Trẻ em nghêu ngao nhạc yêu đương, thất tình: Phụ huynh tặc lưỡi cho qua

02/01/2020 - 05:48

PNO - Nhạc xưa lỗi thời, nhạc mới không chạm được cảm xúc, nhưng hơn hết việc định hướng món ăn tinh thần cho trẻ lại thuộc phần nhiều vào phụ huynh.

Cách đây ít hôm, khi đang di chuyển trên đường Trường Chinh (Q. Tân Bình, TP.HCM), tôi thấy một chiếc xe buýt 12 chỗ đang chở đầy những em học sinh tiểu học. Có lẽ, hình ảnh này không quá xa lạ tại Sài Gòn. Nhưng chuyến xe đó lại khiến tôi và đôi ba người nữa phải chú ý vì lũ trẻ đang hát rất to một ca khúc làm mưa làm gió trong làng nhạc Việt thời gian qua của hai ca sĩ trẻ Jack và K-ICM mang tên Sóng gió

Tôi cũng đôi ba lần nghe qua ca khúc này, nhưng không thể nhớ được lời. Vậy mà bọn trẻ ấy thuộc làu làu và hát rất đúng nhịp. Những từ ngữ anh, em, yêu, chuyện tình mình... được phát ra từ những đứa trẻ mặt non choẹt cứ lẩn quẩn trong đầu tôi.

Tre em ngheu ngao nhac yeu duong, that tinh: Phu huynh o dau?
Hình ảnh các em học sinh đi học bằng xe buýt 12 chỗ (ảnh minh hoạ).

Có bận, chuyện trẻ em nghêu ngao nhạc người lớn trên mấy gameshow truyền hình cũng khiến dư luận xôn xao, từ bàn luận đến chỉ trích, quy trách nhiệm cho các bên. Nhưng rồi đâu lại vào đó. Ai cũng cần sống và hoà nhập với văn hoá thời đó, kể cả trẻ con. Ngày nay, chuyện con nít gắn bó với ruộng đồng cũng dần ít đi, ngay thậm chí tại miền quê. Vì thế, Con cò bé bé, Bắc kim thang... cũng không thể đi mãi cùng chúng bởi chuyện được nhắc đến không hề quen thuộc với lứa trẻ bây giờ.

Trong khi đó, nhạc thiếu nhi rất ít sáng tác mới; giai điệu, ca từ, hoà âm phối khí, lẫn hình ảnh thiếu sức lan toả... Gần đây nhất, Bống bống bang bang là ca khúc được ưa chuộng để phát cho thiếu nhi từ nhà đến trường học. Nhưng thực chất, đây lại là sáng tác dành cho một bộ phim của người lớn. 

Khi trò chuyện với một nhạc sĩ chuyên nhạc thiếu nhi, anh chia sẻ rằng, dòng nhạc trẻ em này khó thu lợi nhuận, hoặc phải về đường dài mới thấy được lợi ích, vì thế ít nhạc sĩ chịu gắn bó. Khi gánh nặng về chuyện cơm áo gạo tiền còn đó, việc đầu tư cho nhạc thiếu nhi bị bỏ ngỏ là lẽ thường.

Tre em ngheu ngao nhac yeu duong, that tinh: Phu huynh o dau?
Nhạc dành cho thiếu nhi hiện tại vừa thiếu, vừa không có những tác phẩm đủ đi sâu vào lòng người.

Nhưng khi con trẻ nghêu ngao những bài hát thất tình, sầu não, nào có phải là chuyện của nhạc sĩ, của thị trường. Ngày nay, hầu như gia đình nào cũng có thể sắm được điện thoại, thông minh, máy tính bảng với giá không còn quá đắt. Và chúng trở thành công cụ để phụ huynh giao cho con trẻ nhằm mua lấy sự tự do cho mình.

Mấy dịp ở quê có đám tiệc, con nít thời nay không còn lăng xăng ra vào bếp núc hay chơi mấy trò dân gian như ngày trước. Vài ba đứa tụm lại hoặc thậm chí mỗi đứa đều được cầm điện thoại để ngồi chơi suốt buổi. Trên đó, chúng thoả sức lựa chọn những thứ mà chúng muốn xem, còn phụ huynh thì chẳng biết chúng xem, nghe, đọc gì.

Khi một lời cảnh báo được đưa ra, ai nấy cũng lấy tâm lý “thôi kệ, tụi nó còn nhỏ” để qua chuyện. Còn có người gần như bất lực để kéo lũ trẻ thoát khỏi những thiết bị công nghệ hiện đại hay môi trường mạng hiện tại. Tôi từng chứng kiến cảnh một đứa nhỏ 10 tuổi con của ông anh họ nằm lì suốt cả ngày trong phòng khi nhà có tiệc để xem phim, nghe nhạc - thứ âm nhạc mà vốn dĩ chỉ thuộc về lứa tuổi của chúng tôi với đầy những ngôn ngữ yêu đương, thất tình.

Tre em ngheu ngao nhac yeu duong, that tinh: Phu huynh o dau?
Nhiều phụ huynh phó mặc cho con trẻ "làm bạn" với công nghệ từ sớm.

Và cũng nhiều bậc phụ huynh, thay vì lựa chọn tâm sự cùng con, cùng các cháu ngồi xem phim, giải trí, chơi đùa, đọc sách cùng con... thì cũng chọn cách "mẹ một chiếc, con một chiếc". Để rồi đến khi một sự cố nào đó xảy ra, phụ huynh mới chợt giật mình. 

Hồi tháng 11 vừa qua, YouTube cũng ra quy định để kiểm soát các nội dung có liên quan đến trẻ em. Nhưng kỳ thực việc giám sát bằng máy móc cũng khó thể thay thế sự quan tâm, định hướng từ phụ huynh, gia đình. YouTube có kênh Youtube Kids riêng dành cho trẻ em. Nhưng các phụ huynh cùng cơ quan tôi cho biết nội dung đó chỉ phù hợp với lứa tuổi mẫu giáo, còn với những trẻ bước sang tuổi tiểu học lại không hấp dẫn chúng được.

Không thể ép buộc trẻ tiếp nhận điều chúng không thích. Tuy nhiên, việc giáo dục, giúp trẻ giải trí không phải chỉ có ở môi trường mạng. Khi có sự quan tâm sát sao, ắt hẳn phụ huynh sẽ có một lựa chọn phù hợp, hợp lý hơn cho con em mình thay cho việc đổ lỗi, phó mặc cho hoàn cảnh.

Mỗi thời mỗi khác, nhưng xét đến cùng, con trẻ dù lanh lẹ hiện đại đến mấy, dù bấm thiết bị công nghệ nhoay nhoáy, chúng vẫn là những tờ giấy trắng. Việc viết gì, vẽ gì đều có thể tạo nên sự ảnh hưởng ở thì tương lai, mà có lẽ không ít trường hợp đã khiến chúng ta phải đau lòng. Con trẻ cần được lớn lên trong sự tự do, tân tiến nhưng cần có khuôn khổ. 

Ngẫm ra, ca khúc Sóng gió mà mấy đứa nhỏ nghêu ngao hát nội dung không xấu, thậm chí giai điệu đẹp, bắt tai, thời thượng nhưng chưa phải là thứ âm nhạc các em nên được tiếp xúc. Nhưng vì sao chúng lại thuộc làu như thế, chuyện cần phải hỏi lại phụ huynh.

Trung Sơn

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • Tigon 03-01-2020 14:06:05

    Nhà em hạn chế nghe nhạc người lớn khi có các cháu nhỏ nhưng con em đi học lại được các bạn khác dạy cho các bài hát thế là cháu biết hát những bài mà có khi ba mẹ còn chưa nghe lần nào. Chưa kể các quán cafe, siêu thị, nhà hàng xóm cũng mở nhạc mới ra rả, không muốn nghe cũng không được... Gọi là thời đại bây giờ, XH ngày nay nó thế thì mình phải chịu thôi. Có điều cần giải thích với con là những bài hát này chưa phù hợp với tuổi các con, nghe cho vui thì được (thực tế các con cũng chưa hiểu hết những ngôn từ trong các bài hát đó), chứ không nên xem clip và trình diễn. Ngoài ra, trong trường cũng thường tổ chức các tiết mục văn nghệ với các bài hát rất phù hợp lứa tuổi các con, nên em nghĩ vài bài hát hot hit trên mạng cũng chỉ là trào lưu, thời gian rồi lãng quên, không quá nguy hiểm đối với trẻ con vì có lẽ cái chúng thích là nhịp điệu bài hát nghe hợp tai chứ không phải lời bài hát.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI