Tre già mong ngóng măng non

29/07/2023 - 06:36

PNO - Nhiều quốc gia đang chứng kiến sự lụi tàn của các ngành nghề thủ công, dịch vụ, quán ăn, nghệ thuật truyền thống… theo sau tình trạng dân số già hóa. Thế hệ đi trước không còn đủ sức làm việc, cũng không tìm được người kế thừa.

Ông Kenichi Koike (trái) - trưởng nhóm bảo tồn điệu múa sư tử ở Fukushima - giải thích lịch sử của truyền thống này cho Takeo Oshima - một thành viên mới của nhóm - Nguồn ảnh: Fukushima Minpo
Ông Kenichi Koike (trái) - trưởng nhóm bảo tồn điệu múa sư tử ở Fukushima - giải thích lịch sử của truyền thống này cho Takeo Oshima - một thành viên mới của nhóm - Nguồn ảnh: Fukushima Minpo

Làn sóng đóng cửa doanh nghiệp địa phương
Nhà máy sản xuất máy móc của ông Kiyoshi Hashimoto ở TP Yachimata, phía đông Tokyo (Nhật Bản) vốn từng rất náo nhiệt với hàng chục nhân công nhưng giờ đây chỉ còn là một không gian yên tĩnh, đượm buồn. Ông Hashimoto (82 tuổi) thành lập công ty cách đây gần 40 năm và vẫn giữ được những khách hàng trung thành cho đến nay.

Nhưng dù bước qua tuổi nghỉ hưu đã lâu, ông không thể tìm thấy người kế nhiệm hay người sẵn sàng mua lại nhà máy. Chính phủ Nhật Bản cảnh báo tình cảnh “tre già nhưng măng không mọc” có thể ảnh hưởng đến 1/3 số doanh nghiệp nhỏ ở nước này vào năm 2025. Xu hướng này có thể làm mất tới 6,5 triệu việc làm và làm giảm 166 tỉ USD quy mô của nền kinh tế Nhật.

M&A Research Institute - một đơn vị ở Tokyo chuyên kết nối các chủ doanh nghiệp Nhật Bản với những người kế nhiệm bằng cách sử dụng trí thông minh nhân tạo (AI) - cho biết vào tháng Tư năm nay: khoảng 620.000 công ty hiện kinh doanh có lãi ở Nhật Bản đang đối mặt nguy cơ đóng cửa do thiếu người kế nhiệm. 

Tại Singapore, quán ăn China Street Fritters tại Trung tâm Ẩm thực Maxwell vừa chính thức kết thúc 81 năm hoạt động vào đầu tháng Bảy này. 2 anh em Ng Kok Hua (66 tuổi) và Ng Kok Rong (67 tuổi) nói họ bị một số khách hàng trung thành "oán trách" vì để món tàu hũ ky cuộn thịt và rau đặc trưng của quán bị thất truyền. 

Trang blog ẩm thực Seth Lui cho rằng việc thế hệ trẻ ngó lơ các mặt hàng thực phẩm truyền thống là một trong những lý do khiến các quầy hàng như China Street Fritters ngừng kinh doanh. Cùng với đó là giá thuê tăng, thiếu người kế thừa và sức khỏe của chủ cửa hàng giảm sút do tuổi tác. Tại quán ăn Ng Soon Kee Fish & Duck Porridge (Singapore) - nơi chuyên bán xúp cá thu và vịt kho từ năm 1958 - chủ quán Ng Park Nang (74 tuổi) và vợ (73 tuổi) nói họ sẽ sớm nghỉ hưu. Hiện họ sẵn sàng để những người khác đến tiếp quản thương hiệu và công thức. Chia sẻ với kênh AsiaOne, con trai của cặp vợ chồng cười nói: "Tôi không tiếp quản được cửa hàng vì không biết nấu ăn".

Thay đổi để thu hút người trẻ

Tại thị trấn Aizumisato, tỉnh Fukushima (Nhật Bản), số lượng người biểu diễn Saikatsu no Higan-jishi - một điệu múa sư tử truyền thống được lưu truyền hơn 200 năm - ngày càng giảm. Trước tình hình đó, một nhóm bảo tồn địa phương đang tìm kiếm những người kế thừa bằng cách sửa đổi các quy định truyền thống.

Theo phong tục, các nghệ nhân Saikatsu được những người con trai cả trong cộng đồng kế thừa. Vì màn biểu diễn bao gồm những điệu nhảy cường độ cao đòi hỏi thể lực, người biểu diễn thường là thanh niên dưới 30 tuổi. Tuy nhiên, hiện nhóm chỉ còn lại 3 nghệ nhân múa sư tử, tất cả đều ở độ tuổi 40 hoặc 50. Khoảng 10 nghệ sĩ đánh trống và thổi sáo cũng đang già đi và cần có người thay thế.

Nhóm đã thảo luận về cách đối phó với vấn đề và thay đổi mạnh mẽ điều kiện truyền nghề thành “nam và nữ ở độ tuổi từ 20 đến 40, sinh sống hoặc làm việc trong thị trấn”. Vào tháng Sáu, chàng trai Takeo Oshima (23 tuổi) vừa chuyển đến thị trấn sau khi tốt nghiệp Khoa Nông nghiệp của Đại học Kyoto đã đến gặp ông Kenichi Koike - 70 tuổi, trưởng nhóm bảo tồn và cho biết anh muốn tham gia.

Sau khi biết về lịch sử của điệu múa dân gian từ ông Koike, Oshima càng tỏ ra hứng thú: “Tôi mong muốn được biểu diễn nghệ thuật truyền thống cùng mọi người". Chàng trai được các thành viên trong nhóm dạy cách thổi sáo và đặt mục tiêu trở thành nghệ sĩ sáo. Trong khi mở rộng hơn cánh cửa cho những người mới đến, nhóm cũng xem xét lại cách truyền đạt các kỹ năng. Họ đang lên kế hoạch quay video các buổi biểu diễn để lưu giữ và phổ biến cho công chúng.

Theo Minzokugeino wo Keisho Suru Fukushima no Kai - một tổ chức phi lợi nhuận chuyên bảo tồn nghệ thuật biểu diễn dân gian ở Fukushima - vào thời hoàng kim, có hơn 30 nhóm Higan-jishi biểu diễn để thông báo mùa xuân đến ở vùng Aizu. Giờ thì con số đó chỉ còn 7. Tất cả đều đối mặt với khó khăn về người kế nhiệm.

Một nhóm bảo tồn Komatsu-jishi - điệu múa sư tử truyền thống ở TP Aizuwakamatsu - đã dạy múa cho trẻ em tại trường tiểu học Kawanami kể từ năm 2000. 2 phụ nữ ở độ tuổi 20 từ lớp học múa tại trường tiểu học đã tham gia nhóm vài năm trước. Họ biểu diễn với tư cách là nghệ nhân múa và chơi trống. Trưởng nhóm Toshiei Suzuki (70 tuổi) cho biết: “Nguyên tắc chỉ truyền điệu múa cho con trai cả và nam giới đã cản trở việc lưu truyền nghệ thuật biểu diễn này”. 

 Linh La (theo AFP, Japan Times, Asia One)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI