Trẻ hay cãi nhau, già thành đôi tri kỷ

27/12/2022 - 15:33

PNO - Họ là một cặp khắc khẩu, có thể cãi nhau bất cứ lúc nào. Nhưng cũng vì thế mà họ chưa từng trải qua chiến tranh lạnh, cũng chẳng thể rơi vào tình trạng… hết chuyện nói.

 

Ông Dương Quang Phùng và bà
Vợ chồng ông Dương Quang Phùng và bà Hồ Thị Chiêu Ánh xem nhau như tri kỷ 

Cãi nhau, họ hiểu nhau nhiều hơn, biết ý nhau hơn để rồi khi già họ không còn mâu thuẫn nữa. Trong căn nhà ở quận Gò Vấp, TPHCM họ sớm tối bên nhau, nhắc lại chuyện cũ như một đôi tri kỷ.

Tay trắng mình sẽ làm nên

Thời trẻ, ông Dương Quang Phùng là một thư sinh ở vùng quê nghèo khó miền Trung, rất khao khát được đi học. Cha mẹ làm nông, nhưng ông chỉ muốn có nhiều chữ, nhiều kiến thức. Ngay từ nhỏ, ông phải chịu khó dậy sớm lội bộ qua nhiều đường để được tới lớp. Lên cấp III, ông trọ học xa nhà với nhiều khó khăn vất vả, trong lúc đất nước trải qua chiến tranh... 

Thành quả tốt đẹp là ông trở thành giáo viên một trường trung học ở một thành phố biển. Gió biển, hàng dừa xanh, nắng ấm… như vun đắp thêm cho mối tình tựa câu chuyện thần tiên mà ông thổ lộ trong câu thơ mộc mạc: “Trên đường tôi gặp một nàng tiên…”.

Ông bà Quang Phùng - Chiêu Ánh ngày mới yêu nhau
Ông bà Quang Phùng - Chiêu Ánh ngày mới yêu nhau

 

“Nàng tiên” đó là bà Hồ Thị Chiêu Ánh. Cha mất sớm, mẹ đi tập kết, bà sống dưới sự bảo bọc của người chị thứ ba và người anh trai kế. Tuổi hoa niên mơ mộng với vẻ ngoài ưa nhìn và tính cánh dễ thương nên bà được nhiều bạn trai cùng lớp “quan tâm đặc biệt”. Có lần bà chỉ vô tình nói “thích ăn mía”, có anh bạn nghe được đã dày công chở một bó mía to đến tận nhà bà.

Giữa những người theo đuổi, bà chọn anh thầy giáo vì anh “không tán tỉnh dẻo miệng”. Bà ngưỡng mộ người con trai giỏi văn chương, biết nói chuyện. Và quan trọng là bà cảm nhận được tình yêu ông dành cho bà.

Đám cưới của họ rất đơn giản. Bà con 2 họ đều nghèo khó, nên ít tiền mừng nhưng nhiều lời chúc phúc. Sau ngày cưới, vợ chồng trẻ cùng nhau “tay trắng mình sẽ làm nên” như lời ước hẹn khi yêu nhau. 

Biết kiềm chế, biết rõ giới hạn

Hoàn cảnh đưa đẩy, ông phải bỏ nghề dạy học, làm thợ mộc để nuôi được gia đình có bầy con nhỏ. Tay cầm phấn, cầm bút đã quen, nay ông phải tập cầm cưa, cầm đục… Thư sinh “dài lưng tốn vải” nay phải đổ mồ hôi sôi nước mắt nơi công trường.

Một buổi tối ông về trễ hơn bình thường, bà thấp thỏm chờ ông về ăn tối với lồng bàn đậy nồi cơm nguội cùng món canh toàn quốc, chén nước mắm dằm ớt… Khi ông về tới, bà ra đón thì thấy trên mặt ông đắp một “dề” thuốc rê gần hết trán. Hỏi ra mới biết ông giáo không cẩn thận trong lúc làm việc, bị khúc cây va mạnh vào trán, máu chảy xối xả. Bạn cùng làm với ông chỉ có thuốc rê để giúp ông cầm máu rồi đạp xe về.

Theo chỉ đạo “quyết liệt” của bà, ông phải vào bệnh viện để may lại vết thương, dù lúc đó thuốc men không nhiều và điều kiện y tế rất hạn hẹp. Nhờ bà rành rẽ mọi đường đi nước bước mà ông được chữa trị kịp thời. Vết thương lành, và con cháu thấy được qua “vụ việc” này là: Ông là người có “uy tín” trong nhà, nhưng bà mới chính là người đưa ra các “đối sách” bên ngoài xã hội! Hai người như một cặp bài trùng bổ sung các khiếm khuyết của nhau. 

Theo năm tháng, ông cũng đã có tuổi nên nghề xây dựng và mộc của ông không còn thuận lợi. Ông nghỉ việc hơn một năm trời. Trong thời gian đó ông ở nhà, nghiên cứu đủ loại sách vở, đủ loại “lý thuyết”… Bà vẫn làm công việc của một nhân viên văn phòng và chu toàn chợ búa, cơm nước. Bà biết ông cũng đang tìm một hướng đi mới cho công việc, dù ông chưa nói ra. 

Một hôm, bà bỗng nhớ đến những kỷ niệm lúc 2 người quen nhau, ông là thầy giáo có tài dạy học, có tài ăn nói - thế là bà nói với ông: “Hay là mình quay lại nghề này”. Ông và bà bàn tính kỹ càng rồi quyết định thành lập một trung tâm ngoại ngữ dạy 4 ngôn ngữ “hot” lúc bấy giờ là Anh, Trung, Pháp, Nhật. 

Nói thì đơn giản, nhưng rồi biết bao khó khăn xuất hiện, khiến 2 người phải chung tay đồng lòng, nào là xin giấy phép, tìm giáo viên (lúc đó rất hiếm giáo viên chứ không như bây giờ), nào là tìm địa điểm, quảng bá cho học viên 
biết đến…

Đến lúc này thì tài “ngoại giao” của bà được dịp phát huy, tài tổ chức, lên chương trình giảng dạy của ông cũng được phát lộ dưới lớp bụi thời gian mà tưởng như đã chôn vùi sâu trong dĩ vãng. 

Ông bà bắt đầu gầy dựng trung tâm, phát triển nó ngày càng lớn mạnh. Cùng làm việc chung một nơi, ông bà cũng có những cuộc tranh luận về công việc dẫn đến bùng nổ thành những trận cãi vã tóe lửa. Nhưng ông bà đều biết kiềm chế, biết rõ giới hạn đâu là công việc, đâu là hạnh phúc gia đình cần gìn giữ.

Quan trọng hơn hết, ông bà thuộc nằm lòng câu chỉ dẫn của người xưa: “Vợ chồng tương kính như tân”, “Chồng giận thì vợ bớt lời, cơm sôi nhỏ lửa một đời chẳng khê”.

Giận hờn cho tình già thêm đậm đà

Nay ông gần tuổi 90, bà gần 80, ông bà vẫn tươi trẻ yêu đời, vẫn theo sát thời cuộc, vẫn học cách sử dụng iPad, iPhone, cách lên mạng tra cứu tài liệu. Bạn bè người mất người còn, ông bà vẫn bên nhau như 2 người bạn tri kỷ, 2 người tình thế kỷ. Ông giúp bà kiểm tra email, bà giúp ông tìm cách in ra giấy một bài viết hay mà bạn bè gửi qua điện thoại.

Bà nhắc ông kiểm tra đường trong máu, huyết áp… rồi theo ông đến bệnh viện để bác sĩ tìm ra bệnh khiến ông khó thở. Ông giúp bà chỉnh sửa mấy bài thơ, mấy trang hồi ký dở dang… 

Thời trẻ làm lụng vất vả nuôi con, về già ông bà thường đưa nhau đi du lịch coi như tự thưởng cho mình
Thời trẻ làm lụng vất vả nuôi con, về già ông bà thường đưa nhau đi du lịch coi như tự thưởng cho mình

 

Những “giúp đỡ nhắc nhở” này cũng là nguyên nhân cho những trận cãi vã nổ ra, như lúc họ còn trẻ… Nhưng giờ đây, giận hờn chỉ làm gia vị cho cuộc sống tuổi già thêm đậm đà. 

Theo lời ông, bà lúc nào cũng là cô nữ sinh 16 tuổi. Ông đi đâu bà đi đó, có khi là đi chơi gần như Vũng Tàu, Bình Dương hay về quê cũ Quy Nhơn, có khi đến tận Mỹ, Úc xa xôi… Nếu 1 trong 2 người không khỏe thì người kia cũng từ chối lời mời từ hội bạn thơ hay hội dưỡng sinh.

Quang Phùng thổ lộ: “Hồi trước chúng tôi sợ cãi nhau, giờ lại muốn cãi cho vui, mà nhiều khi… nói hổng nổi. Nghe bả lớn tiếng là tui mừng, vì biết thế là bà khỏe”. 

 

Việc học của con là hạng mục đầu tư số 1 

Vợ chồng tôi luôn thống nhất cách nuôi dạy con. Bữa cơm gia đình rất quan trọng, trong thời gian ăn cơm, chúng tôi sẽ nói với các con quan điểm cùng lối sống của mình, điều gì là quan trọng, điều gì là không cần thiết.

Từ những chuyện nhỏ như ăn uống không được húp soàn soạt hay “ăn trông nồi ngồi trông hướng” tới những nguyên tắc “của cho không bằng cách cho”, hay những câu chuyện thời sự quốc tế, các áng văn thơ hay… 

Các con tôi luôn phải nhớ: “Ba má không có nhiều tiền cho các con, ba má chỉ có thể giúp các con học tập thật tốt, vậy nên đừng bỏ phí cơ hội học tập chừng nào ba má còn có thể giúp”. Trong việc đầu tư này, tôi là người “phát ngôn”, còn ông xã “thực hiện”. 

Có lần giữa trưa, trời nắng gắt, nghe tin công ty phát hành sách nhập về sách ôn luyện môn toán, chồng tôi vội bỏ hết công việc để đi mua cho con (lúc đó sách không nhiều như bây giờ, chậm chân là hết, không mua được). Những khoản chi tiêu cho con cái học hành, chúng tôi đều rộng tay, dù cho vợ chồng có phải nhịn mua cái áo, nhịn sắm đôi giày…

Hiện, 5 đứa con đã trưởng thành, sống bằng đồng tiền lương thiện, thành người có ích cho xã hội, vậy coi như việc đầu tư của vợ chồng tôi đã hiệu quả.

Hồ Thị Chiêu Ánh 

 

Thiện Nghi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI