Trẻ gánh chịu những áp lực nào quá sức ở tuổi mình?

03/04/2022 - 19:01

PNO - Gần đây, xảy ra nhiều trường hợp học sinh tự tử nghi do áp lực học hành. Cách nào để người lớn nhận biết, xử lý nhằm hạn chế tình huống này? Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với tiến sĩ - bác sĩ Đinh Thạc, Trưởng khoa Tâm lý Bệnh viện Nhi Đồng 1, phần nào hướng dẫn cha mẹ cách nhận biết, xử lý nhằm hạn chế tối đa tình huống thương tâm xảy ra với con em mình.

* Phóng viên: Thưa bác sĩ, chúng ta lý giải thế nào về các vụ học sinh tự tử xảy ra liên tiếp thời gian qua? Nguyên nhân nào thúc đẩy các em chọn cách tự hủy hoại bản thân như vậy?

- Tiến sĩ - bác sĩ Đinh Thạc: Theo tôi thấy có hai nguyên nhân chính. Nguyên nhân áp lực học hành quá tải xưa nay ta đã bàn nhiều rồi. Thế nhưng, trong bối cảnh hiện tại thì ảnh hưởng của dịch COVID-19 là yếu tố thúc đẩy, vô tình đã khiến trẻ em dễ khởi phát các rối loạn sức khỏe tâm lý tâm thần; những bé đã có sẵn tiền sử rối loạn lo âu, trầm cảm cũng bị trầm trọng hơn.

Bác sĩ Đinh Thạc đang điều trị tâm lý cho trẻ - Ảnh: Thanh Huyền
Bác sĩ Đinh Thạc đang điều trị tâm lý cho trẻ - Ảnh: Thanh Huyền

Theo ghi nhận tại Khoa Tâm lý Bệnh viện Nhi Đồng 1 trong năm qua, khá nhiều phụ huynh đưa con tới khám vì các triệu chứng bất thường. Với các bé ở độ tuổi mầm non thì trở nên ù lì, không hoạt bát, hay la hét, quấy khóc, thấy người lạ là trốn vào phòng đóng cửa. Còn những trẻ lớn ở độ tuổi cấp II, cấp III chủ yếu do suy giảm trí nhớ hậu COVID-19, kém tập trung, học hành giảm sút nên rơi vào trạng thái rối loạn lo âu, trầm cảm.

Mới đây, tôi đang điều trị cho một trường hợp như vậy. Bệnh nhi tên P.T.H.V., học lớp 11, ngụ tại tỉnh Đồng Nai. Người mẹ tức tốc đưa con gái về TPHCM khám khi nghe con nói: “Mẹ ơi, chắc con chết mất, mẹ phải cho con đi khám bác sĩ chứ con không muốn sống nữa”.

Khi thăm khám, trò chuyện với bác sĩ, nghe cô bé cởi mở nỗi lòng khiến người lớn ai cũng bàng hoàng. V. nói một tháng nay không tập trung học bài được, điểm số giảm sút. Thế nhưng, khi về nhà, lúc cô bé đang ngồi cố gắng làm bài thì mọi người lại quá ồn ào. V. có em trai nhỏ bốn tuổi. Cậu em vô cùng nghịch ngợm, thường xuyên chọc phá chị và hay la hét, khóc lóc.

Bị làm phiền liên tục, không được tôn trọng không gian riêng, nhiều lần V. có nói với cha mẹ nhưng đều bị gạt đi. Cha mẹ không có giải pháp mà chỉ yêu cầu chị gái phải nhường em. Bất lực trong đối thoại với cha mẹ, quá bế tắc, V. đã chuẩn bị sẵn dao để giết em rồi tự sát nhưng do sợ nên chưa dám thực hiện.

Ca này rất may mắn được đưa tới khám và điều trị tâm lý kịp thời. Bên cạnh thuốc và các liệu pháp tâm lý cho bệnh nhi, tôi còn phải điều trị tâm lý cả cho cha mẹ cháu bé. Chính phụ huynh phải nhận thức và thay đổi cách nhìn nhận vấn đề thì mới giúp cô bé được. Tôi cũng dặn dò phụ huynh trong thời gian cháu đang uống thuốc cần giám sát rất chặt chẽ. Với những bé đã có ý định tự tử, khi uống thuốc sẽ tỉnh táo hơn và dễ dàng thực hiện hành vi tự tử hơn.

* Trước khi thực hiện hành vi tự hủy hoại trẻ có những dấu hiệu nào để phụ huynh nhận biết không? Bác sĩ có thể chỉ dẫn những giới hạn khi cha mẹ và con cái đang xung đột để ta kịp thời dừng lại trước khi đẩy sự việc đi quá xa?

- Trước tiên, thông thường với những trẻ thực hiện hành vi tự tử, tự hủy hoại thì đều đã phát tín hiệu cho người thân từ trước, chẳng qua ta có đủ quan tâm và tinh tế để nhận ra hay không. Cũng có khi phụ huynh nhận ra nhưng lại phớt lờ vì cho rằng không quan trọng, và nghĩ “nó không dám làm đâu”.

Thực tế, khi khai thác các bệnh nhi được đưa tới khám tâm lý, tôi ghi nhận không ít pha xử lý tình huống sai lầm mang tính chủ quan của cha mẹ. Chẳng hạn, trẻ nhắc nhiều về cái chết, phụ huynh nghe mãi thấy nhàm còn đâm bực và cho rằng con cái đang dọa dẫm mình. Thậm chí, có ông bố, bà mẹ bực quá còn thách thức con: “Mày giỏi mày bỏ đi đi, xem rời gia đình sống được mấy ngày”, hoặc “Mày không phải dọa, có giỏi mày chết đi”. Đương nhiên, cha mẹ nói ra câu ấy không phải họ mong con mình bỏ đi hay chết đi mà chỉ là quá tự tin, nghĩ rằng trẻ sẽ sợ và không dám làm thật.

Phụ huynh không biết rằng tâm sinh lý của con cái sẽ thay đổi theo mỗi giai đoạn khác nhau. Khi còn nhỏ, trẻ hoàn toàn nghe lời cha mẹ, bảo sao con sẽ làm vậy. Tới giai đoạn tiền dậy thì, dậy thì thì trẻ lại có sự tương quan độc lập về suy nghĩ, tách khỏi cha mẹ để gắn với các mối quan hệ mới là thầy cô, bạn bè, xã hội… Nếu khi đó, phụ huynh vẫn không thay đổi cách giáo dục để trở thành người bạn đồng hành của con mà vẫn coi con như lúc lên ba, lên năm thì đương nhiên trẻ sẽ phản ứng lại. Phản ứng để chứng tỏ mình độc lập, mình có giá trị riêng.

Sự phản ứng của trẻ cũng chia làm nhiều dạng. Với những bé trầm tính, nhút nhát cha mẹ nói gì con vẫn im và làm theo, nhưng tới lúc như giọt nước tràn ly, bùng phát ra khiến cha mẹ chẳng kịp trở tay mà chỉ ngỡ ngàng, ngơ ngác hỏi nhau: “Sao bình thường nó ngoan ngoãn mà giờ lại đổi tính như thế…”.

Những trẻ có tính bộc trực sẽ tranh cãi với cha mẹ, nhưng sau khi tranh cãi vài lần không có kết quả thì các bé này co rút lại, tự xử lý sự việc theo cách của mình. Chúng đẩy cha mẹ ra xa, khép cánh cửa nội tâm của mình lại. Đối với những trẻ mang tính cách nóng nảy, khi bị cha mẹ áp đặt sẽ làm ngược lại bất kể đúng sai. Trẻ cãi lại, thậm chí còn xảy ra xô xát, bạo lực trong gia đình.

* Bác sĩ đưa ra lời khuyên thế nào cho phụ huynh để kịp thời phát hiện và tránh xảy ra hậu quả nghiêm trọng?

- Nếu thấy con hay nói về cái chết thì phải coi chừng. Các bé đôi khi sẽ không nói trực tiếp là con muốn chết, mà các câu nói bâng quơ trong khi xem một bộ phim, đọc một quyển truyện, bày tỏ hàm ý chết không có gì đáng sợ. Điều đó có nghĩa là con đã suy nghĩ nhiều về cái chết. Một đứa trẻ vui vẻ, có sức khỏe tâm lý tốt sẽ không bao giờ nghĩ về chết chóc như vậy.

Khi tranh cãi với cha mẹ, nếu con nói: “Bắt con thế này thế kia con sẽ chết hoặc con sẽ bỏ đi…” thì đừng bao giờ thêm dầu vào lửa bằng cách thách thức con. Như thế, trẻ sẽ cảm thấy mình bị coi thường, giễu cợt. Để chứng tỏ bản thân có thể trẻ sẽ làm thật.

Thường xuyên xung đột với con cái, phụ huynh cần ngồi lại với con. Chẳng những nên đưa con đi khám tâm lý mà chính phụ huynh cũng cần trị liệu về tâm lý thì mới giải quyết khúc mắc được triệt để.

Theo số liệu thống kê từ một số nghiên cứu, mỗi năm, thế giới có tới 46.000 trẻ vị thành niên tự tử. Còn thống kê trong nghiên cứu của bộ môn nhi tại một trường đại học lớn ở Việt Nam thì tình trạng trầm cảm chiếm đến 26% trên các trẻ vị thành niên. Trong số đó, 6,3% suy nghĩ về cái chết, 4,6% có kế hoạch tự tử. Tại Khoa Tâm lý Bệnh viện Nhi Đồng 1, mỗi năm điều trị cho khoảng mười trường hợp trẻ vị thành niên tự tử bất thành.

Tiến sĩ - bác sĩ Đinh Thạc cho biết, không chỉ áp lực học hành mà ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 còn gây ra rất nhiều hệ lụy cho sức khỏe tâm lý tâm thần của trẻ. Bác sĩ đang điều trị cho một nam bệnh nhi 11 tuổi, ngụ tại tỉnh Đồng Tháp. Cháu bé được ông bà đưa lên Bệnh viện Nhi Đồng 1 khám tâm lý vì không muốn đi học, không muốn ăn, u buồn, không muốn giao tiếp. Hoàn cảnh của bé rất đáng thương, đột ngột mất đi cha mẹ trong dịch COVID-19.

Tính tới nay, sau ba tháng tích cực điều trị, nhận được sự quan tâm và chia sẻ, hỗ trợ từ địa phương cũng như thầy cô, bạn bè thì cháu bé đã dần hòa nhập trở lại. Nói như vậy để chúng ta hiểu rằng, hơn lúc nào hết, con em mình đang phải gánh chịu những sức ép tinh thần rất lớn lao, có thể nói là vượt quá sức chịu đựng ở độ tuổi của các cháu.

Thanh Huyền (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI