|
Bác sĩ Đinh Thạc đang khám tâm lý cho trẻ - Ảnh: TD |
Dù tiếng la hét xuất phát từ sự nuông chiều hay là biểu hiện của sự bất thường về mặt tâm lý - tâm thần, cha mẹ đều không được chủ quan, bỏ mặc bởi nếu không can thiệp kịp thời, thói quen trên sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sự thích nghi, hòa nhập xã hội của trẻ khi trưởng thành. Khi lớn lên, những đứa trẻ hay la hét dễ có xu hướng thô lỗ, cộc cằn, thậm chí sử dụng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn.
Không chỉ con mà cả cha mẹ cũng bị xa lánh, cô lập
Chị N.T.T.D. (ngụ tại TP.Thủ Đức, TPHCM) thường đau đầu vì cậu con trai tám tuổi của mình. Khi nhà chị tổ chức tiệc tùng hoặc gia đình bạn bè rủ nhau đi du lịch, hễ thấy chị có ý định dắt theo con trai, ai cũng tỏ ra ái ngại. Điều này khiến chị D. tự ái và rất khổ tâm. Chị cảm thấy con mình có điểm không bình thường nhưng tự trấn an là bé còn nhỏ nên đó chỉ là ăn vạ, quấy khóc. Vợ chồng chị hy vọng khi con lớn hơn, các biểu hiện này sẽ dần hết. Vậy nhưng, tình trạng con chị không hề suy giảm. Nhiều khi chị cố gắng tìm hiểu nguyên nhân khiến con la hét nhưng vẫn không thể hiểu nổi.
Lần nọ, gia đình bạn chị tổ chức tiệc, mời cả nhà chị tới ăn tối. Khi mọi người đang ăn, con chị liên tục cãi lộn, đánh nhau với con của chủ nhà. “Hai đứa đang cùng chơi game. Con trai tôi không chịu đợi tới lượt mà giành luôn máy của bạn. Khi không được đáp ứng, bé thẳng tay tát bạn”, chị D. kể. Mọi việc xảy ra trước sự chứng kiến của cả chủ lẫn khách khiến vợ chồng chị D. vô cùng xấu hổ bởi ánh nhìn của mọi người như đánh giá rằng vợ chồng chị không biết dạy con, con chị là trẻ hư.
Chị D. can thiệp, yêu cầu con xin lỗi bạn thì bé đá vào chân mẹ và hét lên. “Con tôi cứ hét như thế cho tới khi chúng tôi phải xin phép chủ nhà ra về”, chị D. ngao ngán. Không phải chị D. không nghiêm khắc với con. Chị nghiêm túc phân tích cho con đúng sai nhưng dường như con chị không tiếp thu. Bé cứ hành xử theo cách bé muốn, hung hăng, đập phá, la hét dù biết nói.
Theo tiến sĩ - bác sĩ Đinh Thạc, Trưởng khoa Tâm lý Bệnh viện Nhi Đồng 1 TPHCM, cứ mười trẻ đến khám tâm lý tại bệnh viện thì có một trẻ liên quan tới dấu hiệu hay la hét. Đối với trẻ dưới ba tuổi, la hét là chuyện bình thường. Ở độ tuổi đó, la hét chính là cách trẻ giao tiếp vì vốn từ của trẻ chưa nhiều. La hét được trẻ sử dụng để gây sự chú ý với người lớn khi mệt, sốt, tã bị ướt, đói… Không chỉ vậy, la hét còn xảy ra do khủng hoảng tuổi lên ba. Đôi khi, hiện tượng la hét ở lứa tuổi này xuất hiện lúc trẻ vui đùa phấn khích.
Việc trẻ trên ba tuổi cho tới độ tuổi tiểu học vẫn còn la hét thực sự khiến cha mẹ đau đầu. Nhiều trường hợp khi đưa con tới khám, cha mẹ tâm sự họ rất xấu hổ, ái ngại, thậm chí không dám đưa con tới nơi công cộng. Không chỉ đứa trẻ đó bị mọi người xa lánh mà cha mẹ trẻ cũng bị bạn bè, đồng nghiệp cô lập mỗi dịp tiệc tùng, du lịch vì họ sợ những cha mẹ này lại đưa con mình theo.
Quá nuông chiều con
Đối với những trẻ lớn mà vẫn la hét, có hai nguyên nhân. Đầu tiên là do cha mẹ quá nuông chiều (thường xảy ra ở những gia đình hiếm muộn, khá giả). Trẻ dùng “chiêu” la hét đã sử dụng từ bé cho tới khi nào thấy vẫn còn hiệu quả dù trẻ đã biết nói chuyện, giao tiếp bằng ngôn ngữ. Trẻ xem la hét như một “vũ khí” khiến cha mẹ sợ, xấu hổ với mọi người. Khi đó, cha mẹ sẽ nhanh chóng đáp ứng đòi hỏi vô lý của trẻ.
Trong trường hợp này, cha mẹ chỉ cần thay đổi cách ứng xử với trẻ. Nếu có cách “điều trị” phù hợp, trẻ sẽ cải thiện và cư xử chuẩn mực hơn. Chẳng hạn mỗi khi thấy con la hét, cha mẹ cần kiểm soát cảm xúc của mình, đừng để bị cuốn theo rồi nóng giận và quát, thậm chí đánh trẻ. Cha mẹ hãy dùng giọng nói bình thường như đang trò chuyện, hỏi xem con muốn gì, giải thích rõ tại sao không thể đồng ý chiều theo yêu cầu vô lý của con. Nếu cha mẹ to tiếng mắng trẻ lúc đó thì vô tình kích thích trẻ, khiến trẻ la hét càng nhiều hơn.
Bên cạnh đó cũng có những trò chơi trị liệu cơn la hét của trẻ. Cha mẹ hãy biến sự la hét của trẻ thành một trò chơi để trẻ thôi tập trung vào việc quấy khóc. Chẳng hạn khi con hét, cha mẹ và trẻ sẽ cùng thi xem ai hét lớn nhất. Ba hét một tiếng, mẹ hét một tiếng. Tiếp đến, cả nhà lại thi xem ai hét nhỏ nhất. Cứ vậy, trẻ sẽ không còn coi la hét là “vũ khí” mỗi khi đòi hỏi. La hét từ sự khó chịu, tiêu cực đã được người lớn uyển chuyển biến thành một trò chơi.
Dấu hiệu tâm lý bất thường
Tuy nhiên, mọi chuyện không phải lúc nào cũng đơn giản. La hét ở trẻ còn là dấu hiệu của sự bất thường về tâm lý. Đó là khi trẻ la hét mà chẳng rõ lý do, kèm theo những triệu chứng rối loạn về hành vi cha mẹ có thể quan sát thấy. Ví dụ như trẻ luôn nôn nóng, chơi với bạn thì giành lượt chơi; khi mọi người đang trò chuyện, trẻ thường bốc đồng chen ngang, đập phá, bạo lực. Đó không phải vì trẻ muốn la hét mà là dấu hiệu của bệnh lý. Trẻ có thể bị rối loạn hành vi chống đối, tăng động giảm chú ý, tự kỷ.
Tại Khoa Tâm lý Bệnh viện Nhi Đồng 1, bác sĩ rất dễ dàng phân biệt một đứa trẻ tới khám vì la hét là do được gia đình quá nuông chiều hay là do bệnh lý. Có những trẻ khi đòi mua một món đồ chơi mà cha mẹ không đáp ứng, liền hét lên, thậm chí hét tới hết buổi khám bệnh. Thế nhưng, khi mẹ đưa điện thoại để trẻ chơi game, trẻ lập tức nín ngay.
Qua điều tra bệnh sử, gia đình cho biết trẻ chỉ hét lúc không được người lớn đáp ứng yêu cầu, ngoài ra vẫn sinh hoạt, vui chơi bình thường. Trường hợp này không phải là la hét bệnh lý.
Tuy nhiên, bác sĩ Thạc khuyên cha mẹ không nên ngắt cơn la hét của trẻ bằng cách đưa điện thoại để trẻ chơi game vì sẽ dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng hơn (chậm phát triển trí tuệ, chậm nói…).
Ngược lại, có những trẻ tới khám vì hay la hét, bác sĩ quan sát thấy bệnh nhi liên tục hí hoáy, đập tay chân vào bàn, lục lọi các đồ vật trong phòng khám. Trẻ hét lên không phải vì đòi hỏi gì đó mà tự bản thân như vậy. Các trường hợp này cần được điều trị về tâm lý. Rối loạn tâm lý không thể can thiệp trong một sớm, một chiều mà cần sự phối hợp của cả gia đình, nhà trường để ứng xử của trẻ dần được cải thiện.
Với trẻ bị tự kỷ hay tăng động, nếu không được can thiệp sớm, trẻ sẽ rất khó bắt kịp sinh hoạt, học tập như bạn đồng trang lứa, từ đó trở ngại trong việc hướng nghiệp sau này. Những đứa trẻ đó vì luôn hung hăng, hay la hét nên bị mọi người xa lánh dẫn tới hạn chế thích nghi tự lập. Khi lớn lên, trẻ sẽ càng hung hăng, thô bạo hơn (để mọi người sợ mình, chú ý tới mình), có thể gây nguy hiểm cho người khác.
Nhìn chung, với những trẻ có thói quen la hét, ngoài việc đưa trẻ đi khám tâm lý để xác định chính xác nguyên nhân, cha mẹ đừng bao giờ để trẻ nhàn rỗi. Hãy cho trẻ tham gia vui chơi vận động, hoạt động nhóm để trẻ giải tỏa năng lượng, giảm căng thẳng. Khi vui chơi, hoạt động cả ngày, trẻ sẽ không còn nhiều năng lượng cho việc la hét.
Thanh Huyền