Trẻ mắc bệnh tiêu hóa tăng cao

25/08/2022 - 06:16

PNO - Các bác sĩ cảnh báo tình trạng trẻ em bị xuất huyết tiêu hóa cấp tính, tổn thương do nuốt phải dị vật và hóa chất tăng cao trong mùa hè. Nguyên nhân chính do ăn uống không đảm bảo vệ sinh và người lớn bận rộn nên lơ là việc để mắt đến các bé.

Nhiều ca xuất huyết tiêu hóa

Tiến sĩ - bác sĩ Hà Văn Thiệu - Quyền Trưởng khoa Tiêu hóa Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 2 (TP.HCM) - cảnh báo nhóm bệnh xuất huyết tiêu hóa cấp tính và nuốt phải dị vật phải nhập viện điều trị đang tăng cao. Vừa qua, bác sĩ đã tiếp nhận bé trai B.P.T. (14 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh). Trước đó, T. được gia đình đưa tới BV cấp cứu do nôn ói và đi cầu phân đen. Bệnh nhi được chẩn đoán xuất huyết tiêu hóa, điều trị bằng thuốc. T. vừa xuất viện được hai ngày thì lại bị tiêu chảy nặng nên gia đình phải đưa em quay trở lại BV. 

Một trường hợp tương tự cũng được bác sĩ Thiệu tiếp nhận vào tuần trước. Đó là bé gái N.T.V. (mười tuổi, ngụ Q.Tân Bình). V. phải vào cấp cứu do đi cầu phân đen, nôn ói, xanh xao và mệt lả. Sau khi làm các xét nghiệm, bác sĩ xác định bệnh nhi bị thiếu máu do xuất huyết đường tiêu hóa. Cả hai trường hợp T. và V. bị xuất huyết tiêu hóa đều do viêm loét dạ dày tá tràng. Không chỉ thế, thêm một trường hợp học sinh đang đi học thêm bỗng dưng ngất xỉu đã được thầy giáo đưa tới BV cấp cứu. Bệnh nhi cho biết mình bị đi cầu phân đen cả tuần nhưng không dám kể với ai. 

Bác sĩ Hà Văn Thiệu đang khám cho một bệnh nhi bị xuất huyết tiêu hóa - ẢNH: THANH HUYỀN
Bác sĩ Hà Văn Thiệu đang khám cho một bệnh nhi bị xuất huyết tiêu hóa - Ảnh: Thanh Huyền

Hiện nay, mỗi ngày Khoa Tiêu hóa BV Nhi Đồng 2 tiếp nhận từ 3 - 4 ca viêm loét dạ dày, tá tràng dẫn tới xuất huyết tiêu hóa phải nhập viện. Độ tuổi của những bệnh nhi này từ 3 - 15. Có những bé nặng tới mức lúc nhập viện ói ra máu, mệt lả. Danh sách bệnh nhi bị xuất huyết tiêu hóa đang chờ nội soi rất nhiều, trên 20 ca và được xếp lịch tới tận ngày 25/10. Theo bác sĩ Thiệu, nguyên nhân chính gây ra viêm loét dạ dày, tá tràng dẫn tới xuất huyết tiêu hóa ở trẻ là vệ sinh ăn uống không đảm bảo, trẻ bị lây nhiễm vi khuẩn HP và các loại vi khuẩn gây bệnh đường ruột.

Nhiều trường hợp nhập viện vì nuốt dị vật

Bên cạnh xuất huyết tiêu hóa thì nhóm bệnh nhi bị tổn thương do nuốt phải dị vật và hóa chất cũng tăng. Chỉ trong một tháng, có cả chục ca nuốt dị vật được đưa vào Khoa Tiêu hóa. Gần đây nhất là trường hợp bé gái P.N.A. (sinh năm 2021, ngụ tỉnh Đồng Tháp), vô tình uống phải nước tẩy nốt ruồi đựng trong chai nước suối.

Chiếc muỗng nhựa được lấy ra từ bụng của một bệnh nhi - ẢNH: A.T
Chiếc muỗng nhựa được lấy ra từ bụng của một bệnh nhi - ẢNH: A.T

Bé A. đang được theo dõi tình trạng bỏng thực quản do hóa chất. Trước đó, ngày 21/7, một bé trai ba tuổi (ngụ tỉnh Đồng Nai) đã được nhập viện do nuốt muỗng nhựa. Ngày 9/7, Khoa Tiêu hóa tiếp nhận một bé gái bảy tuổi nuốt chiếc bông tai kim loại, ngày 6/7 là trường hợp một bệnh nhi nuốt luôn chiếc chìa khóa vào bụng. Ngoài ra, còn rất nhiều trẻ khác nuốt móc câu, cục pin, viên bi sắt…

Đa phần những bệnh nhi này được nội soi gắp dị vật ra ngoài. Tuy nhiên, có một số ca vì dị vật đã xuống ruột non nên chỉ còn cách theo dõi và chờ dị vật ra ngoài khi bé đi cầu. Trong trường hợp dị vật đâm thủng ruột mới tiến hành phẫu thuật. 

Theo bác sĩ Hương Giang - Khoa Tiêu hóa BV Nhi Đồng 2 - đáng lo ngại nhất là các trường hợp trẻ nuốt phải hóa chất hoặc pin. Nếu nuốt hóa chất, trẻ có nguy cơ bị phỏng thực quản. Nếu nuốt pin thì chỉ sau hai tiếng đồng hồ thực quản của bé sẽ bị tổn thương phức tạp. Pin mắc lại ở thực quản sẽ ăn mòn động mạch chủ hoặc các mạch máu chính khác, gây xuất huyết nghiêm trọng. Trường hợp nuốt phải pin nguy cơ tử vong rất cao, nếu may mắn được cứu sống cũng để lại nhiều di chứng nặng nề.

Ngoài ra, trẻ bị viêm dạ dày, viêm ruột cấp do vi-rút cũng đang có xu hướng tăng. Để phòng tránh các bệnh đường tiêu hóa ở trẻ em, bác sĩ Thiệu khuyến cáo phụ huynh và người nuôi trẻ hãy rửa tay với xà phòng trước khi chế biến đồ ăn cho trẻ.

Cần tập cho trẻ thói quen rửa tay trước khi ăn. Mùa hè nắng nóng thức ăn rất nhanh ôi thiu, mọi người không nên sử dụng đồ ăn cũ, hạn chế cho trẻ ăn ở ngoài. Đối với những trẻ lớn có xu hướng tâm lý khép kín, phụ huynh cần quan tâm tới trẻ nhiều hơn để nhận biết các dấu hiệu bất thường đường tiêu hóa ở con như xanh xao, ăn uống kém, mệt lả, nôn ói, đau bụng… 

Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI