Trẻ em rap trật nhịp, trình diễn “đơ”: Giám khảo vẫn khen tận... mây xanh

04/01/2021 - 10:15

PNO - Trong chương trình “Rap kids Viet Nam”, phần trình diễn của thí sinh dù có mắc lỗi vẫn được các giám khảo dành nhiều lời khen, ít sự góp ý, xây dựng.

Sau 2 tập lên sóng, Rap kids Viet Nam tiếp tục bị khán giả mang ra “mổ xẻ” nhiều vấn đề liên quan đến chất lượng cuộc thi. Đây là chương trình hiếm hoi bị người xem phản ứng khá tiêu cực trước khi lên sóng và chưa có dấu hiệu các bình luận chỉ trích sẽ dừng lại.

Trong tập 1, ngoài thí sinh Nguyễn Thu Hà (13 tuổi) có bản rap cảm xúc về mẹ, thể hiện được 2 khả năng hát và rap, còn lại, các thí sinh có phần dự thi mắc khá nhiều lỗi về trình diễn, chưa chắc nhịp, lời rap chưa phù hợp.

Tiết mục dự thi của thí sinh 5 tuổi, Phạm Tuấn Phong:

Ở tập 2, các thí sinh Rap kids Viet Nam có khả năng đồng đều hơn. Tiết mục được đầu tư về hơn nội dung, cách gieo vần. Tuy nhiên, như một cách đương nhiên, ngôn ngữ hình thể - điều góp phần tạo nên tính hiệu quả, tiếng nói của rap và hip-hop - của những thí sinh nhí hoàn toàn lạc điệu, nếu không muốn nói là hoàn toàn không phù hợp với tính chất thể loại âm nhạc này. 

Trong chương trình, các thí sinh có sự hỗ trợ từ phía gia đình, người thân (gọi là huấn luyện viên) để chọn nội dung, hoàn thiện ca từ. Gần như, các thí sinh, trong đó có trẻ 5 tuổi, đến phát âm còn chưa rõ vần nên hoàn toàn không hiểu được ý nghĩa của câu từ bài hát. Trong khi với rap, lời ca chính là "âm nhạc". 

Người xem sau 2 tập dễ nhìn thấy sự chưa phù hợp khi trẻ em hát rap, cũng như các thí sinh cần dành nhiều thời gian cải thiện kỹ năng chuyên môn. Nhưng, từ các giám khảo, cơn mưa lời khen vẫn trút xuống, với những tính từ tôn vinh quá mức: "hoàn hảo", "xuất sắc"... và gọi các thí sinh nhí này là ngôi sao, idol... 

Thí sinh Phạm Tuấn Phong (5 tuổi), rap về sự lừa lọc dựa trên câu chuyện của chú Cuội trong cổ tích. Tiết mục Nói dối như Cuội có nhiều ca từ chưa phù hợp với cậu bé 5 tuổi để đủ hiểu về những gì mình đang thể hiện: “gian dối lời đầu môi”, “gạt người, gạt đất, gạt cả trời”, “thoát chết bao phen rồi lại phất”, “Về đến nhà lừa chú thím/Đi ra đường lừa anh em”... Thay vì nhận xét, góp ý về nội dung, các giám khảo khen ngợi tinh thần của thí sinh, khen tiết mục quá ý nghĩa và nhận mình là fan.

Tiết mục của thí sinh Vũ Thành An:

Ở tiết mục Ăn khế trả vàng của thí sinh Nguyễn Kiều Anh (9 tuổi), thật khó tin đây là những lời mà nữ giám khảo Gemma dành cho màn trình diễn củamột cậu bé: “Con đã cháy hết mình trên sân khấu, làm chủ tất cả từ giọng hát cho đến vũ đạo... Về phần nhịp, con rất chuẩn”. May mắn, vị giám khảo còn lại là Cee Jay sau những lời có cánh cũng đã kịp chỉ ra đoạn thí sinh hát bị mờ chữ, cần khắc phục.

Nhận xét về tiết mục của thí sinh 10 tuổi, Hoàng Bảo Ngọc, giám khảo Gemma tiếp tục ngợi khen: “Phải nói đây là bài hát kết hợp với rap rất tuyệt vời. Nó không phải là good (tốt) mà nó là perfect (hoàn hảo/tuyệt vời), quá hoàn hảo”.

Nguyễn Ngọc Bảo Anh với tiết mục Xứ người Dao đỏ tiếp tục khiến 2 giám khảo đứng ngồi không yên, chạy lên chúc mừng khi thí sinh vừa hoàn thành phần trình diễn. Giám khảo Cee Jay khẳng định thí sinh này là siêu sao và phần trình diễn trên sân khấu quá tuyệt vời. Nữ giám khảo Gemma nhận Bảo Anh là thần tượng của mình sau màn dự thi vừa kết thúc.

Vũ Thành An là thí sinh khép lại tập 2 của vòng loại với tiết mục Như là mây. Cô bé có kết hợp thêm một số vũ đạo trong phần trình diễn nhưng còn khá vụng về. Khả năng hát của Thành An không tốt nên khi kết hợp cùng rap không đạt hiệu quả. Tuy vậy, giám khảo vẫn dành nhiều lời khen cho thí sinh.

Quả thực, với đối tượng nhí, mọi sân chơi chỉ nên xem là sân chơi, dù có tính thi thố. Và ở đó, lời động viên vô cùng cần thiết, không kém việc làm thế nào đẻ trẻ đừng tổn thương, bằng những câu từ chừng mực. Việc ngợi ca bằng ngôn ngữ quá đà, ở một khía cạnh nào đó, rất dễ trở thành lưỡi dao nhất khi kết quả mà các bé nhận được không hề tương đồng. 

 

Minh Tú

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI