Trẻ hóc xương cá, nuốt cơm có khỏi không?

21/08/2023 - 06:13

PNO - Trong tình huống trẻ không may bị hóc xương, ban đầu trẻ sẽ cảm thấy đau nhức vùng cổ, vướng và hoảng sợ.

Con trai tôi 6 tuổi, 2 ngày trước bé đang ăn cơm với cá thì bị hóc xương. Tôi cho con nuốt cơm cục để trôi mảnh xương xuống. Tuy nhiên, đến nay cháu vẫn than đau họng mỗi khi nuốt. Không biết con tôi còn mắc xương không hay bị bệnh vùng họng?

Nguyễn Ngọc Ái (TP Thủ Đức)

Bác sĩ chuyên khoa 1 Nguyễn Hiền - Khoa Ngoại tổng hợp Bệnh viện Nhi Đồng 2 - trả lời: Bệnh viện từng tiếp nhận và điều trị nhiều trường hợp hóc dị vật. Một trong những trường hợp nặng, nguy hiểm là hóc xương ở trẻ. Vì vậy, đối với những thực phẩm có xương hoặc vỏ cứng như cá, lươn, tôm, cua… khi chế biến cho bé ăn, người lớn nên cẩn thận bóc vỏ, ray lọc xương thật kỹ. 

Trong tình huống trẻ không may bị hóc xương, ban đầu trẻ sẽ cảm thấy đau nhức vùng cổ, vướng và hoảng sợ. Lúc này, cha mẹ hoặc người phát hiện nên trấn an trẻ, kiểm tra xác định tình trạng của trẻ. Tránh để trẻ quá sợ hãi, dễ bị nôn ói, sặc thức ăn vào khí quản rất nguy hiểm.

Người lớn không nên hướng dẫn trẻ nuốt cơm, thức ăn lớn, hay cho tay vào móc cổ họng để lấy xương, vì sẽ làm trẻ khó chịu, có thể bị sặc thức ăn vào khí quản hay khiến xương cắm sâu vào cổ họng hơn. Cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế để bác sĩ kiểm tra và gắp xương ra ngoài, tránh để lâu ngày nguy cơ mảnh xương gây nhiễm trùng, áp xe…

Trường hợp con trai chị rất có thể cháu vẫn còn bị hóc xương hoặc vùng họng bị tổn thương, nhiễm trùng do xương cá đâm vào. Chị nên đưa bé đến bệnh viện có chuyên khoa để bác sĩ khám, điều trị. 

Phạm An (ghi)
 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI