Nên thường xuyên tập luyện, nghỉ ngơi
Con trai chị Nguyễn Thị Kim Anh (Q.Phú Nhuận, TPHCM) học lớp Bốn, đã khỏi COVID-19 sau mười ngày điều trị tại nhà. Bé đã trở lại trường học năm ngày nhưng vẫn còn những triệu chứng nghẹt mũi, xổ mũi, đôi khi nhức đầu, chóng mặt. Chị Kim Anh lo lắng gọi điện và nhắn tin cho cô giáo, nhờ cô thường xuyên để ý tình hình sức khỏe và sinh hoạt của con ở lớp. Con gái chị Hoàng Thị Hồng (TP.Thủ Đức, TPHCM) học lớp Sáu cũng khỏi bệnh COVID-19 đã hai tuần nhưng thường xuyên buồn ngủ, khó tập trung khi nghe thầy cô giảng bài. Học sinh ở nhiều trường học trên địa bàn TPHCM cũng có những triệu chứng tương tự sau khi trở lại trường sau thời gian nhiễm COVID-19.
Thầy Dương Trần Bình, Hiệu trưởng Trường tiểu học Lê Đức Thọ (Q.Gò Vấp) cho biết đối với những trẻ sau khi hết COVID-19, nhà trường vẫn lập sổ theo dõi tình hình sức khỏe của con khi đi học lại, trao đổi với phụ huynh để xem những biểu hiện lạ ở trẻ để có hướng phối hợp cùng nhau. Giáo viên chủ nhiệm cũng giúp trẻ bổ sung kiến thức và hỗ trợ các bé phòng tránh dịch bệnh, nhắc nhở phụ huynh bổ sung vitamin C cho trẻ mỗi ngày.
|
Phụ huynh không nên quá lo lắng về vấn đề hậu COVID-19 vì theo bác sĩ trẻ ít bị di chứng sau khi khỏi bệnh - Ảnh: N.H. |
Theo thống kê của các nước Âu Mỹ, tỷ lệ trẻ khỏi bệnh COVID-19 bị các triệu chứng “hậu COVID-19” chỉ chiếm 6 - 15%. Một thống kê ở Anh nêu, 15% trẻ ở lứa tuổi 12-16 có triệu chứng “hậu COVID-19”.
Bác sĩ Đỗ Châu Việt - Trưởng khoa COVID-19 kiêm Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TPHCM) - cho rằng phụ huynh nên bình tĩnh và phớt lờ khi bé than bị đau đầu hay chóng mặt. Khi trẻ có nghẹt mũi, xổ mũi, cha mẹ chỉ cần nhỏ nước muối cho trẻ; khi trẻ than nhức đầu, cha mẹ có thể xoa bóp đầu, cho trẻ uống vitamin, nước cam, cho trẻ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, tập luyện thể dục thường xuyên để khỏe hơn, các triệu chứng sẽ từ từ biến mất.
Theo bác sĩ Đỗ Châu Việt, có thể do thời tiết ở Nam bộ lúc này đang thay đổi, nắng mưa thất thường nên trẻ bị cảm cúm. Nếu trẻ bị cảm nhẹ, sẽ từ từ khỏi; nếu trẻ bị viêm họng, khó thở, sốt cao thì cha mẹ mới nên đưa đi khám.
Về vấn đề tâm lý “hậu COVID-19”, bác sĩ Nguyễn Quốc Hải (Khoa Tâm lý, Bệnh viện Nhi Đồng 2) cho rằng hầu hết trẻ không bị sang chấn tâm lý do còn vô tư, trong sáng, trừ những trẻ phải nằm điều trị lâu ngày hoặc có người nhà tử vong do COVID-19. Đa số vấn đề tâm lý của trẻ là do phụ huynh thiếu quan tâm, trò chuyện với trẻ trong thời gian trẻ mắc COVID-19, để trẻ xem ti vi, chơi game nhiều…
Theo các bác sĩ chuyên khoa nhi, việc mà các bậc cha mẹ cần làm đối với trẻ đã điều trị COVID-19 là cho trẻ uống nhiều nước, ăn nhiều rau xanh, củ quả và cho trẻ tập luyện thể dục đều đặn mỗi ngày, bớt ngồi một chỗ chơi điện thoại và xem ti vi.
Trẻ khỏi COVID-19, vẫn nên tiêm vắc xin
Một tuần sau khi trở lại trường, cô con gái của chị T.H. (Q.Hoàng Mai, TP.Hà Nội) mắc COVID-19 và phải nghỉ học, điều trị tại nhà. Hiện, con chị đã khỏi bệnh, đi học lại. Chị T.H. băn khoăn, có nên cho con đi chích vắc-xin ngừa COVID-19 hay không.
Anh Phạm Hải (Q.2, TPHCM) có con trai học lớp Bốn đã khỏi bệnh COVID-19. Ở lớp của bé, rất nhiều học sinh đã mắc, đã khỏi bệnh COVID-19 và các phụ huynh thường hỏi nhau trong nhóm chat trên mạng xã hội là “có nên cho con chích vắc xin ngừa COVID-19 hay không”.
Trao đổi với phóng viên Báo Phụ Nữ TPHCM, tiến sĩ - bác sĩ Phạm Quang Thái - Trưởng văn phòng Tiêm chủng mở rộng khu vực phía Bắc, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương - cho biết trẻ đã khỏi bệnh COVID-19 vẫn nên chích vắc-xin ngừa COVID-19. Sau khi mắc bệnh, cơ thể của trẻ thường có khả năng miễn dịch nhưng việc chích vắc xin sẽ giúp cơ thể sản sinh nhiều kháng thể và tăng cường khả năng miễn dịch đồng bộ hơn cho trẻ. Nếu tiêm vắc-xin sau khi khỏi bệnh, khả năng miễn dịch sẽ tăng cao hơn rất nhiều so với lúc chưa mắc bệnh. Bên cạnh đó, việc tiêm vắc-xin cũng giúp trẻ có khả năng chống lại nguy cơ tái nhiễm. Kháng thể tự nhiên được sinh ra sau khi khỏi bệnh sẽ giảm theo thời gian nên việc tiêm phòng sẽ giúp trẻ tránh nhiễm bệnh và tránh bị biến chứng, trở nặng nếu tái nhiễm.
|
Phụ huynh không nên quá lo lắng về vấn đề hậu COVID-19 khi trẻ khỏi bệnh trở lại trường vì theo bác sĩ, trẻ ít bị di chứng (trong ảnh: Học sinh ở Trường tiểu học Hà Huy Giáp, Q.12 chờ phụ huynh đến đón sau giờ tan trường chiều 15/3) - Ảnh: H.N |
Bà Dương Thị Hồng - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương - khuyến cáo trẻ nên tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 sau khi khỏi bệnh nhưng cũng nên đợi tới khi sức khỏe hồi phục hoàn toàn mới tiêm. Thông thường, phải mất từ 2-4 tuần, cơ thể mới hồi phục hoàn toàn tùy thể trạng của mỗi người. Khi tiêm vắc-xin ngừa COVID-19, một số phản ứng thông thường có thể xảy ra như mệt mỏi, sốt, đau nhức nên nếu cơ thể chưa hoàn toàn hồi phục, những phản ứng này sẽ khiến trẻ mệt mỏi hơn. Riêng với trẻ từ 5-11 tuổi, Bộ Y tế đang nghiên cứu để có hướng dẫn cụ thể hơn.
Hoàng Nhung - Huyền Anh
Hạn chế lây nhiễm để tất cả học sinh được đến trường Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TPHCM, cho biết sau một thời gian học sinh đi học trực tiếp, ngành y tế và giáo dục đang nỗ lực hết sức để hạn chế sự lây nhiễm cũng như có hướng xử trí kịp thời nên phụ huynh không quá lo lắng. “Học sinh tiểu học vẫn là đối tượng học sinh mắc COVID-19 cao hơn so với nhóm học sinh khác. Để ứng phó, ngành y tế và ngành giáo dục đã có cuộc họp triển khai các hoạt động xử lý F0 trong các trường học, cũng như có kịch bản chi tiết cùng ngành giáo dục để thích ứng phù hợp theo tình hình thực tiễn”, bà Mai thông tin. Theo đó, Sở Y tế TPHCM đã chỉ đạo cho các đơn vị trực thuộc sẵn sàng thu dung điều trị trẻ em mắc COVID-19 tại các bệnh viện. Trong đó có những hướng dẫn cụ thể cho các bệnh viện đặc biệt là Bệnh viện Nhi Đồng 1, Nhi Đồng 2 và Nhi đồng Thành phố sẵn sàng thu dung trẻ F0 tiến triển nặng… Ông Hồ Tấn Minh, Chánh văn phòng Sở Giáo Dục và Đào tạo TPHCM, cho biết toàn ngành giáo dục đang nỗ lực phòng, chống dịch để các em học sinh được đến trường học trực tiếp: “Hiện tại chúng tôi đang rà soát và trong tuần sau sẽ có những đoàn kiểm tra chuyên môn liên quan đến việc triển khai học trực tuyến, đảm bảo cho các em học sinh có đầy đủ tất cả quyền lợi trong học tập, tạo thuận lợi cũng như tránh những tâm lý, áp lực khi các em bị bệnh không thể đến trường. Với những em học sinh F0, F1 trong quá trình học trực tuyến nếu chưa bắt kịp nội dung học nhà trường cũng có những buổi phụ đạo để các em tiếp cận được kiến thức để sau khi các em hoàn thành cách ly có thể tiếp tục đi học trực tiếp ngay”, ông Minh nói thêm. Hiện tất cả các trường học trên địa bàn TPHCM đã và đang chuẩn bị nhiều kịch bản ứng phó linh hoạt để tổ chức các hoạt động dạy học cho đồng nhất từ lớp Một đến lớp 12. Theo số liệu báo cáo hằng tuần cho Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TPHCM, ở tuần lễ đầu tiên đi học (từ ngày 7-13/2/2022) số học sinh F0 ghi nhận là 449 ca, tuần lễ tiếp theo (từ ngày 14-21/2) số ca mắc là 6.799 học sinh mắc COVID-19, tuần lễ từ ngày 22-28/2 TPHCM có 18.022 học sinh dương tính, từ ngày 1-7/3, có 24.202 học sinh F0. Phạm An |