Trẻ mắc bệnh giang mai bẩm sinh ở Mỹ có xu hướng tăng mạnh

02/05/2022 - 13:52

PNO - Theo dữ liệu do Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) công bố vào tháng 4, số trẻ sơ sinh ở nước này mắc bệnh giang mai đã liên tục tăng trong một thập niên qua, và đang bùng phát ở mức báo động.

Theo CDC, năm 2012, Mỹ có 332 trẻ sinh ra đã bị nhiễm bệnh giang mai. Đến năm 2021, con số này đã tăng gần gấp 7 lần, lên ít nhất là 2.268 trường hợp, theo ước tính sơ bộ. Và 166 trẻ trong số đó đã tử vong.

khiến thai phụ mắc bệnh giang mai ở Mỹ không được chẩn đoán hoặc điều trị kịp thời
Có nhiều lý do khiến thai phụ mắc bệnh giang mai ở Mỹ không được chẩn đoán hoặc điều trị kịp thời

Khoảng 7% trẻ sơ sinh ở Mỹ được chẩn đoán mắc bệnh giang mai trong những năm gần đây đã tử vong; hàng ngàn trẻ em khác sinh ra với căn bệnh này đã phải đối mặt với nhiều biến chứng nghiêm trọng, trong đó có dị tật não và xương, mù lòa và tổn thương các cơ quan.

“Điều thực sự đáng buồn về căn bệnh này là chúng ta đã gần như xóa bỏ được nó vào năm 2000, nhưng nay nó đã trở lại với mức gia tăng khủng khiếp. Chúng tôi đang cố gắng đưa ra thông điệp rằng sức khỏe tình dục rất quan trọng, và không có gì phải xấu hổ khi nói về căn bệnh này”, William Andrews - một nhân viên thông tin công cộng của Dịch vụ Giảm thiểu tác hại và sức khỏe tình dục của bang Oklahoma - lên tiếng.

Dữ liệu của CDC cho thấy tỷ lệ trẻ bị giang mai bẩm sinh trong năm 2020 tiếp tục tăng cao ở các bang vốn đã có xuất hiện nhiều ca bệnh này trước đó, như Texas, California, và Nevada. Hiện, căn căn bệnh này đã có mặt ở hầu hết các bang trên khắp nước Mỹ.

Theo dữ liệu mới của CDC, trong giai đoạn 2011-2020, bệnh giang mai bẩm sinh đã dẫn đến 633 ca thai chết lưu và tử vong ở trẻ sơ sinh được ghi nhận.

Ở góc độ y khoa, việc phòng ngừa bệnh giang mai bẩm sinh - tức trường hợp bệnh giang mai từ người mẹ truyền sang thai nhi trong tử cung - khá đơn giản: Nếu một phụ nữ mang thai được chẩn đoán mắc căn bệnh này ít nhất một tháng trước khi sinh, thì chỉ cần một vài mũi tiêm penicilin là có thể chữa khỏi cho cả mẹ và bé, với tỷ lệ thành công gần như tuyệt đối.

Tạp chí Global Biodefense (GB) cho biết, trong khi số ca trẻ bị giang mai bẩm sinh tăng lên, thì ngân sách CDC dành cho phòng chống bệnh lây truyền qua đường tình dục (STD), vốn là nguồn tài trợ chính cho hầu hết các sở y tế công tại Mỹ, đã bị sụt giảm trong 2 thập niên qua.

Theo BG, việc cắt giảm các nguồn lực và chuyển hướng ưu tiên phòng ngừa các loại dịch bệnh khác trong hệ thống chăm sóc sức khỏe cộng đồng, nhất là trong thời gian xảy ra đại dịch COVID-19, đã khiến cho các trường hợp thai phụ bị mắc bệnh giang mai ở Mỹ ít có cơ hội tiếp cận với các dịch vụ phòng ngừa căn bệnh này.

Theo dữ liệu của các tiểu bang và phân tích của CDC, cũng có nhiều lý do khác nhau theo khu vực địa lý, khiến thai phụ mắc bệnh giang mai ở Mỹ không được chẩn đoán hoặc điều trị kịp thời.

Chẳng hạn, ở các bang thuộc miền Tây, nhiều phụ nữ mang thai không được chăm sóc sức khỏe đầy đủ trước khi sinh, và không được xét nghiệm bệnh giang mai cho đến khi họ sinh con. Nhiều người bị rối loạn sử dụng chất kích thích, chủ yếu liên quan đến methamphetamine. “Vì vậy họ ngại bị đánh giá và kỳ thị từ cộng đồng y tế”, tiến sĩ Stephanie Pierce - chuyên gia y học về thai nhi tại Đại học Oklahoma, người điều hành một phòng khám dành cho phụ nữ mang thai có nguy cơ cao - giải thích.

Ở các bang miền Nam, một nghiên cứu của CDC về dữ liệu năm 2018 cho thấy, đa số các trường hợp trẻ bị giang mai bẩm sinh là do người mẹ đã được xét nghiệm và chẩn đoán mắc căn bệnh này nhưng lại chưa được điều trị. Vào năm này, trong số những bà mẹ da màu sinh con mắc bệnh giang mai, 37% đã không được điều trị đầy đủ, mặc dù họ đã được chẩn đoán kịp thời. Trong số các bà mẹ da trắng, tỷ lệ này là 24%.

Theo các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, tình trạng phân biệt chủng tộc vốn tồn tại lâu đời trong lĩnh vực chăm sóc y tế, nghèo đói, các hạn chế về đi lại, các sở y tế công không được trang bị đầy đủ kinh phí, và các phòng khám luôn trong tình trạng quá tải, cũng là một số nguyên nhân dẫn đến trình trạng nói trên.

Các bác sĩ cũng nhận thấy ngày càng có nhiều phụ nữ được điều trị bệnh giang mai nhưng lại bị tái nhiễm khi mang thai. Trong bối cảnh các ca bệnh gia tăng, trong khi các nguồn lực hạn chế, một số bang ở Mỹ chỉ ưu tiên  khám và chẩn đoán cho những phụ nữ mang thai sắp sinh, chứ không thể làm điều này cho tất cả những thai phụ bị tái nhiễm, vì có người bạn đời cũng đang bị căn bệnh này nhưng chưa điều trị.

Nhưng ở một số nơi khác, các sơ sở cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em lại không thường xuyên xét nghiệm bệnh giang mai cho thai phụ. Mặc dù hầu hết các bang của Mỹ bắt buộc xét nghiệm vào một số thời điểm trong thai kỳ, nhưng tính đến năm ngoái, chỉ có 14 trường hợp phụ nữ đang mang thai giai đoạn thứ 3 được yêu cầu làm điều này. Trong khi đó, CDC khuyến nghị thai phụ ở những khu vực có tỷ lệ mắc bệnh giang mai cao nên xét nghiệm trong 3 tháng cuối của thai kỳ.

Sau khi Arizona tuyên bố bùng phát dịch giang mai trên toàn tiểu bang vào năm 2018, các quan chức y tế của bang này muốn biết liệu việc xét nghiệm rộng rãi cho thai phụ đang ở giai đoạn 3 của thai kỳ có thể giúp ngăn ngừa nhiễm căn bệnh này hay không. Qua xem xét dữ liệu của 18 tháng, các nhà phân tích nhận thấy rằng chỉ có gần 3/4 trong số hơn 200 phụ nữ mang thai được chẩn đoán mắc bệnh giang mai trong năm 2017 và nửa đầu năm 2018 được điều trị. Điều này đã khiến 57 trẻ sinh ra mắc bệnh giang mai, và 9 trẻ trong số đó đã tử vong.

Nhất Nguyên (theo Global Biodefense)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI