Trẻ gặp nguy hiểm vì bị cắt lể, truyền dịch để trị sốt xuất huyết

20/06/2022 - 06:08

PNO - Thay vì theo dõi triệu chứng, cho con uống hạ sốt theo hướng dẫn của bác sĩ, một số cha mẹ đã nhờ người cạo gió, cắt lể, truyền dịch khiến bệnh sốt xuất huyết ở trẻ diễn tiến phức tạp.

Hậu quả khó lường từ cắt lể

Mặc dù con gái đã qua nguy hiểm, sức khỏe đang hồi phục tốt sau thời gian điều trị sốt xuất huyết (SXH), nhưng chị Phan Thị Thu Hằng (34 tuổi, ở tỉnh Vĩnh Long) vẫn không khỏi tự trách mình vì đã để bé bị cắt lể, giác hơi điều trị bệnh. Chị kể, bé N.A.V., 6 tuổi, con gái chị, được bác sĩ địa phương chẩn đoán SXH, tình trạng của bé ổn định nên kê đơn thuốc hạ sốt, hướng dẫn chị cách chăm sóc bé và cho về nhà theo dõi.

Hai ngày sau, bé V. bớt sốt, nhưng da có nổi các nốt đỏ li ti. Thấy vậy, bà của bé nhờ hàng xóm làm nghề đấm bóp, giác hơi đến cắt lể, giác hơi để… “hút máu độc” trị bệnh cho bé. Tối cùng ngày, những chỗ cắt lể liên tục rỉ máu, chị Hằng phải đưa con đến bệnh viện cấp cứu. Bác sĩ cho biết, bé V. bị rối loạn đông máu, sốc SXH phải dùng thuốc đặc trị và chuyển đến bệnh viện nhi tại TPHCM tiếp tục điều trị.

Trẻ thừa cân, bị sốt xuất huyết nặng phải lọc máu điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP.HCM - ẢNH: PHẠM AN
Trẻ thừa cân, bị sốt xuất huyết nặng phải lọc máu điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 TPHCM - Ảnh: Phạm An

Sau nhiều ngày sử dụng kháng sinh, truyền máu, thuốc chống sốc SXH, bé đã hồi phục, có thể xuất viện về nhà. Chị Hằng chia sẻ: “Trước đây, con gái tôi cũng bị SXH nhưng nhẹ, chăm sóc, cho uống thuốc vài ngày là khỏi. Lần này, ngoài sốt nhiều ngày, con tôi cũng không có thêm triệu chứng nào. Tôi đi làm nên gửi cho bà ngoại bé chăm sóc. Không ngờ, bà tin lời người ta, hút nặn… máu độc cho cháu. May mắn, tôi phát hiện kịp nên đưa bé đến bệnh viện”.

Vừa qua, Bệnh viện Nhi Đồng 2 TPHCM cũng tiếp nhận và điều trị cho một bé trai (7 tuổi, ở tỉnh Đồng Nai) bị SXH nặng. Theo bệnh sử, bé bị sốt cao nên được mẹ đưa đến phòng khám ở địa phương, nhưng bác sĩ không nói bé bị bệnh gì, chỉ tiêm một mũi thuốc vào mông. Hẹn hôm sau tái khám và tiếp tục tiêm thuốc cho bé.

Ngày thứ ba bị sốt, bé trai mệt mỏi, nôn ói, than đau bụng, tay chân lạnh không có sức, thở hổn hển. Gia đình lập tức đưa bé đến bệnh viện địa phương cấp cứu, nhận thấy tình trạng của bé quá nặng, bệnh viện chuyển đến TPHCM điều trị. Tại đây, bé đã vào giai đoạn sốc SXH, mạch, huyết áp không ổn định, nguy cơ suy hô hấp… các bác sĩ hồi sức tích cực, bé mới qua nguy kịch.

Theo thạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Đình Qui, Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 2 TPHCM, những ngày qua, tỷ lệ SXH ở trẻ khám ngoại trú đang tăng lên rất nhiều. Hiện tại, bệnh viện thực hiện hệ thống lọc bệnh SXH từ ngoài phòng khám để kiểm soát số lượng trẻ nhập viện. Trung bình khoa điều trị khoảng 80 - 100 trẻ phải nhập viện, trong đó có 10 trẻ bị SXH nặng được điều trị tại phòng hồi sức, 18 trẻ diễn tiến nặng đang được theo dõi sát tại khoa.

Trẻ mắc bệnh nền, béo phì bị sốt xuất huyết tăng cao

Gần đây, các bác sĩ chưa phát hiện trẻ nào bị cắt lể khi mắc SXH, nhưng vẫn có trẻ nhập viện với khá nhiều sẹo cắt lể, sẹo nhiều nhất ở vùng rốn, lưng của trẻ. Bác sĩ Qui cho biết, khi khai thác bệnh sử, người nhà nói do bé bị sốt, cảm nên dùng dao lam cắt lể để nặn lấy… máu độc ra ngoài cho các bé. “Điều này khá nguy hiểm bởi SXH có thể gây rối loạn đông máu, kèm theo các tiểu cầu giảm mạnh, nếu cắt lể, dùng dụng cụ giác hơi hút máu sẽ vô tình làm trẻ bị chảy máu khó cầm, nguy cơ mất máu cao bởi riêng giác hút đã gây xuất huyết dưới da”, bác sĩ Qui cảnh báo.

Theo bác sĩ Qui, trước đây, bệnh viện cũng từng cấp cứu cho bé bị chảy máu rất nhiều, bệnh vào giai đoạn nặng phải truyền bù máu, các chế phẩm khác mới cứu sống được. Chưa kể đến khả năng trẻ bị nhiễm trùng từ vết cắt lể. Thậm chí, nếu người cắt lể dùng chung một con dao lam cho nhiều người, bé có nguy cơ bị các bệnh lây nhiễm qua đường máu…

Ngoài ra, người lớn cũng hay có thói quen đến phòng khám truyền dịch khi cảm thấy mệt, nên cứ nghĩ trẻ mắc SXH cũng có thể điều trị bằng cách này vô tình đẩy con mình vào nguy hiểm. Với trẻ mắc SXH, tự ý truyền dịch khiến trẻ đối mặt với nguy cơ dịch thất thoát qua các mô kẽ, màng phổi, màng bụng, thậm chí đã từng có trẻ bị tràn dịch màng phổi, suy hô hấp phải thở oxy, thở máy rất khó điều trị.

Bên cạnh đó, bác sĩ Qui cũng lưu ý tỷ lệ trẻ bị hậu COVID-19, hen suyễn, hội chứng thận hư, ung thư bạch cầu cấp… mắc SXH đang tăng. Trẻ thừa cân, béo phì bị SXH cũng cao hơn hẳn so với những năm trước. Ở nhóm trẻ này, tình trạng diễn tiến nặng rất nhanh, chiếm một nửa trong tổng số trẻ bị SXH nặng, có trẻ bị tràn dịch màng phổi, sốc SXH phải thở oxy, thở máy.

Mặc dù gần 90% ca SXH tự hồi phục sau 7 - 10 ngày nhưng hiện nay, SXH vẫn đang phức tạp tại TPHCM và các tỉnh lân cận với số ca mắc cao, kéo theo số ca nặng tăng lên. 

Nếu trẻ sốt cao trên 3 ngày, cha mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện để làm xét nghiệm máu, với trẻ thừa cân, béo phì, trẻ mắc bệnh nền… cần được theo dõi sát. Khi phát hiện trẻ bị chảy máu răng, máu mũi, đi cầu phân đen… cha mẹ đừng chần chừ nên đưa trẻ đến bệnh viện ngay. Tuyệt đối không cắt lể, tự ý truyền dịch cho trẻ.

Phạm An

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI