Những cụm từ bao biện như “thầy đàn già, con hát trẻ” hoặc “gừng càng già càng cay” có thể đúng ở những lĩnh vực khác, nhưng chưa hẳn đúng trong lĩnh vực văn chương. Thỉnh thoảng cũng có việc đột ngột xuất hiện tác giả cao niên gây sửng sốt, nhưng đều không phải nhà văn chuyên nghiệp. Ví dụ, nữ đạo diễn Xuân Phượng vừa có cuốn hồi ký Gánh gánh... gồng gồng... được trao giải thưởng văn xuôi của Hội Nhà văn Việt Nam, thuyết phục người đọc bởi những trải nghiệm sóng gió cuộc đời tác giả, chứ giá trị văn chương chưa đáng kể.
Nhìn lại văn học sử, dễ thấy, những tài danh văn chương đều nhen nhóm từ tuổi đôi mươi. Đó là độ tuổi dồi dào sinh lực, tràn đầy nhiệt huyết, có cái nhìn tươi mới về xã hội, tình yêu và con người. Khi năng khiếu bẩm sinh được kích hoạt, những người trẻ lập tức có tác phẩm thăng hoa. Mặt khác, văn chương luôn cần sự dấn thân, thậm chí liều lĩnh để đổi mới cấu trúc, tư duy, nên vẫn phải trông cậy vào người trẻ, dù tuổi trẻ có những xộc xệch và bốc đồng.
|
Đa số hội viên Hội Nhà văn TP.HCM đang ở độ tuổi về hưu hoặc trên đà về hưu |
Hội Nhà văn Việt Nam được thành lập năm 1957, với sự đồng lòng của những người đang hừng hực sức sống. Vậy mà, kỳ lạ thay, Hội Nhà văn Việt Nam ngày càng trở nên già nua. Số lượng hội viên dưới 50 tuổi khá ít ỏi. Tuổi trung bình hiện nay của hội viên Hội Nhà văn Việt Nam khoảng 65 tuổi.
Lấy lý do người viết phải tích lũy bao năm mới đủ tầm vóc thành nhà văn quốc gia - mới nghe qua có vẻ xuôi tai, nhưng nghĩ lại thì thấy bất ổn. Bởi lẽ, phần đông tác giả đang chiếm lĩnh thị trường sách lại trên dưới 40 tuổi, đều chưa phải hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Những tác giả ấy thừa tài năng và bản lĩnh để được vinh danh nhà văn quốc gia, nhưng hình như, họ không hứng thú với các hoạt động của Hội Nhà văn Việt Nam?!
Nếu Hội Nhà văn Việt Nam khoác cho mình phẩm giá mũ cao áo rộng để thử thách tuổi trẻ, thì Hội Nhà văn TP.HCM lại đáng băn khoăn hơn. Ở một đô thị nhộn nhịp bậc nhất phương Nam với những con người trẻ trung và năng động, thế nhưng, đại đa số hội viên Hội Nhà văn TP.HCM lại đang ở độ tuổi nghỉ hưu hoặc trên đà về hưu.
Nhu cầu trẻ hóa văn chương từ chính hội nhà văn là câu chuyện thời sự hôm nay, nhưng đã được nhà thơ Chế Lan Viên (1920-1989) đề cập từ lâu. Trong Di cảo thơ 3, nhà thơ Chế Lan Viên có bài Thi pháp trẻ ân cần cảnh tỉnh: “Những bài thơ già muốn ổn định trong biền ngẫu, vừa xứng đôi, môn đăng hộ đối/ Chỉ có sức trẻ mới nhảy ba bậc một lần, vọt phi ra ngoài cửa sổ/ Chỉ có thanh xuân mới so le, thô bạo cộc cằn/ Ôi! Có khi sai lầm lại phì nhiêu hơn cái khôn khéo, nghèo nàn, trật tự”.
|
Nhìn hiện trạng ấy, có thể, ai không biết sẽ thốt lên, người trẻ ở TP.HCM không còn ai theo đuổi văn chương chăng? Nhầm to, ở thành phố hội tụ này, mỗi năm có thêm hàng vạn bạn trẻ đến học hành và sáng tạo, trong số đó, có không ít cây bút có sắc thái riêng. Nhưng những tác giả trẻ ấy lại không tham gia Hội Nhà văn TP.HCM cũng như Hội Nhà văn Việt Nam. Và sự thật rất khó tin là cả chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam lẫn chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM đều trên 70 tuổi, rất xa lạ với công nghệ thông tin.
Nhiệm vụ của nhà văn là viết. Thế nhưng, đã là hội nhà văn thì dù cấp trung ương hay địa phương cũng cần có những hoạt động thiết thực gắn kết cộng đồng. Lãnh đạo hội nhà văn trên 70 tuổi thì rất cực nhọc khi muốn hướng đến độc giả đang sốt ruột những trang viết thăng hoa ngoài xã hội. Đành rằng người cao niên thì giàu kinh nghiệm, nhưng quy luật thời gian rất nghiệt ngã với hoạt động sáng tạo và hoạt động giao lưu. Sau tuổi 70, việc phải năng động, sáng tạo trong quản lý là một đòi hỏi khó khả thi.
Lãnh đạo cao niên thì hội nhà văn không thể trẻ trung. Nhưng oái oăm thay, có vị ở tuổi 50 trở thành lãnh đạo Hội và đắc cử suốt 1/4 thế kỷ, nhưng khi nhắc đến việc bàn giao cho thế hệ kế cận thì lại ái ngại… người ngoài 60 tuổi chưa đủ tin cậy.
Không phải ngẫu nhiên, Ban Bí thư ngày 12/9/2019 phải ban hành một kết luận về độ tuổi tham gia công tác hội. Đến ngày 13/4/2020, Ban Tổ chức Trung ương lại ban hành hướng dẫn thực hiện kết luận của Ban Bí thư về độ tuổi tham gia công tác hội. Nội dung quan trọng nhất là tuổi lần đầu hoặc tái cử tham gia làm lãnh đạo hội không quá 65, và trường hợp đặc biệt cũng không quá 70. Quyết định của Ban Bí thư hoàn toàn đúng đắn và thực sự cần thiết để tăng sinh khí cho các hoạt động hội.
Trẻ hóa văn chương để bắt kịp đời sống hội nhập, phải bắt đầu từ việc trẻ hóa lãnh đạo Hội Nhà văn Việt Nam. Khi và chỉ khi, tác giả trẻ không còn cảm giác lạc lõng trong không khí sinh hoạt của hội nghề nghiệp, thì sức sống của văn chương sẽ được bồi đắp và lan tỏa.
Lê Thiếu Nhơn