Trẻ mắc COVID-19 ăn gì mau khỏi bệnh?

14/03/2022 - 15:21

PNO - Với trẻ F0, cha mẹ cần cho bé ăn đa dạng thực phẩm, đầy đủ các yếu tố đa lượng để tăng cường hệ miễn dịch, giúp trẻ mau khỏi bệnh.

Thời gian qua, trẻ mắc COVID-19 đang có xu hướng tăng cao tại TPHCM, nhất là trẻ ở độ tuổi đến trường. Khi trẻ mắc bệnh, cha mẹ thường có quan niệm cho trẻ ăn thật nhiều món ăn bổ dưỡng như tôm, cua, hải sản, tổ yến... kể cả đông trùng, hải sâm, gà tiềm thuốc bắc... mà bỏ qua rau xanh, trái cây. Tuy nhiên không phải cứ ăn nhiều đồ ăn, thức uống bổ dưỡng là tốt, điều quan trọng là nên duy trì chế độ dinh dưỡng phù hợp, đa dạng cho trẻ theo từng độ tuổi để giúp trẻ tăng cường miễn dịch chống COVID-19 hoặc mau khỏi bệnh nếu chẳng may trẻ trở thành F0.

Bé gái F0 được nhân viên y tế thông báo kết quả xét nghiệm âm tính sau một tuần điều trị
Bé gái F0 được nhân viên y tế thông báo kết quả xét nghiệm âm tính sau một tuần điều trị

Theo bác sĩ CK1 Đào Thị Cẩm Thùy - khoa Dinh dưỡng tiết chế, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, bên cạnh các biện pháp dự phòng lây nhiễm COVID-19 theo khuyến cáo của Bộ Y tế và Tổ chức Y tế Thế giới, việc đảm bảo chế độ dinh dưỡng đầy đủ và duy trì lối sống tích cực, lành mạnh đóng vai trò quan trọng giúp nâng cao miễn dịch và phòng chống dịch bệnh.

Chế độ ăn đa dạng thực phẩm, đầy đủ, cân bằng các yếu tố đa lượng và vi lượng đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với chức năng hệ miễn dịch, có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh cũng như rút ngắn thời gian điều trị đối với trẻ là F0.

“Ngay cả đối với những người khỏe mạnh chưa mắc bệnh, chế độ ăn không đầy đủ mà thiếu cả số lượng và chất lượng vẫn còn rất phổ biến, điều này khiến hệ miễn dịch bị suy yếu và dễ mắc bệnh. Vì vậy, cha mẹ nên cho trẻ ăn uống đa dạng, đủ dưỡng chất, đủ năng lượng, thực đơn khoa học. Chế độ dinh dưỡng cũng cần phù hợp với lứa tuổi của trẻ”, bác sĩ Thùy chia sẻ.

Cụ thể, với trẻ nhỏ dưới 6 tháng, sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tối ưu cho sự phát triển toàn diện của trẻ, do đó, cần tiếp tục cho bé bú mẹ hoàn toàn cả ngày lẫn đêm, bú mẹ ngay khi bé có nhu cầu, bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời.

Với trẻ từ 6 tháng trở lên, nên cho bé ăn uống đa dạng, đầy đủ chất dinh dưỡng, đủ 4 nhóm thực phẩm. Bữa ăn của bé cần có tinh bột, thịt cá, rau củ quả và dầu mỡ để tăng sức đề kháng chống lại bệnh tật. Cần cho bé ăn đủ đạm (protein), vì đây là dưỡng chất có vai trò rất quan trọng giúp cơ thể duy trì hệ miễn dịch khỏe mạnh và giúp nhanh lành bệnh.

Chất đạm (protein) cung cấp nguyên liệu tổng hợp các tế bào bạch cầu và kháng thể được ví như những binh lính trong cuộc chiến chống lại vi khuẩn và virus xâm nhập cơ thể. Đạm có nhiều trong thịt, cá, trứng, sữa và các loại đậu/đỗ.

Bên cạnh đó, cha mẹ lưu ý, với trẻ dưới 2 tuổi nên chế biến thức ăn cho bé ở dạng sệt, lỏng, mềm để trẻ dễ tiêu hóa hơn. Đồng thời, nên chia thành nhiều bữa để bé hấp thu tốt hơn, vì dạ dày các bé có dung tích nhỏ, cho nên việc cho bé ăn nhiều bữa nhỏ giúp tránh tình trạng nôn trớ sau khi ăn, mà vẫn cung cấp đủ năng lượng và bớt cảm giác chán ăn.

Bác sĩ Thùy lưu ý: “Xúp, cháo, bột từ các loại đạm động vật giá trị dinh dưỡng cao như thịt gà, heo, bò cùng các loại rau củ là lựa chọn khá tốt. Các thức ăn lỏng này dễ tiêu hóa, cải thiện hệ miễn dịch, đẩy nhanh hiệu quả chống cảm cúm. Cha mẹ nên cho bé ăn khi thức ăn còn ấm, xúc cho bé ăn chậm, không nên ép ăn, đồng thời nên nấu món bé thích.

Đối với các bé lớn có khả năng ăn thô tốt, nên chế biến đa dạng, thay đổi món. Thức ăn nên ở dạng mềm, cắt nhỏ và phù hợp với khẩu vị của bé nhưng vẫn đảm bảo dinh dưỡng”.

Đối với các trẻ lớn, khi chế biến món ăn nên thêm chút gia vị như tỏi, gừng, nghệ, hành, các loại rau thơm nhiều tinh dầu (bạc hà, kinh giới, tía tô…) trong các bữa ăn hàng ngày còn có tính kháng khuẩn cao, giúp trẻ ăn ngon miệng và mau lành bệnh.

Bác sĩ Thùy cũng khuyến cáo, trong giai đoạn này người lớn không nên cho trẻ ăn kiêng, cần phải ăn đa dạng thực phẩm, màu sắc và dinh dưỡng phong phú. Chế độ ăn đầy đủ vẫn là phương pháp hữu hiệu trong việc cung cấp các vitamin và khoáng chất trên. Trong trường hợp chế độ ăn không đầy đủ, có thể xem xét uống bổ sung các loại đa sinh tố chứa vitamin A, vitamin C, vitamin D, kẽm (Zn), và Selenium (Se). 

Thực phẩm bổ sung các chất giúp tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể:

Vitamin A và caroten thường có trong gan, trứng, khoai lang, bí ngô, cà rốt, đu đủ, xoài, bông cải…

Các loại rau xanh và hoa quả như cam, bưởi, ổi… giàu vitamin C

Thực phẩm chứa nhiều kẽm bao gồm đậu, đỗ, hạt hạnh nhân, thịt heo, thịt bò, hàu, sò, cá…, thực phẩm giàu selen có thể kể đến trứng, nấm, tôm, đậu đỗ, ngũ cốc, thịt heo bò…

Cá và hải sản giàu vitamin A và omega-3, hai dưỡng chất này đóng vai trò quan trọng trong hệ miễn dịch đường hô hấp. Do đó, nên cho trẻ ăn cá ít nhất 2 lần mỗi tuần. Với trẻ lớn, có thể dùng viên dầu cá uống bổ sung hàng ngày.

Vitamin D là dưỡng chất vô cùng quan trọng và không thể thiếu trong quá trình phát triển hệ xương khỏe mạnh và vững chắc, ngoài ra còn góp phần kích hoạt hệ thống miễn dịch, tăng cường sức đề kháng cho cơ thể, bổ sung theo liều hằng ngày rất cần thiết.

Ngoài ra, cha mẹ chơi đùa, thư giãn với con cũng giúp bé tăng cường hệ miễn dịch. Có thể tập thể dục, đi bộ ngoài trời thoáng mát hàng ngày, trẻ lớn chạy hoặc đi bộ nhanh, tuy nhiên chỉ nên tập vừa đủ, không quá mệt, mỗi ngày tập một chút, tránh tập trung nơi đông người.

Bên cạnh đó, cần cho trẻ ngủ sớm, đủ và sâu giúp hệ miễn dịch khỏe mạnh, cơ thể có thời gian tái tạo năng lượng và tinh thần sảng khoái.

Trường hợp trẻ mắc COVID-19 có diễn biến nặng, nhiều triệu chứng, cha mẹ nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị tốt hơn.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI