Trao đổi với phóng viên Báo Phụ Nữ TPHCM về vấn nạn bạo lực học đường, tiến sĩ xã hội học, thạc sĩ tâm lý trị liệu Phạm Thị Thúy, giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia, cơ sở TPHCM đã chỉ ra những nguyên nhân cốt lõi và giải pháp ngăn chặn.
Phóng viên: Theo bà, đâu là nguyên nhân gốc rễ của bạo lực học đường (BLHĐ)?
Tiến sĩ xã hội học, thạc sĩ tâm lý trị liệu Phạm Thị Thúy: Cần khẳng định rằng nóng giận, đánh đập người khác là điều không thể chấp nhận được. Tuy nhiên, tôi muốn phân tích một chút về đặc trưng tâm lý tự nhiên ở lứa tuổi học sinh.
|
Tiến sĩ Phạm Thị Thúy trong một lần nói chuyện với học sinh ở TPHCM về phòng, chống bạo lực học đường - Ảnh: CTV |
Trong cuốn Não bộ tuổi teen, giáo sư thần kinh học Frances E. Jensen chỉ ra rằng, não bộ các em chỉ mới phát triển 80% so với người trưởng thành, 20% còn lại cần nhiều thời gian để hoàn thiện. Điều này lý giải vì sao các em thường hành xử khó hiểu và có khả năng kiểm soát hành vi kém.
Về phía gia đình, nhiều phụ huynh rất hay bạo hành thể chất và tinh thần với con. Cha mẹ hiện nay có quá nhiều mâu thuẫn, làm việc quá nhiều, bị căng thẳng, mất kiểm soát rồi trút cảm xúc này lên con. Họ cũng kỳ vọng quá nhiều vào con. Chịu áp lực rất lớn từ gia đình, trẻ không thể phản kháng lại được nên chỉ có thể trút giận lên bạn bè hoặc em mình. Đây là nguyên nhân nổi cộm và rất nghiêm trọng.
Một nguyên nhân nữa là không khí lớp học, cách dạy của giáo viên đang gây căng thẳng cho học sinh. Trẻ đi học không thấy vui, hạnh phúc. Một số giáo viên thiếu kỹ năng sư phạm, vô tình tạo những quy định, cách quản lý khiến trẻ sợ. Chịu căng thẳng như vậy thì khi ra khỏi lớp, chỉ cần một cái lườm nguýt hay bị ai đó gây khó chịu, trẻ lập tức bùng nổ. Chúng như nồi áp suất, chỉ cần ai chạm vào là bùng nổ ngay.
Việc có quá nhiều tin tức tiêu cực trên mạng và trong đời thực cũng ảnh hưởng đến tâm trạng mọi người, tấn công vào gia đình và tấn công vào sự mong manh của đứa trẻ. Tôi từng tham vấn những trẻ luôn nhìn mọi thứ rất bi quan, đầy ắp suy nghĩ và cảm xúc tiêu cực.
* Trong nhiều vụ BLHĐ được tung lên mạng, có hiện tượng những người chứng kiến cổ vũ hoặc làm ngơ. Sự vô cảm này đến từ đâu và chúng ta cần làm gì để ngăn chặn, thưa bà?
- Một phần là do các nguyên nhân nói trên và một phần do độ chai lì cảm xúc đang gia tăng trong cả người lớn lẫn trẻ em. Khi bên trong không ổn, người ta sẽ không muốn mở lòng, quan tâm, giúp đỡ người khác. Một phần nữa là do suy nghĩ dính vào sẽ liên lụy, phiền phức. Nhiều nơi xử lý BLHĐ không tốt, thiếu văn minh, thiếu tế nhị khiến những người liên quan cảm thấy phiền.
* Có một thực trạng của BLHĐ trong những năm vừa qua, đó là ngoài bạo lực giữa học sinh với học sinh, còn có thầy cô bạo hành trò, phụ huynh bạo hành giáo viên, phụ huynh bạo hành bạn bè của con. Dường như có một lỗ hổng rất lớn trong các mối quan hệ này, thưa bà?
- Đúng vậy. Một bộ phận phụ huynh chỉ cần nghe con mình bị gì đó ở trường là lập tức tìm gặp, đánh giáo viên, đánh bạn của con hoặc chửi mắng phụ huynh khác. Họ chỉ biết cái tôi của mình và sự an nguy của con và bất chấp mọi thứ khác. Chính những phụ huynh “hổ báo” này làm gia tăng sự vô cảm của người khác, khiến ai cũng né tránh.
Nhiều phụ huynh muốn mình và con mình ở đẳng cấp khác so với số còn lại nên đã cho con rất nhiều tiền, từ đó vô tình tạo sự phân tầng không đáng có cho con và trẻ cũng không học được cách quý trọng đồng tiền. Họ đang không chỉ cô lập con mình trong môi trường chung mà còn khiến con gặp nguy hiểm, thành “đại ca” hoặc bị những “đại ca” khác trấn lột, bạo hành.
Ở góc độ nhà trường, có nhiều giáo viên rất thiếu kiềm chế. Giáo viên cũng có vấn đề của họ nhưng giáo viên có đạo đức sẽ không chọn bạo hành trẻ, cố gắng để không làm trẻ tổn thương; ngược lại, nhiều thầy cô sẵn sàng để cơn nóng giận bùng phát.
* Không dễ để trẻ biết cách giải quyết mâu thuẫn. Theo bà, các em cần làm gì, cần được trang bị kiến thức như thế nào để nhanh chóng nhận diện và tránh được BLHĐ?
- Tôi vừa tiếp nhận một ca BLHĐ và đang chỉ định phụ huynh đưa em này đi khám do có những vấn đề liên quan đến tâm thần. Em này hiện đang học lớp 12, từng là nạn nhân của BLHĐ hồi THCS, tức tâm lý đã bị ảnh hưởng. Vừa qua, trong nhóm Zalo của bạn cũ lớp 11, lớp trưởng biết tin em này có một số vấn đề tâm lý liền lên nhóm nói xấu, bị em này tấn công.
Khi nhà trường giải quyết xong vụ việc thì một bạn khác tiếp tục nhìn em này với ánh mắt ghét bỏ, nói năng miệt thị. Em rất tổn thương, lại tấn công bạn, nhà trường lại giải quyết và các triệu chứng bất ổn lâu nay của em này lại trỗi dậy, nặng hơn.
Muốn “nói không” với BLHĐ, trước tiên, trẻ phải tự ý thức, và phải có sự đồng hành của gia đình. Kỹ năng giao tiếp, kiểm soát cảm xúc của trẻ phải được dạy từ bé bởi không ai tự nhiên biết cách quản lý cảm xúc. Trẻ phải được sống trong tình yêu thương, được thoải mái ở nhà và ở trường.
Do đó, chính cha mẹ và thầy cô phải xả van nồi áp suất, bằng cách cho trẻ được hòa mình với thiên nhiên, cảm nhận tình cảm của người lớn. Tình yêu thương là yếu tố quan trọng nhất. Trẻ cần được cảm nhận điều này để cảm thấy đủ đầy bên trong, từ đó không có cảm xúc tiêu cực về bản thân và mọi người.
Điều này đến từ lối cư xử hằng ngày của cha mẹ và thầy cô chứ không đến từ một vài khóa kỹ năng sống. Phụ huynh đừng nghĩ trẻ thiếu kỹ năng thì cho đi học kỹ năng sống là xong. Các khóa học kỹ năng là rất cần nhưng không đủ. Giá trị, niềm vui, sự bình an của đứa trẻ phải đến từ sự cư xử của cha mẹ, thầy cô từng ngày đối với nó mà không khóa học nào làm được.
Nhà trường nên có nhiều chương trình thiên về cảm xúc, hạnh phúc, hướng thiện, tư duy tích cực… để trẻ có được sự bình an. Chúng ta cần bớt nói những điều tiêu cực. Tôi nghĩ, cái gì tốt mà lan tỏa thì cần nói nhiều hơn, còn nói quá nhiều về cái ác thì cái ác sẽ dễ dàng nảy sinh.
* Xin cảm ơn bà!
Tuyết Dân (thực hiện)