Trẻ mắc bệnh tay chân miệng tăng cao

31/05/2024 - 06:16

PNO - Tại Bệnh viện Nhi Đồng 2, số lượng trẻ mắc tay chân miệng đến khám và điều trị trong tháng 4, 5 tăng gấp 4 lần so với những tháng trước đó.

Bác sĩ chuyên khoa 1 Trần Ngọc Lưu (Khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 2) cho biết hiện khoa đang điều trị nội trú cho 13 bệnh nhi, tiếp nhận trung bình 4-5 ca mới mỗi ngày. Từ đầu tháng Năm đến nay, đã có hơn 1.400 ca bệnh tay chân miệng (TCM) được khám và điều trị ngoại trú tại bệnh viện.

Nhiều trẻ nhập viện trong tình trạng nặng

Trong số các ca bệnh TCM phải nhập viện, điển hình là trường hợp bé trai N.V.Đ. (7 tháng tuổi, quê tỉnh Đồng Nai). Bé nhập viện trong tình trạng suy hô hấp, sốt cao khó hạ vào ngày thứ ba của bệnh, giật mình nhiều. Bé được chẩn đoán TCM độ 2B, viêm phế quản kèm theo, phổi có tiếng ran. Bệnh nhi được điều trị theo phác đồ và không diễn tiến nặng thêm. Nếu không được đưa đến bệnh viện kịp thời, bé có thể suy hô hấp, tím tái, thậm chí tử vong.

Bác sĩ  Trần Ngọc Lưu khám cho một bệnh nhi bị  tay chân miệng  có biểu hiện thần kinh,  được chỉ định nhập viện
Bác sĩ Trần Ngọc Lưu khám cho một bệnh nhi bị tay chân miệng có biểu hiện thần kinh, được chỉ định nhập viện

Còn bé P.H.N. (3 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, TPHCM) được gia đình đưa đến bệnh viện do sốt cao khó hạ ngày thứ hai và bị co giật. Lúc nhập viện, bé có nổi hồng ban TCM, sốt cao và đáp ứng hạ sốt theo phác đồ điều trị (TCM độ 2A). Do bé bị co giật nên cần theo dõi sát các dấu hiệu thần kinh vì nguy cơ tiến triển nặng. Bé mới sốt ngày thứ hai, trong khi giai đoạn nguy hiểm nhất của TCM là từ ngày thứ hai đến ngày thứ năm. Các bác sĩ đã cố gắng hạ sốt, tránh để bé sốt cao và co giật lần nữa. May mắn, bé được đưa đến bệnh viện kịp thời.

Sáng 28/5, Khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 2 tiếp nhận thêm 1 trường hợp TCM độ 2B. Bé gái 2 tuổi tên B.M.T.T. (ngụ huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai) nhập viện trong tình trạng nổi bóng nước ở tay, chân, miệng và lưng kèm theo sốt cao khó hạ ngày thứ tư. Bé cũng có biểu hiện thần kinh là giật mình và phổi có tiếng ran. Mẹ bé chia sẻ con thường bị viêm hô hấp và có tiền sử viêm phế quản nên khi thấy con ho và sốt thì chỉ nghĩ bé bị cảm do thời tiết. Lúc thấy các bóng nước nổi ít, rải rác ở chân, tay bé, gia đình tưởng bé bị muỗi đốt. Mãi đến khi bóng nước nổi nhiều và bé sốt cao, giật mình, cha mẹ mới đưa bé đến Bệnh viện Nhi Đồng 2.

Theo bác sĩ Trần Ngọc Lưu, các bệnh nhi TCM phải nhập viện rơi vào 2 nhóm: có biểu hiện thần kinh (sốt cao khó hạ) và có bệnh nền đi kèm (hô hấp, thận mạn) có nguy cơ diễn tiến phức tạp. Một số dấu hiệu nguy hiểm của TCM gồm: hít thở khó khăn, tím tái, co giật.

Chú ý phát hiện sớm dấu hiệu

Bệnh TCM thường có 2 đợt dịch trong năm: đợt 1 vào tháng Tư - tháng Sáu (giao mùa mưa - khô) và đợt 2 vào tháng Chín - tháng Mười (khi trẻ kết thúc nghỉ hè, quay lại trường). Nhiều người cho rằng bệnh TCM chỉ nặng đối với các trẻ nhỏ dưới 5 tuổi nhưng trên thực tế Bệnh viện Nhi Đồng 2 đã từng ghi nhận các trường hợp TCM ở trẻ 11-12 tuổi do nhập viện chậm trễ mà không qua khỏi.

Bác sĩ Trần Ngọc Lưu cho biết, TCM được chia làm nhiều mức độ. Độ 1 thì trẻ chỉ cần theo dõi và chăm sóc ở nhà. Từ độ 2 trở lên là trẻ đã có nguy cơ biến chứng nên bắt buộc phải nhập viện. Ngay cả đối với những trẻ mắc TCM độ nhẹ không cần nhập viện thì phụ huynh vẫn phải tuân thủ những hướng dẫn khi chăm sóc trẻ.

Đó là phải cho trẻ tái khám đúng hẹn. Bệnh TCM chỉ thực sự an toàn sau ngày thứ bảy. Tiếp đó, trẻ cần được cách ly khỏi các trẻ khác để tránh lây nhiễm cho các bé trong gia đình. Khi cho trẻ uống hạ sốt cần đúng liều, cho trẻ ăn thức ăn mềm, dễ tiêu. Quan trọng nhất là trẻ cần được theo dõi sát, phát hiện kịp thời các dấu hiệu trở nặng để đưa đi bệnh viện.

Biểu hiện sớm của bệnh TCM là trẻ sẽ nổi chấm hồng ban, bóng nước ở các vùng nếp gấp nách, bẹn, gối, mông, lòng bàn tay, lòng bàn chân, nổi mụn nước và vết loét trong miệng. Lúc này, trẻ sẽ biếng ăn, quấy khóc, chảy nước dãi.

Ngoài ra, trẻ có thể không sốt hoặc sốt nhẹ, sốt rất cao. Những dấu hiệu nguy cơ biến chứng bao gồm trẻ giật mình liên tục (khi vừa vào giấc ngủ), bứt rứt, quấy khóc, ói nhiều, tím tái, co giật… Khi nghi ngờ trẻ bị TCM, phụ huynh cần đưa trẻ đi khám để được bác sĩ chẩn đoán và hướng dẫn cách theo dõi, chăm sóc trẻ tại nhà, tầm soát các nguy cơ có biến chứng.

Để phòng ngừa bệnh TCM, cha mẹ cần vệ sinh nhà cửa, đồ chơi, sàn nhà sạch sẽ. Người chăm trẻ cũng cần thường xuyên rửa tay để tránh lây truyền mầm bệnh cho trẻ. Nếu trong lớp có trẻ bị TCM thì cần được nghỉ học để cách ly cho tới khi khỏi bệnh.

Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI