PNO - Khi thấy con ho, phụ huynh thường lo lắng, vội vã tìm cách khiến trẻ hết ho. Ho chỉ là một triệu chứng. Nếu không đi khám mà chỉ tự ý cho trẻ uống thuốc điều trị ho sẽ khiến bệnh không được giải quyết triệt để, thậm chí còn diễn tiến trầm trọng.
Trẻ bị bệnh lý tim mạch, tiêu hóa hoặc tác dụng phụ của thuốc cũng có thể gây ho kéo dài - Ảnh minh họa: Internet
Ho không phải do bệnh đường hô hấp
Bác sĩ chuyên khoa 1 Trần Nguyên Khôi - Phó khoa Nội 3 Bệnh viện Nhi Đồng 2 - cho biết, thời tiết đang giao mùa nên số trẻ có triệu chứng ho phải nhập viện rất đông. Tổng số trẻ nhập viện lên tới vài trăm ca/ngày. Bên cạnh nguyên nhân chính là do mắc bệnh đường hô hấp, ho còn là triệu chứng của rất nhiều bệnh lý khác. Vì thế, bác sĩ Khôi cảnh báo phụ huynh không nên chỉ quan tâm tới biểu hiện ho mà cần theo dõi xem trẻ có các dấu hiệu đi kèm nào không. Nếu chỉ mỗi triệu chứng ho thì chưa cần điều trị. Chỉ khi có từ 2 triệu chứng trở lên gọi là hội chứng mới cần can thiệp.
Chị H.T.K.T. (ngụ quận Bình Thạnh, TPHCM) cho biết bé M. - con gái 10 tuổi của chị - bị ho kéo dài cả tháng chưa khỏi. Cứ sáng sớm, lúc ngủ dậy là chị nghe con ho khan. Thế nhưng, vào những khoảng thời gian khác trong ngày, M. lại không ho. Buổi tối, trước giờ đi ngủ, bé lại ho nhiều, thậm chí ho tới mức rát họng. Ban đầu, tưởng con bị lây cảm từ các bạn trong lớp, chị lấy si rô thảo dược trị ho cho con uống. Uống hết 2 chai, bé vẫn không dứt ho. Chị T. đổi cách, lấy thuốc kháng sinh mua dư từ toa thuốc cũ cho con uống.
Lần này, bé M. vẫn không khỏi, chị đành đưa con tới bệnh viện. Bé M. được chẩn đoán bị ho do kích ứng bởi thời tiết chuyển mùa. Bé không cần uống thuốc mà được khuyên hạn chế sử dụng máy lạnh khi ngủ. Trước khi đi ngủ, thoa dầu cù là vào gan bàn chân; sáng ra mặc áo giữ ấm cổ và tránh uống nước đá. Sau khi làm theo lời dặn của bác sĩ khoảng 3 ngày, triệu chứng ho của bé M. giảm rõ rệt rồi khỏi hẳn.
Khi bệnh nhi tới khám ho, nhiều trường hợp còn được bác sĩ vô tình phát hiện ra những bệnh lý đường tiêu hóa (trào ngược dạ dày), tim mạch, tâm lý và ho do tác dụng phụ của thuốc. Do đó, nếu cha mẹ tự ý điều trị ho cho con sẽ vô cùng nguy hiểm, khiến trẻ mất đi cơ hội được phát hiện và xử trí bệnh kịp thời.
Chẳng hạn trường hợp bé N.B.N. (3 tuổi, ngụ Đồng Nai). Bé N. bị ho kéo dài không rõ nguyên nhân. Gia đình tự ý mua thuốc cho bé uống nhưng tình trạng không thuyên giảm. Thấy con xanh xao, nhợt nhạt, suy nhược, mẹ bé đưa con tới bệnh viện kiểm tra. Kết quả phát hiện bệnh nhi bị suy tim trái gây ứ khí trên động mạch phổi. Điều này đã kích ứng khiến bé bị ho. Nếu gia đình không đưa trẻ đi khám mà tiếp tục tự ý điều trị thì bệnh tình sẽ diễn tiến nghiêm trọng, thậm chí nguy hiểm tính mạng.
Trường hợp khác là bệnh nhi P.T.A. (6 tuổi, ngụ TP Thủ Đức, TPHCM) được mẹ đưa tới khám vì cứ ho gằn ở cổ họng gần 2 tháng nay. Trước đó, gia đình đã mua thuốc về cho bé uống nhiều lần nhưng không khỏi. Sau khi kiểm tra, bác sĩ nhận thấy tình trạng của A. hoàn toàn bình thường. Trò chuyện cùng bé, bác sĩ được bé chia sẻ rằng bé cố tình tạo ra tiếng ho để người lớn quan tâm nhiều hơn. Mẹ của A. mới sinh em bé, cả nhà ai cũng tập trung lo lắng cho em bé làm A. có cảm giác mình bị bỏ rơi. Thế là từ đó, cô bé tự tạo ra tiếng ho để thu hút sự chú ý của cả nhà, riết thành quen nên bây giờ A. cứ ho một cách vô thức. Bác sĩ đã khuyên gia đình cho A. đi khám tâm lý để được tư vấn. Triệu chứng ho của bệnh nhi là do rối loạn tâm lý gây ra.
Dùng thuốc bừa bãi khiến bệnh thêm trầm trọng
Bác sĩ Khôi nhấn mạnh, có rất nhiều nguyên nhân gây ra triệu chứng ho ở trẻ. Ho là một phản xạ tốt của cơ thể, giúp sạch đường thở, làm long đàm nhầy ra khỏi niêm mạc. Thế nên, khi thấy con bị ho, phụ huynh cần theo dõi thêm xem bé có triệu chứng đi kèm như sốt, khó thở, đau ngực… hay không. Phụ huynh cần đưa trẻ đi khám để được chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời.
Nên chia nhỏ bữa ăn cho trẻ để tránh bị trào ngược dạ dày thực quản gây ho kéo dài - Ảnh minh họa: Internet
Ho được phân loại thành ho khan và ho đàm. Trong đó, ho khan là ho không có đàm, do viêm mũi họng, viêm amidan, viêm tai giữa, nhiễm siêu vi hay trẻ hít phải tác nhân gây kích ứng (bụi, khói thuốc lá, phấn hoa, mùi khó chịu…). Tiếp đến, ho có đàm là khi ho có tiết nhiều đàm đặc hoặc loãng do viêm tiểu phế quản, viêm phế quản, viêm phổi, lao phổi, hen suyễn. Ho được chia thành các mức độ khác nhau. Nếu trẻ ho dưới 3 tuần được xem là ho cấp tính, từ 3-8 tuần là ho bán cấp tính, còn trên 8 tuần là ho mãn tính.
Bác sĩ cảnh báo thực trạng phụ huynh tự ý dùng toa thuốc cũ để trị ho cho trẻ. Hành động này vô cùng sai lầm. Chỉ tính riêng ho do bệnh lý đường hô hấp cũng có rất nhiều nguyên nhân (viêm họng, viêm mũi dị ứng, viêm xoang, viêm phổi, viêm thanh quản…). Ngay chính bác sĩ cũng cần khám trực tiếp, nghe tiếng ho, nghe tim phổi mới chẩn đoán được là bệnh nhi ho bởi nguyên nhân gì.
Thường trẻ bị ho do vi trùng thì lần sau cơ thể đã có đề kháng và sẽ không nhiễm lại loại vi trùng đó. Vi trùng, siêu vi có tới hàng trăm loại nhưng triệu chứng bệnh lại gần giống nhau. Nếu phụ huynh tự ý đem toa cũ đi mua thuốc, trẻ chẳng những không khỏi bệnh mà còn lờn thuốc. Đó còn chưa kể dùng sai thuốc sẽ nguy hiểm khôn lường. Chẳng hạn có trường hợp bé đang cần tống đàm ra thì lại uống thuốc làm bít tắc đàm. Hoặc trẻ đang ho khan lại cho thuốc ho có đàm khiến bé càng ho nhiều hơn…
Thêm một điều bác sĩ Khôi muốn nhắn nhủ tới các phụ huynh. Đó là hiện nay, hầu hết cha mẹ đều thủ sẵn si rô ho thảo dược trong nhà, cứ thấy con ho là lấy ra cho uống. Thực chất đây chỉ là một loại thực phẩm chức năng, có tác dụng bổ trợ trong quá trình điều trị. Có thể sau khi uống si rô thảo dược, triệu chứng ho sẽ giảm nhưng căn nguyên gây bệnh vẫn chưa được xử lý triệt để. Nhiều phụ huynh chủ quan, lạm dụng si rô ho thảo dược khiến bệnh của trẻ kéo dài, tiến triển thành viêm phổi phải nhập viện.
Tình trạng trào ngược dạ dày thực quản xảy ra khi vòng cơ này yếu đi hoặc gặp phải điều kiện thư giãn không thích hợp, tạo thuận lợi cho dịch dạ dày chảy vào thực quản. Từ đó, người bệnh xuất hiện các triệu chứng như cảm giác nóng rát ở ngực hay ợ nóng, ợ chua, thường là sau khi ăn, nặng hơn vào ban đêm. Ngoài ra, bệnh nhân còn đau ngực, khó nuốt, ho nhiều, viêm thanh quản, khởi phát hoặc làm nặng thêm tình trạng hen suyễn, rối loạn giấc ngủ.
Khi bệnh nhân bị ho trên 8 tuần không rõ nguyên nhân (ho mãn tính), cần nghĩ tới khả năng bị trào ngược dạ dày thực quản. Ho được cho là một phản xạ của cơ thể nhằm bảo vệ đường thở khi có sự gia tăng a xít từ dạ dày đi vào thực quản. Cũng có thể do dịch trào ngược di chuyển lên trên và ra khỏi thực quản, những giọt nhỏ a xít dạ dày rơi vào cổ họng gây kích thích ho.
Đối với trẻ em, trào ngược dạ dày thực quản có thể do sinh lý hoặc bệnh lý. Ở trẻ sơ sinh, do dạ dày chưa phát triển hoàn chỉnh, cơ thắt thực quản dưới hoạt động chưa hiệu quả, trẻ lại nằm nhiều nên dễ xảy ra trào ngược lên thực quản. Thông thường, trẻ bị trào ngược dạ dày thực quản sẽ được khuyên nên thay đổi cách chăm sóc. Nên chia nhỏ bữa ăn cho trẻ. Trẻ sơ sinh nên được vỗ lưng, bế vác khoảng 30 phút sau khi bú… Nếu tình trạng vẫn không cải thiện, trẻ có thể được chỉ định dùng thuốc phù hợp tùy theo mức độ bệnh.
Vừa qua, Friso, nhãn hàng sữa dinh dưỡng thuộc Công ty FrieslandCampina, chính thức ký kết hợp tác chiến lược với nhiều chuỗi cửa hàng Mẹ và Bé lớn trên toàn quốc.