc SXH rất nặng, tổn thương gan phải thở máy, lọc máu, truyền huyết tương.
“Mới đây, một bé ở Tây Ninh cũng được bệnh viện tỉnh chuyển đến Bệnh viện Nhi Đồng 2 với tiên lượng rất nặng. Tim, gan, thận đã bị tổn thương nhiều, chúng tôi hồi sức tim, phổi, truyền thuốc trợ tim, vận mạch, lọc máu liên tục sáu ngày, thở máy với thông số khá cao, thay huyết tương bốn chu kỳ. Đến nay, huyết động mạch có ổn định hơn so với ban đầu nhưng đang theo dõi sát và tích cực điều trị cho bé, hiện tại vẫn còn tiên lượng nặng”, bác sĩ Châu Việt nói.
Theo các bác sĩ, nhìn chung, trẻ mắc SXH năm nay khi được đưa đến bệnh viện tập trung ở hai nhóm: trẻ rơi vào sốc SXH nặng mới được người lớn đưa đến bệnh viện và trẻ được đưa đến bệnh viện nhưng vi-rút tấn công rất nhanh, cơ địa nhiều bệnh nền, béo phì…
Đừng chủ quan, dịch sốt xuất huyết có thể bùng phát
Bác sĩ Châu Việt cho biết, tuy bệnh SXH do siêu vi gây ra, đã có từ lâu, 90% trẻ tự khỏi trong vòng 10 - 15 ngày. Tuy nhiên, 10% trẻ gặp chuyển biến bất lợi cần phải can thiệp y tế. Trong số trẻ mắc bệnh nặng, có trẻ bị tổn thương rất nặng, đa phần do vi-rút tấn công vào gan, suy thận, rối loạn đông máu, rối loạn chuyển hóa… gây sốc SXH.
“Những trường hợp trẻ vào giai đoạn nặng, nếu được hồi sức kịp thời vẫn có thể cứu được. Nhưng chúng tôi đang rất lo lắng khi trẻ dư cân, béo phì, hoặc mắc bệnh tim, phổi, não… mắc SXH sẽ diễn tiến nặng rất nhanh. Bởi vi-rút SXH khi vào cơ thể sẽ tấn công các điểm trọng yếu bao gồm cơ quan nội tạng dẫn đến tổn thương nhiều cơ quan, nguy cơ tử vong rất cao”, bác sĩ Châu Việt chia sẻ.
Bác sĩ Quang khuyến cáo, năm nay mùa mưa đến sớm dẫn đến số ca mắc SXH tăng lên. Cha mẹ đừng quá lo lắng dịch COVID-19 mà chần chừ đưa con đến bệnh viện thăm khám. Nhìn chung, trong giai đoạn bệnh SXH và COVID-19 lưu hành, nếu nghi ngờ con nóng sốt do SARS-CoV-2, hãy chủ động test nhanh COVID-19 cho trẻ. Nếu loại bỏ các yếu tố nguy cơ, trẻ sốt liên tục ba ngày, không hạ, phải nghi ngờ đến các bệnh cảnh khác và đưa con đến bác sĩ càng sớm càng tốt.
Thông tin từ Sở Y tế TPHCM, tính đến giữa tháng 4/2022, TPHCM ghi nhận gần 4.500 ca mắc SXH Dengue, trong đó có 109 ca nặng đang điều trị tại các bệnh viện. Hai ca tử vong do đưa đến bệnh viện quá trễ. Số liệu trên rất báo động so với năm 2019 với hơn 20.000 ca mắc, số ca nặng chỉ 38 ca.
Theo PGS - TS - BS Nguyễn Vũ Trung, Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM, diễn biến này phù hợp với chu kỳ dịch bệnh của SXH. Bác sĩ Trung dự báo với dấu hiệu gia tăng số ca mắc bệnh giai đoạn đầu cùng với khí hậu hiện tại, năm 2022, bệnh SXH sẽ rất phức tạp, ngành y tế cần có biện pháp kiểm soát với mục tiêu hạn chế số ca chuyển nặng và tử vong cũng như không để xảy ra những ổ dịch lớn.
Về vấn đề này, PGS - TS - BS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, cho biết có thể SXH sẽ diễn biến phức tạp trong năm nay, nhất là sau hai năm thành phố dồn toàn lực cho đại dịch COVID-19. Để sẵn sàng ứng phó, ông Tăng Chí Thượng đã chỉ đạo Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Đồng 1, Bệnh viện Nhi Đồng 2, Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố, Trung tâm Kiển soát bệnh tật triển khai tập huấn nhắc lại ngay cho các cơ sở y tế.
“Tất cả nhân viên y tế cần được cảnh báo để nhận diện sớm bệnh SXH, tránh bỏ sót gây chậm trễ trong việc điều trị. Sở Y tế yêu cầu UBND các quận, huyện và TP.Thủ Đức triển khai ngay các biện pháp dự phòng SXH. Tăng cường truyền thông đến tận nhà dân và có hình thức xử phạt cá nhân, đơn vị không thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh”, ông Thượng nói thêm.
Phạm An