Một đoạn clip ghi lại hình ảnh các nữ sinh lớp Bảy “xử” nhau, lột đồ nhau ngay trên bục giảng, lại vừa được tung lên mạng. Chuyện ấy dường như chẳng còn gây sốc cho học sinh hay phụ huynh nữa, vì cứ thỉnh thoảng lại xảy ra một vụ tương tự. Nhưng chẳng lẽ chúng ta đành bó tay nhìn bọn trẻ hành xử tàn tệ với nhau?
Trẻ được yêu thương không hành xử bạo lực
Thời nào thì học trò thi thoảng cũng “choảng” nhau. Nhưng ngày nay, chúng ra tay với nhau “ác” hơn và tần suất cũng ngày càng dày đặc.
|
Hình từ clip mới nhất về nhóm nữ sinh lớp Bảy đánh và lột đồ, hạ nhục bạn ngay trên bục giảng |
Học trò đánh nhau là “chuyện động trời”
Mười lăm năm trước, ở ngôi trường thuộc hàng “phố huyện” của tôi, mỗi năm nhà trường đưa ra hội đồng kỷ luật một hoặc vài ba học sinh vì lỗi đánh bạn. Ngày đó, học trò đánh nhau là chuyện “động trời”, rất đáng xấu hổ.
Hình thức kỷ luật cho lỗi này, nhẹ thì cảnh cáo trước lớp, nặng thì cảnh cáo trước toàn trường và nặng nhất là đuổi học một tuần; dù nói như thầy chủ nhiệm tôi: “Chẳng ai muốn đuổi học sinh. Những bạn đó, đuổi học một tuần có khi còn tệ hơn. Điều quan trọng vẫn là sự quan tâm của thầy cô và nhà trường”.
Như tôi quan sát, những bạn hay “cúp tiết” sẽ kèm theo thói quen xử lý vấn đề bằng bạo lực. Những học trò cá biệt thường “cá biệt” luôn ở nhiều khía cạnh. Học sinh cúp tiết, đánh nhau đều có nguyên nhân: con nhà giàu, cha mẹ cưng chiều, muốn gì được nấy, nhưng ít được quan tâm.
Con nhà giàu được cha mẹ hứa hẹn tương lai đưa đi nước ngoài hoặc cho sẵn công việc và có cả con nhà nghèo nhưng bố mẹ bận đi làm kiếm sống, bỏ bê không ngó ngàng, dẫn đến thiếu thốn tình cảm.
Tuy nhiên, ngày đó, những bạn hay đánh nhau không phải là “thành phần tội lỗi” gì. Phía sau những lần trốn học, đánh nhau đều có nguyên nhân. Các bạn ấy, khi được đối đãi bằng tình cảm, lại rất dễ thay đổi theo chiều hướng tích cực. Thời đó, rất hiếm học sinh đánh bạn hoặc “làm nhục” bạn chỉ để thỏa mãn cái tôi cá nhân.
Tình yêu thương và lòng tự trọng “bị lỗi”
Các em đánh nhau phải chăng do nền tảng giáo dục gia đình? Từ khi sinh ra, đứa trẻ đã được yêu thương đủ chưa? Một đứa trẻ hay bị tấn công bạo lực sẽ có khuynh hướng xử lý vấn đề bằng bạo lực. Cũng giống như bạn nuôi một con chó và thường xuyên đánh đập nó, con chó sẽ rất dữ, hay cắn người.
|
Trẻ phải được yêu thương đủ đầy. Ảnh minh họa |
Nếu bạn dùng nắm đấm với con, con cũng sẽ dùng nắm đấm với người khác. Một đứa trẻ hay tấn công người khác đã sao chép hành vi ấy đâu đó từ người lớn. Một đứa trẻ được gia đình đối đãi bằng tình yêu ngập tràn, bằng lối cư xử nhẹ nhàng, tình cảm thường cũng sẽ ngọt ngào, nhẹ nhàng với người khác.
Vấn đề gốc rễ của tình trạng bạo lực học đường ngày nay, tôi cho là do trẻ chưa được giáo dục đầy đủ lòng tự trọng - như trong câu chuyện anh bạn cùng lớp tôi. Một ngày, bạn hay tin người mình yêu mến nhất trong lớp nhận lời làm bạn gái của một bạn chung lớp.
Bạn tôi rất buồn vì vốn bạn tôi và bạn gái kia đã hứa rằng sẽ "thích" nhau. Bạn tôi phản ứng với sự “thất tình” bằng cách đi xuống cuối lớp, dồn mọi bực tức vào việc bẻ gãy một cây thước và gục mặt xuống bàn hát bài trái tim bên lề.
Năm tôi mười bảy tuổi, phát hiện cô bạn thân đang cố lấy lòng người con trai mình rất thích; tôi đã lặng lẽ rút lui, thậm chí còn bảo bạn trai kia đừng thích tôi nữa. Lúc đó, tôi chỉ nghĩ: hai đứa con gái cùng tranh nhau một đứa con trai thật chẳng ra thể thống gì; hơn nữa việc của tôi khi đó là học cho tốt. Đơn giản là chúng tôi tự trọng. Lòng tự trọng khiến một học sinh biết việc gì nên và không nên, biết đặt để vị trí của mình ở đâu và cư xử cho phải phép.
Tấn công người khác để thỏa mãn cái tôi cũng đồng nghĩa với việc hạ thấp giá trị bản thân. Một người dùng nắm đấm hay lời lẽ nặng nề nhục mạ người khác thì trước hết là đã xem thường bản thân. Điều gì không đẹp đẽ phát ra từ một cá nhân sẽ làm chính cá nhân đó vấy bẩn trước.
Dạy trẻ hành xử nghĩa hiệp, tự trọng, không làm ngơ trước cái xấu cũng là cách để trẻ tự bảo vệ mình. Không ai hết, chính những bậc phụ huynh là tấm gương phản chiếu. Nếu cho trẻ đủ tình yêu trẻ sẽ không loay hoay và tụt dốc trên con đường chứng minh cái tôi cá nhân nữa.
An Đông
Khi sinh ra, mỗi người chúng ta đều được tạo hóa nạp sẵn ít nhiều lòng trắc ẩn. Nhưng sự bao bọc quá mức của gia đình có thể biến trẻ thành kẻ ích kỷ, bất cứ thứ gì không vừa lòng đều phản ứng tiêu cực. Đến một lúc, suy nghĩ và hành vi của trẻ sẽ trở nên lệch lạc, chỉ để khẳng định và thỏa mãn cái tôi.
Không ít phụ huynh đổ trách nhiệm dạy dỗ học sinh cho cơ sở giáo dục, bởi thời gian trẻ ở trường nhiều không kém so với ở nhà. Trong khi đó, nhà trường hoặc cho rằng việc xảy ra bên ngoài nên khó kiểm soát, hoặc cầu cứu cơ quan công an. Cả hai cách nghĩ đều không ổn.
Thầy cô ở trường thật khó dạy bảo những đứa học trò lớp Bảy, lớp Mười, bởi ở nhà chúng là số một. Chuyện dạy bảo sẽ càng khó khi sự thiếu hụt tự trọng đang ngày càng trở nên phổ biến ở người lớn. Nhiều người lớn, kể cả các bậc phụ huynh đáng kính, vẫn nói một đàng làm một nẻo, trách sao lũ nhỏ chẳng học theo.
Tâm sinh lý học trò ở giai đoạn muốn khẳng định cái tôi nên dễ nổi loạn, song không nên mỗi lúc lại “gọi công an”. Nếu phải làm việc đó thì hành vi phải rất nghiêm trọng và đã làm thì phải đến nơi đến chốn, trong đó gồm cả sự dũng cảm nhận trách nhiệm của nhà trường.
Nếu được cha mẹ và nhà trường yêu thương đúng mực, tôi tin học trò sẽ biết hành xử một cách nghĩa hiệp, không ức hiếp bạn theo kiểu hội đồng, và những đứa trẻ yếu thế cũng chẳng dễ dàng để người khác đạp lên đầu lên cổ. Giáo dục là dạy để học trò biết làm người tự trọng thay vì học để trở thành… “siêu nhân”.
ThS Hoàng Kim Chiến
|