Học kỳ 3 bất đắc dĩ
Khác với các thế hệ trước, hè của nhiều học sinh bây giờ bị đánh cắp bởi “màn hình điện tử”. Những buổi đi chơi, mỗi người 1 chiếc điện thoại, ăn vội những món ăn công nghiệp hay những bữa ăn sang trọng nhưng thiếu “món ăn tinh thần” của tình thân, của sự quan tâm, đồng điệu, của lối giao tiếp vui tươi giữa các thành viên. Thậm chí nhiều trẻ bị ép tham gia “học kỳ 3” - vác cặp đến các lớp ôn lại bài đã học và học trước bài của năm mới.
Chị Thúy Vinh - chủ tiệm kinh doanh đặc sản Đà Lạt tại huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng cho biết: “Nghỉ hè chị vẫn để tụi nhỏ ở phố, không cho về nhà vì có cô các cháu là giáo viên dạy tiếng Anh, nên cho con học hết cả hè, chứ về nhà con lại đòi chơi với cái điện thoại”. Khi được hỏi sao chị không cho con đi chơi hè ở đâu đó, chị Vinh bày tỏ: “Vợ chồng bận tối mặt, tối mũi, không có thời gian”.
Bên cạnh lý do áp lực của chương trình học, phải chủ động học trước khi vào năm học mới, nhiều phụ huynh vì “không có thời gian” ở nhà chăm sóc trẻ, nên phải cho con em đi học thêm để vừa bổ sung kiến thức, vừa không phải trông nom trẻ. Đây là nguyên nhân quan trọng khiến một số học sinh rơi vào trạng thái mệt mỏi, chán nản, học hành đối phó, kém hiệu quả, vừa lãng phí thời gian, tiền bạc, vừa nguy hại cho tâm lý con trẻ.
Thầy Nguyễn Văn Tuấn Cường - chuyên viên tâm lý, giảng viên kỹ năng mềm Trường đại học Công nghệ TPHCM - nhận định: “Việc phụ huynh cho con trẻ học hè mà không quan tâm đến nhu cầu, nguyện vọng và năng lực của trẻ sẽ làm cho trẻ cảm thấy áp lực, giảm hứng thú trong quá trình học tập và hơn hết, trẻ cảm thấy thiếu sự tôn trọng từ người lớn, khiến khoảng cách giữa trẻ và phụ huynh ngày một lớn hơn”.
|
Trẻ vui chơi cũng là dịp học được nhiều kỹ năng sống (nguồn ảnh: Trung tâm Ứng dụng Tâm lý - Giáo dục An Nhiên) |
Với trẻ, chơi hè chưa bao giờ nhàm chán
Thông thường, trẻ đã qua đợt học kiến thức trong hè, khi vào năm học mới có xu hướng tỏ ra “hiểu biết” và hay “chê khinh” bạn bè cùng lớp: “Dễ vậy mà cũng không biết”, “Cái này tôi biết rồi”. Dần dà, trẻ lười động não, suy nghĩ và tính linh hoạt, tập trung kém đi. Điều này cản trở sự phát triển trí thông minh ở trẻ. Mối quan hệ với bạn bè cùng lớp cũng trở nên xấu hơn, ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của trí tuệ cảm xúc…
Thực tế, so với trẻ phải học tập cả khi nghỉ hè, những trẻ được nghỉ ngơi, vui chơi, khám phá các hoạt động hè có xu hướng phát triển trí thông minh đa dạng, tăng trưởng động cơ học tập và mức độ tập trung khi vào năm học tốt hơn.
Chơi hè chưa bao giờ là chuyện cũ, chuyện nhàm chán của trẻ con. Dưới góc nhìn của các nhà tâm lý, giáo dục và sư phạm, hè là khoảng thời gian chất lượng và ý nghĩa nhất trong năm cho sự phát triển khỏe mạnh và năng động của trẻ. Không những được vận động thoải mái với các hoạt động vui chơi ngoài trời, việc hòa mình với thiên nhiên giúp trẻ học được kỹ năng sinh tồn, hiểu biết về thế giới tự nhiên được mở rộng. Quá trình giao tiếp và đồng hành cùng những người mới quen, những đứa trẻ ở nhiều vùng miền khác nhau còn giúp trẻ phát triển tinh thần tương thân tương ái, đoàn kết và phát triển trí tuệ cảm xúc, trí tuệ thiên nhiên, trí thông minh quảng giao, giao tiếp và lòng trắc ẩn…
Chuyên viên tâm lý Nguyễn Văn Tuấn Cường gợi ý: “Hè là lúc trẻ được nghỉ ngơi, phụ huynh nên tạo điều kiện cho trẻ và các thành viên trong gia đình có nhiều thời gian bên nhau để nuôi dưỡng và phát triển mối quan hệ hiệu quả. Nên tạo điều kiện cho trẻ được trải nghiệm, thư giãn và vui chơi nhiều hơn trong hè, chứ không phải chịu áp lực ở những khóa học/trung tâm văn hóa”.
Cho con được nghỉ hè
Rất nhiều trẻ chưa kết thúc năm học đã được phụ huynh lên kế hoạch học hè đến kín cả lịch. Học tập chỉ nên là chuyện trong năm. Hãy để trẻ được nghỉ hè đúng nghĩa, tạo điều kiện tái tạo năng lượng cho năm học mới, sẽ tốt hơn rất nhiều.
Để mùa hè của con trẻ trôi qua thật ý nghĩa, quý phụ huynh có thể tham khảo một số hoạt động sau đây:
- Cả gia đình lên kế hoạch cùng nhau về quê (thăm ông, bà, bạn bè) hoặc khám phá văn hóa, thiên nhiên ở một vùng đất mới; đi khu vui chơi, bảo tàng, sở thú, khu du lịch gần nhà.
- Cả nhà cùng tổ chức các hoạt động nấu nướng, làm đồ thủ công, tổ chức trò chơi vào dịp cuối tuần để thư giãn, giải trí, gắn kết tình thân.
- Cho trẻ tham gia các buổi tập huấn kỹ năng sống như phòng chống đuối nước, hỏa hoạn, phòng chống xâm hại, bắt cóc… để trẻ vừa học, vừa chơi, vừa biết cách bảo vệ mình trước tình huống xấu.
- Cho trẻ hoặc cả gia đình tham gia các chương trình ngoại khóa, dã ngoại kỹ năng, du lịch tâm lý; bao gồm các hoạt động như quét nhà, rửa chén, chèo xuồng, hái trái cây, làm bánh, đọc sách, nấu cơm bằng củi... giúp trẻ khám phá chính mình và học hỏi từ người khác.
- Các hoạt động học tập, ôn tập nếu có chỉ cần dành thời gian vừa phải, vừa học, vừa chơi không tạo áp lực. Tốt nhất là diễn ra cách quãng 1-2 tuần/lần, tăng cường vào cuối hè để trẻ bắt nhịp với năm học dễ dàng hơn.
Thạc sĩ tâm lý Lê Minh Huân