Ở Ấn Độ, một đứa trẻ mắc chứng rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) la hét vào máy tính trước mặt, biểu hiện sự bất lực đến mức lên cơn co giật.
|
Trẻ em phải chuyển sang học trực tuyến do ảnh hưởng của COVID-19 |
Tại Malaysia, một đứa trẻ mắc chứng tự kỷ nhìn chằm chằm vào khuôn mặt của một giáo viên trên màn hình mà em từng biết, nhưng không còn nhận ra được nữa.
Tại Hồng Kông, một bà mẹ đơn thân của 5 đứa con cần được chăm sóc đặc biệt đã suy sụp trong tuyệt vọng khi trường học đóng cửa.
Ở Philippines, một cậu bé 12 tuổi, từng chịu cảnh bị bắt nạt trong trường học, đã lặng lẽ tìm cách treo cổ tự tử 3 lần, vì những áp lực từ định kiến của chính gia đình mình.
Theo tờ SCMP, đó là những hình ảnh đang trở nên phổ biến tại châu Á - Thái Bình Dương, và được các các nhà giáo dục trong khu vực này chia sẻ trong thời gian xảy ra đại dịch COVID-19, với hàng chục triệu bậc cha mẹ chịu ảnh hưởng.
Liên Hiệp Quốc ước tính, cứ 6 trẻ em trong khu vực thì có 1 em đang bị một dạng khuyết tật nào đó, và nhiều em đang có cảm giác bị bỏ rơi.
Kể từ khi đại dịch bùng phát vào cuối năm 2019, các trường học trong khu vực buộc phải chuyển sang hình thức học trực tuyến, với các mức độ khác nhau. Sự thay đổi này đã khiến tất cả các bậc cha mẹ phải lo lắng, và tìm nhiều cách để đảm bảo con em mình không bị gián đoạn việc học. Không ít phụ huynh phải vừa sắp xếp công việc để thích nghi với tình hình mới, vừa phải trở thành “trợ giảng” cho con cái ở nhà.
Các nhà giáo dục cho rằng, việc học trực tuyến ở nhà đã khiến một đứa trẻ bình thường dễ bị mất tập trung, lại càng trở nên không thể đối với những em bị chứng ADHD.
Vì vậy, các nhà giáo dục cảnh báo, không chỉ những học sinh có nhu cầu giáo dục đặc biệt ngày càng tụt hậu trong việc học so với các bạn cùng trang lứa, mà nhiều học sinh bình thường cũng đang học kém đi. Điều này dẫn đến sự thất vọng ngày càng tăng cho cả cha mẹ và con cái. Hậu quả của tình trạng này là sự suy sụp tinh thần và chứng tự kỷ, và lại càng khiến việc học của các em trở nên khó khăn hơn, như một cái vòng lẩn quẩn.
Trước đại dịch, có khoảng 57.000 học sinh ở Hồng Kông có nhu cầu hỗ trợ đặc biệt, theo Sở Giáo dục đặc khu. Con số này bao gồm các học sinh gặp một số khó khăn trong học tập, bị chứng ADHD, rối loạn phổ tự kỷ, suy giảm khả năng nói và ngôn ngữ, khuyết tật trí tuệ, khiếm thính, khuyết tật thể chất, khiếm thị và bệnh tâm thần.
Hiện, các nhà giáo dục ở Hồng Kông nhận thấy số lượng trẻ em cần các dịch vụ hỗ trợ đặc biệt đang tăng lên rất nhanh, mà theo họ, một phần là do hình thức dạy học trực tiếp bị gián đoạn thường xuyên trong thời gian xảy ra đại dịch. Trên thực tế, các trường học tại Hồng Kông lại vừa phải đóng cửa từ cuối tháng 1, trước đợt bùng phát dịch lần thứ 5.
“Tình hình hiện đang vô cùng căng thẳng. Tôi nghĩ, đã đến lúc các trường học phải mở cửa trở lại”, Shalini Mahtani - Giám đốc điều hành của Zubin Foundation, một tổ chức từ thiện chuyên hỗ trợ các nhóm người thiểu số ở Hồng Kông - lên tiếng.
Theo tờ SCMP, hình thức học trực tuyến cũng tạo ra những “khoảng trống” trong hệ thống giáo dục ở Philippines, nơi vốn đã có nhiều học sinh phải sống trong cảnh nghèo đói và bị phân biệt đối xử.
“Những người bị rối loạn phát triển thần kinh có nguy cơ tự tử cao hơn những người mắc bệnh thần kinh thông thường khác, nhất là khi họ phải ở trong môi trường không thân thiện và không có sự hỗ trợ”, tiến sĩ Marie Arranz-Lim - một bác sĩ nhi khoa ở Philippines - cho biết.
Trong khi đó, theo bà Mona Veluz - chủ tịch quốc gia của Hiệp hội Tự kỷ Philippines, đại dịch đã khiến những người có nhu cầu hỗ trợ đặc biệt đứng trên “bờ vực”, khi họ không có bạn bè, không được giúp đỡ và không có cơ hội tham gia các hoạt động làm phong phú cuộc sống.
Và bà Veluz cảnh báo rằng, học sinh có nguy cơ học tập sa sút sau một thời gian nghỉ học kéo dài, thậm chí một số em có thể “không có kỹ năng phù hợp khi trường học mở cửa trở lại”, chẳng hạn như kỹ năng như ngồi tập trung đủ lâu để nghe giáo viên giảng bài.
Anita Prasad - người phụ trách hoạt động hỗ trợ các học sinh có nhu cầu đặc biệt của trường Step by Step (ở Noida, Ấn Độ), nơi có một tỷ lệ lớn học sinh mắc chứng tự kỷ - cũng cho biết, hiện tượng học sinh lo lắng và thất vọng đang ngày càng phổ biến.
“Nhiều em trở nên thu mình lại, không muốn giao tiếp với ai, tự nhốt mình trong phòng và từ chối tham gia các lớp học trực tuyến. Các em cảm thấy cô đơn và nhớ bạn bè. Một số em thậm chí rơi vào trạng thái khủng hoảng. Nhiều em vốn từng thích đến trường học, nay không thể học qua màn hình của máy tính”, cô Prasad chia sẻ.
Tại Malaysia, nơi các trường học bị đóng cửa trong gần nửa đầu năm 2021. Nur Aisyah Mazlan, 40 tuổi, có con trai là Muhammad Fahim, 10 tuổi, mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ nghiêm trọng (ASD), cũng phát hiện ra một số vấn đề.
Chứng rối loạn đặc biệt của Muhammad đã hạn chế rất nhiều khả năng chú ý của em, vì vậy em cảm thấy khó thích ứng với việc chuyển sang học trực tuyến. Và điều này đã làm ảnh hưởng đến cả gia đình.
“Trẻ em bị chứng ASD cần được học theo cách thông thường, vì chúng cần được chăm sóc mang tính cá nhân, và học theo hình thức một thầy một trò. Việc chuyển sang học trực tuyến hoàn toàn không giúp ích được gì cho Muhammad, vì cháu không thể tập trung vào màn hình, hoặc thậm chí không thể nhận ra giáo viên trên máy tính”, Nur Aisyah chia sẻ.
Shamini Stevenson, một phụ huynh 60 tuổi ở Malaysia, cũng cho biết, Jhovan - cậu con trai khiếm thính 21 tuổi của bà - đã không thể tham gia các lớp học trực tiếp tại St Paul’s Day Training Center - một trường đào tạo nghề ở Petaling Jaya - khi nước này bị phong tỏa do dịch. “Nhưng con trai tôi cũng cảm thấy khó tập trung khi học trực tuyến, vì có quá nhiều tiếng ồn gây nhiễu ở nhà”, bà Stevenson nói.
Bà cho biết đã cố gắng hết sức để giúp con trai hiểu các bài học, nhưng cũng như nhiều sinh viên khác trong hoàn cảnh tương tự, điều mà cậu sinh viên này nhớ nhất chính là sự tương tác với các bạn cùng trang lứa.
Nhất Nguyên (theo SCMP)