Trẻ em và mối đe dọa bị bóc lột, lạm dụng tại các trại mồ côi

16/12/2021 - 06:06

PNO - Một báo cáo ngày 13/12 cho thấy thế giới cần phải có hành động ngay lập tức để ngăn chặn nạn buôn bán và bóc lột trẻ em trong các mái ấm, trại trẻ mồ côi.

Báo cáo của Tổ chức Từ thiện trẻ em Quốc tế Lumos ước tính có 5,4 triệu trẻ em trên toàn thế giới đang phải sống trong các cơ sở nuôi dạy không đạt chuẩn. Những cơ sở này không thể đáp ứng nhu cầu, quyền lợi cho trẻ và là vỏ bọc hoàn hảo cho nhiều hình thức bóc lột và xâm hại trẻ em.

Báo cáo của Lumos gây sốc về tình trạng trẻ em bị lạm dụng, bóc lột tàn nhẫn trong các trại mồ côi - ẢNH: ALAMY
Báo cáo của Lumos gây sốc về tình trạng trẻ em bị lạm dụng, bóc lột tàn nhẫn trong các trại mồ côi - Ảnh: ALAMY

Đây là báo cáo đầu tiên xác định mô hình buôn người gắn liền với hệ thống trại trẻ mồ côi trên toàn cầu, với bằng chứng thu thập từ 84 tổ chức ở 45 quốc gia trên thế giới. Phần lớn là những trường hợp bóc lột tình dục, lao động cưỡng bức và bị ép buộc làm những việc nhằm có thể thuyết phục các nhà tài trợ để đảm bảo nguồn tài chính.

Trong một số vụ việc, trẻ em suy dinh dưỡng bị giam giữ trong điều kiện chật chội, không hợp vệ sinh để gợi lòng trắc ẩn, thu hút tiền từ các nhà tài trợ và tình nguyện viên. Lumos cũng phát hiện ra nhiều trường hợp trại trẻ mồ côi hoạt động như cơ sở mại dâm trẻ em, nơi nạn nhân được giao cho “khách hàng” trong vài giờ hoặc vài ngày trước khi quay lại.

Nhiều trẻ em dễ bị tổn thương được đưa vào trại mồ côi bằng hồ sơ nhân thân giả mạo, bao gồm giấy chứng tử giả của cha mẹ hoặc giấy tờ chứng nhận bị bỏ rơi, sau đó được “huấn luyện để đóng giả làm trẻ mồ côi, qua mắt các tình nguyện viên và du khách”. Nạn nhân có thể sẽ bị bán, mắc kẹt trong những hình thức bóc lột khác, bao gồm cả mại dâm và ép ăn xin.

Điển hình ở Ghana, trẻ em bị buôn bán và phải chịu một số hình thức lạm dụng tồi tệ nhất, bao gồm phải làm việc trong trang trại ca cao và mỏ vàng. Ở Campuchia, một số chủ trại trẻ mồ côi bị phát hiện đã mua trẻ em dễ bị tổn thương từ gia đình khó khăn và bán chúng để kiếm lời.

Báo cáo cho thấy nạn buôn người phổ biến hơn ở các nước có ngành du lịch chiếm tỷ trọng cao trong nền kinh tế. Ở Uganda, số lượng trẻ em trong các trại mồ côi đã tăng từ khoảng 1.000 vào cuối những năm 1990 lên 55.000 trẻ hiện nay. Ở Campuchia, số lượng cơ sở chăm sóc trẻ không gia đình đã tăng 75% trong thập niên qua. Dù thực tế là số lượng trẻ mồ côi ở cả hai quốc gia này đều đã giảm mạnh. Hầu hết các mái ấm, nhà mở được phát triển tại các điểm nóng về du lịch.

Vào năm 2017, hơn 100 trẻ em đã cố gắng chạy trốn khỏi một trại trẻ mồ côi ở Guatemala sau khi bị ngược đãi, nhưng đã bị bắt đưa trở lại và giam giữ. Sau đó, 56 bé gái bị nhốt cùng nhau trong một căn phòng chật chội quyết định nhóm lửa để thu hút sự chú ý của những người bên ngoài. Thế nhưng không một ai đến giúp đỡ họ, và ngọn lửa đã cướp đi sinh mạng của 41 em. Vào năm 2019, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã công nhận mối liên hệ giữa các tổ chức nuôi dạy trẻ em và nạn buôn người.

Lina Gyllensten - Đại diện Lumos - cho biết: “Báo cáo cho thấy nhiều tổ chức xã hội đang đóng vai trò quan trọng trong những trường hợp bóc lột và lạm dụng trẻ em trên khắp thế giới. Trẻ em dễ bị tổn thương đang mắc kẹt trong một mạng lưới buôn người phức tạp và bị xâm hại dưới nhiều hình thức. Đã đến lúc thế giới phá vỡ những vòng xoáy tàn nhẫn này”. 

Ngọc Hạ (theo Guardian)

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI